CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) của VKSND thành phố Hồ Chí Minh

20/09/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, thực hiên nghiêm túc chỉ đạo của VKSND tối cao, VKSND hai cấp của Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 38 cuộc họp nhằm thảo luận góp ý cho Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) với tổng số 823 lượt cán bộ, kiểm sát viên tham gia ý kiến. Bên cạnh đó...

Một số ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) của VKSND thành phố Hồ Chí Minh 

Vừa qua, thực hiên nghiêm túc chỉ đạo của VKSND tối cao, VKSND hai cấp của Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 38 cuộc họp nhằm thảo luận góp ý cho Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) với tổng số 823 lượt cán bộ, kiểm sát viên tham gia ý kiến. Bên cạnh đó, VKSND thành phố xây dựng chuyên mục lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ luật hình sự trên Trang thông tin điện tử của VKSNDTP để cán bộ, công chức, Kiểm sát viên và nhân dân tham gia góp ý kiến. Nhìn chung, công tác triển khai thực hiện lấy ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) của VKSND hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh đã được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng đáp ứng yêu cầu đã đề ra. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng một số ý kiến đóng góp của cán bộ, công chức hai cấp kiểm sát Thành phố để bạn đọc tham khảo:
Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) lần này đã được chuẩn bị công phu với 443 Điều (tăng 99 điều so với BLHS hiện hành), trong đó giữ nguyên nội dung 43 điều, bãi bỏ 06 điều, bổ sung mới 68 điều và sửa đổi 329 điều (51 điều được tách ra từ 20 điều của BLHS hiện hành). Về cơ bản, Dự thảo đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Cương lĩnh xây dựng Đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; cụ thể hóa các quy định về tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong các lĩnh vực của đời sống trong Hiến pháp 2013, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), VKSND Thành phố Hồ Chí Minh có một số ý kiến cụ thể như sau:
Thứ nhất, về cách sử dụng thuật ngữ trong các điều luật quy định về các tội phạm cụ thể.
 Dự thảo vẫn sử dụng các thuật ngữ mang tính định tính, đa nghĩa và phải cần có văn bản hướng dẫn mới có thể áp dụng thống nhất trong thực tế. Đây là hạn chế của Bộ luật hình sự năm 2009 nhưng đến dự thảo này vẫn chưa được khắc phục. Điển hình như các thuật ngữ: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “tài sản có giá trị lớn”, “tài sản có giá trị rất lớn”, “tài sản có giá trị đặc biệt lớn”, “nơi tập trung đông dân cư”…. Đây là các thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong các điều luật quy định về tội phạm. Tuy nhiên đối với từng loại tội phạm thì cách hiểu của thuật ngữ sẽ có sự khác biệt với với nhau. Thực tế áp dụng pháp luật trong thời gian vừa qua cho thấy việc sử dụng các từ ngữ mang tính định tính như trên gây khó khăn lớn cho việc áp dụng pháp luật, đòi hỏi phải có văn bản hướng dẫn gây ảnh hưởng đến hiệu lực của Bộ luật hình sự
Thứ hai, về cách xác định giá trị tài sản để làm tình tiết định tội, định khung hình phạt
Dự thảo tiếp tục kế thừa cách quy định của Bộ luật Hình sự năm 2009 theo hướng quy định số tiền cụ thể làm tình tiết định tội, định khung. Điển hình như các tội phạm xâm phạm sở hữu có yếu tố cấu thành vật chất liên quan đến giá trị tài sản chiếm đoạt như Cưỡng đoạt tài sản, Trộm cắp tài sản…
Điều 171 Dự thảo quy định về tội Cưỡng đoạt tài sản
“ Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị tài sản đã chiếm đoạt, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”
Điều 172 Dự thảo quy định về tội Trộm cắp tài sản
“Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc những trường hợp sau đây thì bị phạt, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”
Cách quy định này có thuận lợi là giá trị tài sản dùng là yếu tố định tội hoặc định khung rõ ràng, dễ áp dụng. Tuy nhiên khi đời sống xã hội có sự thay đổi, giá trị tài sản bị xâm hại làm cơ sở để xác định tính nguy hiểm của hành vi là tội phạm có sự thay đổi thì phải điều chỉnh, sửa đổi quy định của pháp luật để phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Bất cập này ảnh hưởng đến tính ổn định của pháp luật, một yêu cầu hết sức quan trọng đặc biệt đối với Bộ luật cơ bản trong hệ thống pháp luật như Bộ luật Hình sự.
