Để bảo vệ quyền của những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nói riêng và quyền của những người thừa kế khác trong việc hưởng di sản thừa kế của cá nhân nói chung, sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần phải được chú trọng. Bài viết này, tác giả làm rõ các quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Căn cứ xác định hai phần ba của một suất thừa kế chia theo pháp luật
Theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động”.
Lấy tổng di sản gốc là phần di sản còn lại để chia thừa kế sau khi đã thanh toán toàn bộ nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại theo thứ tự ưu tiên thanh toán được quy định tại Điều 658 BLDS năm 2015 gồm: Mai táng phí cho người đó; các khoản cấp dưỡng còn thiếu; các khoản bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác; các khoản nợ của nhà nước, của các chủ thể khác; chi phí quản lý, bảo quản di sản… Phần di sản còn lại được hiểu là di sản để chia thừa kế và là phần “di sản gốc” đem chia cho những “người thừa kế gốc” tại hàng thừa kế thứ nhất có quyền hưởng, được bao nhiêu nhân với hai phần ba của suất đó và người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được hưởng phần đã được xác định theo cách tính này.
Những người thừa kế gốc tại hàng thừa kế thứ nhất được hiểu là người thừa kế có tên trong hàng đó và có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Người thừa kế gốc tại hàng thừa kế thứ nhất là những người thừa kế có quyền hưởng di sản. Nếu người có tên trong hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 BLDS năm 2015, nhưng đã từ chối quyền hưởng di sản hoặc không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 BLDS năm 2015, thì bị loại khỏi hàng thừa kế.
Những người bị loại khỏi hàng thừa kế thứ nhất không phải là tham số để xác định một suất thừa kế chia theo pháp luật. Ví dụ: Ông A và bà B là vợ chồng, có hai người con chung là C và D. Anh C bị kết án về hành vi ngược đãi ông A. Ông A qua đời có để lại di chúc và truất quyền thừa kế của bà B và cho cô Q là người hàng xóm hưởng toàn bộ di sản, di sản của ông A có 120.000.000 đồng. Theo quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015, bà B là vợ của ông A tuy bị ông A truất quyền hưởng di sản nhưng bà B vẫn được hưởng: B = 120.000.000 đồng: 2 x 2/3 = 40.000.000 đồng. Theo cách tính trên cho thấy, hàng thừa kế thứ nhất của ông A chỉ có 02 người là bà B và anh D, còn anh C đã bị tước quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015. Bà B và anh D là người thừa kế gốc tại hàng thừa kế thứ nhất của ông A có quyền hưởng di sản. Bà B được hưởng hai phần ba một suất thừa kế chia theo pháp luật theo cách tính trên. Về di sản thừa kế gốc, cần phải xác định rõ để tránh sự nhầm lẫn trong việc áp dụng luật. Ví dụ: Vợ chồng ông A, bà B có ba người con chung là C, D và E. Ông A qua đời vào tháng 2/2007, có để lại di chúc truất quyền thừa kế của bà B và di tặng cho anh C một phần hai di sản, còn một phần hai di sản giao cho anh D quản lý dùng vào việc thờ cúng. Di sản của ông A có 90.000.000 đồng. Xác định di sản thừa kế gốc của ông A để lại là 90.000.000 đồng. Theo quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015, bà B = 90.000.000 đồng: 3 x 2/3 = 20.000.000 đồng. Vậy di tặng cho C = 70.000.000 đồng: 2 = 35.000.000 đồng; di sản dùng vào việc thờ cúng giao cho D quản lý: 70.000.000 đồng: 2 = 35.000.000 đồng. Qua cách chia ở trên, thấy rằng di sản gốc của ông A để lại là 90.000.000 đồng. Bởi vì, khi tính hai phần ba của một suất thừa kế chia theo pháp luật, phải đặt giả thiết nếu không có di chúc thì toàn bộ di sản của ông A sẽ được đem chia theo pháp luật, theo đó, suất thừa kế chia theo pháp luật sẽ được xác định. Nếu hiểu di sản gốc là phần di sản còn lại sau khi đã xác định phần được hưởng của những người thừa kế theo di chúc, phần di tặng, phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì không đúng. Ví dụ: Vợ chồng ông A và bà B có hai người con chung là C và D. Ông A chết có để lại di chúc truất quyền thừa kế của bà B và cho C hưởng một phần hai di sản, cho D hưởng một phần hai di sản. Di sản của ông A có 120.000.000 đồng. Nếu hiểu di sản gốc là phần di sản còn lại sau khi đã chia cho những người hưởng di sản theo di chúc và phần di sản dùng vào việc thờ cúng đã giao cho người quản lý thì khi đó, phần di sản mà người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc sẽ không thể xác định được vì di sản không còn để chia. Vì những lý do trên, Điều 644 BLDS năm 2015 đã quy định những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được hiểu là nếu người chết không để lại di chúc thì di sản của người này được chia theo pháp luật, theo đó, một suất thừa kế theo pháp luật được xác định. Nếu hiểu khác đi sẽ dẫn đến những sai sót, vi phạm lợi ích của người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, ví dụ: Vợ chồng ông A, bà B có hai người con chung là C và D. Ông A qua đời để lại di chúc cho C hưởng một phần hai di sản, cho D hưởng một phần tư di sản, truất quyền thừa kế của bà B. Di sản của ông A có 90.000.000 đồng. Anh C = 90.000.000 đồng: 2 = 45.000.000 đồng; anh D = 90.000.000 đồng: 4 = 22.500.000 đồng. Nếu bà B được hưởng theo cách tính: 22.500.000 đồng (phần di sản ông A không định đoạt theo di chúc, được đem chia theo pháp luật) chia cho ba, nhân với hai phần ba (22.500.000 đồng: 3 x 2/3 = 5.000.000 đồng). Cách tính này không đúng theo quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015. Theo tình huống trên và áp dụng đúng quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015, bà B = 90.000.000 đồng: 3 x 2/3 = 20.000.000 đồng. Trong trường hợp này, bà B tuy bị ông A truất quyền hưởng di sản nhưng bà B vẫn được hưởng 20.000.000 đồng mà không phải là 5.000.000 đồng theo cách tính sai do đã hiểu sai bản chất giá trị di sản thừa kế gốc. Như vậy, giá trị di sản gốc để chia thừa kế theo pháp luật trong trường hợp xác định hai phần ba của một suất thừa kế chia theo pháp luật cho những người được hưởng không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, theo đó, sự định đoạt di sản của người lập di chúc cho người thừa kế không làm giảm sút giá trị di sản thừa kế gốc. Điều 644 BLDS năm 2015 nhằm hạn chế quyền tự định đoạt của người lập di chúc nếu người đó định đoạt di sản của mình mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người được thừa kế. Quy định này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 BLDS năm 2015 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015.
Về hạn chế quyền của người lập di chúc
Pháp luật của bất kỳ quốc gia nào được ban hành đều nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội nhất định và theo những nguyên tắc bảo đảm sự bình ổn về mặt xã hội, đồng thời, bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật nhất định. Cũng theo phương thức và nguyên tắc chung đó, pháp luật thừa kế Việt Nam cho phép cá nhân người lập di chúc có quyền tự do, tự nguyện, tự định đoạt trong việc lập di chúc để lại tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bất kỳ ai được hưởng sau khi người lập di chúc chết. Tự do của con người trong xã hội nhất định phụ thuộc vào cơ chế điều chỉnh của pháp luật; còn hiệu quả điều chỉnh của pháp luật đạt đến mức độ nào còn tuỳ thuộc vào sự tuân theo pháp luật của công chúng và tính phù hợp của pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội tương ứng. Pháp luật thừa kế Việt Nam cũng có những quy định hạn chế đối với quyền tự định đoạt của người lập di chúc trong những trường hợp sau:
Hạn chế thứ nhất, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của những người là cha, mẹ, vợ, chồng, các con dưới 18 tuổi của người lập di chúc và các con tuy đã trưởng thành mà không có khả năng lao động của người để lại di sản. Trong trường hợp người có tài sản định đoạt trong di chúc không cho họ hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng một phần di sản ít hơn hai phần ba của một suất thừa kế được chia theo pháp luật thì mỗi người trong số họ vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, những người nói trên không phải là người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 BLDS năm 2015 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 BLDS năm 2015. Điều 644 BLDS năm 2015 quy định quyền hưởng di sản của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc luôn được bảo đảm thực hiện. Theo đó, quyền thừa kế của người vợ goá đã được pháp luật thừa kế bảo vệ ngang hàng với những người có quan hệ huyết thống trực hệ khác của người để lại di sản. Quan hệ hôn nhân theo đó được coi trọng bình đẳng với quan hệ huyết thống. Đây là quy định mang tính cách mạng, khác với pháp luật của chế độ thực dân, phong kiến trước đây chỉ coi trọng quan hệ huyết thống, còn quan hệ hôn nhân chỉ được đặt ở vị trí thứ yếu, mà quyền thừa kế của người vợ goá không được coi trọng.
Hạn chế thứ hai, người lập di chúc không được đặt điều kiện trong di chúc. Pháp luật thừa kế Việt Nam hiện nay không có quy định nào về việc người lập di chúc có quyền đặt điều kiện với người thừa kế theo di chúc như điều kiện phát sinh quyền thừa kế hoặc điều kiện chấm dứt quyền thừa kế.