Do đó, nên quy định theo hướng giá trị tài sản làm tình tiết định tội, định khung hình phạt gấp bao nhiêu lần so với mức lương cơ bản để đảm bảo tính ổn định của Bộ luật hình sự đồng thời đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp của pháp luật đối với sự thay đổi của đời sống xã hội.
Thứ ba, về biên độ của hình phạt tù quy định đối với một tội danh theo dự thảo hiện nay còn quá rộng.
Dự thảo Bộ luật hình sự hiện nay có 443 điều, trong đó có 333 điều quy định về các tội phạm với các hình phạt cụ thể
Qua thống kê sơ bộ về hình phạt tù được áp dụng trong 333 điều luật nói trên có 209 điều luật mà mức hình phạt trong cùng một khung có sự chênh lệch lên đến 04 năm tù giam. Đặc biệt có 42 tội danh mà mức hình phạt tù trong cùng một khung hình phạt có mức chênh lệch đến 8 đến 10 năm. Ngoài ra có trên 200 điều luật mà khung hình phạt cao nhất ở khoảng 01 (mức độ tính chất nguy hiểm thấp hơn) lại cao hơn khung hình phạt thấp nhất ở khoản 02 (mức độ tính chất nguy hiểm cao hơn).
Quy định biên độ hình phạt như Dự thảo sẽ dẫn đến những bất cập là có sự tùy tiện và thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, tiềm ẩn khả năng 02 hành vi phạm tội như nhau nhưng mức hình phạt sẽ khác nhau, không đảm bảo tính công bằng trong xử lý tội phạm. Đặc biệt sẽ có trường hợp tội phạm có tính chất nghiêm trọng, tính nguy hiểm cao hơn nhưng hình phạt áp dụng sẽ nhẹ hơn.
Vấn đề này nếu xảy ra trong thực tiễn sẽ có tác động rất tiêu cực đối với tính nghiêm minh của pháp luật.
Do đó đề nghị điều chỉnh lại Dự thảo theo hướng thu hẹp biên độ hình phạt tù trong cùng một khung tối đa không quá 03 năm. Đồng thời mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với hành vi có tính chất nguy hiểm thấp hơn chỉ được bằng hoặc thấp hơn mức thấp nhất của khung hình phạt có tính chất nguy hiểm cao hơn liền kề.
Ngoài ra, trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, khi Việt Nam tham gia vào các công ước quốc tế như Công ước về Chống tra tấn, Công ước đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC) thì yêu cầu nội luật hóa các quy định của các công ước này là một trong những yêu cầu bắt buộc của các quốc gia thành viên công ước. Dự thảo bộ luật hình sự hiện nay đã có những quy định mới cụ thể về tội phạm hóa các hành vi tra tấn, nhục hình. Tuy nhiên đối với Công ước về đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thì có những hành vi phải được xem là tội phạm như tham gia tổ chức tội phạm, cản trở công lý… thì chưa được nghiên cứu và cụ thể hóa trong Dự thảo Đây là một vấn đề cần xem xét để thực hiện nhằm đảm bảo tính toàn diện phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế của Bộ luật hình sự.
Góp ý về Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Thực tiễn áp dụng pháp luật trong thời gian vừa qua, đặc biệt các vi phạm trong lĩnh vực môi trường, tài chính ngân hàng của pháp nhân. Đồng thời trong khuynh hướng chung của pháp luật quốc tế trong giai đoạn hội nhập cho thấy việc quy định TNHS của pháp nhân trong BLHS là cần thiết. Sự cần thiết của quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thể hiện qua các cơ sở cụ thể như sau:
Một là, Trong thời gian vừa qua, tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp, tính chất nghiêm trọng và tác động tiêu cực ảnh hưởng đến xã hội, đến đời sống người dân ngày càng lớn đặc biệt là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động... Tính chất mức độ vi phạm đòi hỏi cần phải có một chế tài xử lý tương xứng, phù hợp đảm bảo tính nghiêm minh và có tác dụng răn đe phòng ngừa.
Trong khi đó, các chế tài xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nêu trên vẫn còn nhiều bất cập, mức phạt tiền và các hình thức xử lý chưa đủ mức răn đe, phòng ngừa, hiệu quả áp dụng chưa cao.
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm của pháp nhân gây ra người dân phải thông qua thủ tục kiện đòi bồi thường thiệt hại tại Tòa án với một thủ tục khá phức tạp, người dân sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc bảo vệ quyền lợi của mình với các quy định như: Quy định về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại (nguyên nhân, mức độ thiệt hại) thuộc về bản thân bị hại, hay quy định buộc người bị hại phải nộp một khoản tiền án phí dân sự. Khoản tiền này trong một số trường hợp cũng là không nhỏ đối với người dân.
Do đó, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là một yêu cầu mang tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân.
Hai là, qua khảo sát quy định của pháp luật các quốc gia trên thế giới nhận thấy hiện nay có 119 nước quy định TNHS đối với pháp nhân. Thực tế áp dụng pháp luật ở các nước nêu trên cho thấy việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là phù hợp. Có thể nói việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một quan điểm mới, khá khác biệt so với quan điểm truyền thống của pháp luật hình sự - trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng cho cá nhân - nhưng đây thực sự là một xu thế mới trong quan điểm xây dựng pháp luật của thế giới hiện nay. Và trong giai đoạn hội nhập, việc tiếp thu những cái mới, hợp lý của quốc tế là cần thiết, không chỉ để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước mà còn đảm bảo sự bình đẳng trong việc xử lý pháp nhân vi phạm. Cụ thể: các pháp nhân Việt Nam ra nước ngoài làm ăn mà vi phạm có thể bị truy cứu TNHS, bị phạt rất nặng, trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, làm ăn tại Việt Nam dù vi phạm đến mức nào, theo quy định hiện nay cũng chỉ bị phạt cao nhất là 2 tỷ đồng.
Ba là, đối với hành vi luôn có mức độ nguy hiểm cao như: phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia, tham nhũng, rửa tiền, buôn bán người, tài trợ khủng bố là nghĩa vụ quốc tế bắt buộc của nước ta với tư cách là quốc gia thành viên Công ước chống tham nhũng, thành viên Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) thì luôn xác định là tội phạm mà không bị xử phạt hành chính. Do đó, nếu không quy định TNHS của pháp nhân, thì không thể xử lý được các pháp nhân khi thực hiện một trong những hành vi nêu trên.
Loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 76 của dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về 32 tội danh, cụ thể là: Điều 149 (tội mua bán người); Điều 150 (tội mua bán trẻ em);Điều 190 (tội buôn lậu); Điều 191 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm); Điều 196 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 197 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 204 (tội trốn thuế); Điều 207 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 213 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán); Điều 214 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 215 (tội thao túng giá thị trường chứng khoán); Điều 220 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 221 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 223 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 224 (tội xâm phạm quyền sỡ hữu công nghiệp); Điều 231 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 232 (tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại); Điều 239 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 240 (tội hủy hoại rừng); Điều 241 (tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ); Điều 307 (tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người); Điều 313 (tội tài trợ khủng bố); Điều 238 (tội sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn); Điều 336 (tội rửa tiền); Điều 367 (tội nhận hối lộ); Điều 377 (tội đưa hối lộ); Điều 393 (tội không chấp hành án).
Việc quy định tội danh áp dụng cho pháp nhân là một nội dung quan trọng, đây là một chủ thể đặc biệt, có sự khác biệt so với chủ thể là cá nhân. Sự khác biệt này dẫn đến thực tế là có những tội danh mà chỉ có các nhân mới vi phạm còn pháp nhân thì không thể vi phạm. Vì vậy, nếu không cẩn trọng, lựa chọn tội danh phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng quy định tội danh nhưng không áp dụng hoặc bỏ sót hành vi nguy hiểm phải xử lý hình sự, không kịp thời tội phạm hóa hành vi nguy hiểm của pháp nhân. 
Trong 32 tội danh quy định tại Điều 76 của Dự thảo, Viện kiểm sát thành phố đề nghị chỉ nên tập trung xử lý hình sự các hành vi do pháp nhân thực hiện xảy ra tương đối phổ biến và thực sự gây bức xúc trong nhân dân. Cụ thể là 13 tội, gồm: buôn lậu (Điều 190); trốn thuế (Điều 204); cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 214); thao túng giá trị thị trường chứng khoán (Điều 215); trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 221); gây ô nhiễm môi trường (Điều 231); vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 232); đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 236); hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 239); hủy hoại rừng (Điều 240); tài trợ khủng bố (Điều 239); hủy hoại rừng (Điều 336);
Riêng tội danh nhận hối lộ (Điều 367); đưa hối lộ (Điều 377) chúng tôi cho rằng vẫn phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự mà không áp dụng cho pháp nhân.
Trên đây là một số ý kiến tham gia vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) của VKSND Thành phố Hồ Chí Minh.
TH
Tìm kiếm