Hạn chế thứ ba, theo pháp luật thừa kế Việt Nam, người lập di chúc có quyền định đoạt tài sản cho bất kỳ ai, người thuộc diện thừa kế theo pháp luật hoặc người khác ngoài những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật, có quyền cho tổ chức, cho nhà nước hưởng di sản của mình. Tuy nhiên, pháp luật không thừa nhận di chúc của cá nhân định đoạt tài sản cho gia súc, gia cầm, cây cối được thừa kế. Quan hệ thừa kế là quan hệ pháp luật dân sự điển hình và quyền tự định đoạt của các chủ thể trong quan hệ này được xác định rõ là quyền định đoạt của người có tài sản trong việc lập di chúc hay không lập di chúc, quyền tự định đoạt trong quan hệ thừa kế của những người thừa kế là có quyền nhận di sản hay từ chối quyền hưởng di sản trừ trường hợp sự từ chối đó nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của bản thân đối với người khác là chủ nợ (Điều 620 BLDS năm 2015).
Tính hai phần ba của một suất thừa kế chia theo pháp luật liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng
Pháp luật không quy định loại tài sản nào được dùng vào việc thờ cúng mà Điều 645 BLDS năm 2015 quy định người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Như vậy, tài sản theo quy định tại Điều 105 BLDS năm 2015 đều là đối tượng dùng vào việc thờ cúng. Về ngữ nghĩa của hai nhóm từ được dùng trong điều luật và nhóm từ thường dùng trong cuộc sống cần phải được hiểu đúng. Di sản dùng vào việc thờ cúng và di sản dùng để thờ cúng được hiểu rất khác nhau.
Di sản dùng vào việc thờ cúng được hiểu là tài sản được dùng vào mục đích thờ cúng. Tài sản này không nên hiểu theo nghĩa cơ học của chính nó mà phải hiểu bản chất tài sản, có chứa đựng bản chất giá trị tài sản dùng vào việc thờ cúng. Như vậy, di sản dùng vào việc thờ cúng trước hết là tài sản, tài sản này xét về giá trị là để nhằm phục vụ cho mục đích thờ cúng. Loại tài sản dùng vào việc thờ cúng không đồng nhất về cơ cấu hoá, lý, sinh nhưng đồng nhất về mặt tài sản được dùng với mục đích thờ cúng.
Với tư cách là chủ sở hữu tài sản, người lập di chúc có quyền định đoạt tài sản của mình theo di chúc cho người thừa kế, để lại di sản dùng vào việc thờ cúng theo luật định. Như vậy, người lập di chúc có quyền định đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình sau khi chết để dùng vào việc thờ cúng. Quyền tự định đoạt của người lập di chúc định đoạt tài sản dùng vào việc thờ cúng chỉ bị hạn chế trong hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, nếu sự định đoạt đó vi phạm quyền thừa kế của người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015, thì không được bảo hộ theo sự định đoạt của người lập di chúc. Nếu người lập di chúc định đoạt phần lớn hoặc toàn bộ di sản dùng vào việc thờ cúng mà xâm phạm đến quyền được hưởng hai phần ba của một suất thừa kế được chia theo pháp luật của cha, mẹ, vợ, chồng, các con dưới 18 tuổi và các con tuy đã thành niên mà không có khả năng lao động thì trước hết tính phần thừa kế cho những người này theo quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015, phần còn lại là di sản dùng vào việc thờ cúng.
Trường hợp thứ hai, quyền của người lập di chúc định đoạt di sản dùng vào việc thờ cúng bị hạn chế trong trường hợp toàn bộ tài sản của người đó để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng (khoản 2 Điều 644 BLDS năm 2015).
Cần phải xác định di sản dùng vào việc thờ cúng được quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015 nên được hiểu như thế nào cho phù hợp với bản chất pháp luật quy định về loại di sản này. Phần di sản dùng vào việc thờ cúng được hiểu là phạm vi giá trị di sản đó và di sản đó chỉ được dùng với mục đích duy nhất là dùng vào việc thờ cúng. Quyền định đoạt của người lập di chúc định đoạt mục đích sử dụng của di sản này chỉ bị hạn chế trong hai trường hợp như cách hiểu thứ hai trên đây. Ngoài ra, quyền định đoạt của người lập di chúc định đoạt tài sản dùng vào việc thờ cúng không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy định nào khác, trừ trường hợp di sản đó bị tiêu huỷ do có sự biến pháp lý tuyệt đối (bão lụt, động đất, hiện tượng thiên tai khác... và chiến tranh). Với những lập luận này, về di sản dùng vào việc thờ cúng, có thể nhận định: Người lập di chúc có quyền để lại toàn bộ tài sản của mình để dùng vào việc thờ cúng. Quyền của người định đoạt di sản này chỉ bị hạn chế theo quy định tại Điều 644 và khoản 2 Điều 645 BLDS năm 2015.
Xác định hai phần ba của một suất thừa kế liên quan đến di tặng
Về di tặng được quy định tại Điều 646 BLDS năm 2015:
“1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.
2. Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
3. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.
Khoản 2 Điều 646 BLDS năm 2015 đã dự liệu đầy đủ trường hợp chủ thể được di tặng không những là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế, mà còn là người được sinh ra sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di tặng chết. Chủ thể được di tặng không phải là cá nhân thì phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người lập di chúc để lại phần di sản di tặng cho cá nhân, pháp nhân với ý nghĩa để kỷ niệm hoặc hàm ơn, thỏa mãn ý nguyện của người để lại di tặng.
Bản chất của di tặng không phải là hợp đồng tặng cho, bởi vì: Hợp đồng tặng cho là sự thoả thuận giữa người được tặng cho và người tặng cho. Chủ thể tặng cho và chủ thể được tặng cho đều phải còn sống để thể hiện ý chí cho và nhận tài sản. Nhưng di tặng chỉ phát sinh từ cơ sở định đoạt của người có di sản lập di chúc và người được chỉ định nhận di tặng khi người để lại di tặng chết. Người được di tặng chỉ có thể là một người hay nhiều người cụ thể, là người này mà không phải là người khác, tuỳ thuộc vào sự định đoạt của người có di sản lập di chúc.
Di tặng là một phần tài sản trong khối di sản của người chết để lại; việc xác định giá trị của di tặng không thể vượt ra ngoài phạm vi giá trị khối di sản của người chết. Trước hết, phải thanh toán các nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại từ khối di sản của người đó và tuân theo thứ tự ưu tiên đã được quy định tại Điều 658 BLDS năm 2015, phần di tặng được trừ từ di sản còn lại đó. Người được di tặng không phải là người được thừa kế di sản mà được hiểu là người có quyền tài sản từ khối di sản của người để lại di tặng. Như vậy, di tặng chỉ phát sinh từ căn cứ duy nhất - từ di chúc. Thực chất, phần di tặng đã được xác định theo sự định đoạt của người lập di chúc vẫn thuộc về người được di tặng; theo đó, phần di sản sau khi đã trừ đi phần di tặng còn lại là di sản được chia thừa kế. Nhưng trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ về tài sản của người di tặng thì phần di tặng khi đó cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này. Người được di tặng là ai cần phải được đặt ra, vì lợi ích của người được di tặng có sự liên quan trực tiếp đến lợi ích của những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, theo quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015. Nếu người được di tặng là người không thuộc diện thừa kế theo pháp luật thì phần người này được di tặng được khấu trừ để bảo đảm lợi ích của những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, nếu phần di tặng đó chiếm phần lớn giá trị di sản của người lập di chúc. Phương thức trên cũng được áp dụng đối với người được di tặng khác đồng thời là người thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di tặng. Trong trường hợp người được di tặng đồng thời là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc mà giá trị phần di tặng đó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của những người khác - người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì giá trị di tặng do người này được hưởng cũng bị khấu trừ để bảo đảm lợi ích của những người nói trên (Điều 644 BLDS năm 2015).
Trường hợp người lập di chúc đã định đoạt hết tài sản của mình để di tặng thì việc xác định kỷ phần bắt buộc cho những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015, cũng được giải quyết tương tự như trong trường hợp người lập di chúc định đoạt tài sản đối với các trường hợp khác không phải là di tặng. Phần còn lại sau khi đã trừ đi tổng số kỷ phần bắt buộc cho từng người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là phần di tặng được chuyển giao cho người được di tặng.
Những quy định về di tặng, pháp luật chỉ định lượng di sản mà không định tính tài sản, do vậy, mọi tài sản xác định được giá trị về kinh tế đều có thể quy đổi thành giá trị của di tặng. Pháp luật quy định như trên nhằm tạo điều kiện cho người lập di chúc định đoạt tài sản của mình một cách tự do nhất và không bị ràng buộc vào tính chất của tài sản mà chỉ quan tâm đến giá trị của tài sản dùng để di tặng. Tuy nhiên, trên thực tế và theo truyền thống, phong tục, thói quen thì không phải mọi loại tài sản đều có thể được dùng để di tặng.
Như vậy, việc xác định 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, để bảo vệ quyền thừa kế của các con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng và con thành niên của người để lại di sản theo di chúc mà không có khả năng lao động trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, thì mỗi người trong số họ vẫn được hưởng phần tối thiểu bằng 2/3 suất thừa kế chia theo pháp luật. Việc xác định 2/3 của suất thừa kế chia theo pháp luật thật sự cần thiết, quan trọng trong viêc áp dụng pháp luật bảo vệ quyền thừa kế của người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015.