CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Thực trạng tội phạm, tệ nạn ma túy ở Đắk Lắk, nguyên nhân, giải pháp và kiến nghị phòng ngừa

02/08/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích tự nhiên 13.125 km, có đường biên giới với nước bạn Camphuchia dài 73 km; có 15 huyện, thành phố thuộc tỉnh; có 553 buôn đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 31%. Dân số trên 1,75 triệu người gồm 44 dân tộc anh em sinh sống. Cùng với sự đổi mới phát triển chung của cả nước, Đắk Lắk là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội cao, bên cạnh đó tình hình tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng có chiều hướng gia tăng...
Thực trạng tội phạm, tệ nạn ma túy ở Đắk Lắk,
nguyên nhân, giải pháp và kiến nghị phòng ngừa
 
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích tự nhiên 13.125 km, có đường biên giới với nước bạn Camphuchia dài 73 km; có 15 huyện, thành phố thuộc tỉnh; có 553 buôn đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 31%. Dân số trên 1,75 triệu người gồm 44 dân tộc anh em sinh sống. Cùng với sự đổi mới phát triển chung của cả nước, Đắk Lắk là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội cao, bên cạnh đó tình hình tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng có chiều hướng gia tăng. Do quy luật cung cầu của thị trường, có người sử dụng thì có người cung cấp ma túy, đáng chú ý từ khi Bộ luật hình sự bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 199 Bộ luật hình sự thì việc người nghiện sử dụng ma túy thoải mái hơn, tự do hơn nên đòi hỏi nguồn cung nhiều hơn. Từ đó đã hình thành các tụ điểm ma túy nhỏ lẻ, di động và sau đó hình thành các đường dây ma túy từ các thôn, buôn đến các xã, huyện và liên huyện, liên tỉnh. Do đặc điểm ma túy tổng hợp gọn, nhẹ dễ cất giấu nên việc phát hiện, xử lý rất khó khăn vì vậy việc phòng ngừa, răn đe đối với loại tội này rất hạn chế nên đối tượng phạm tội ngày càng tăng. Diễn biến tội phạm về ma túy từ năm 2007 đến nay qua các năm đều có chiều hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước cả về số người nghiện và số vụ án, bị can. Năm 2011 tệ nạn ma túy và hoạt động của các loại tội phạm về ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm như: Tp. Buôn Mê Thuột, Krông Năng, Krông Buk… xuất hiện nhiều loại ma túy như Hêrôin, Methamphetamine, thuộc phiện và cần sa. Các loại ma túy vận chuyển vào Đắk Lắk chủ yếu qua đường bộ, cá biệt có trường hợp gửi qua đường bưu điện. Phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, sảo quyệt và manh động hơn, ma túy được vận chuyển với số lượng lớn hơn, hình thành các đường dây mua bán liên tỉnh.
Tình trạng mua bán nhỏ lẻ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra khá phức tạp, tại các nhà nghỉ, nơi công cộng và tại các gia đình. Đáng báo động có một số vụ có sự tham gia của các em học sinh.
Tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy (chủ yếu là cây cần sa) diễn biến phức tạp, ngoài việc trồng cây cần sa xen kẽ với các loại cây trồng khác đã xuất hiện việc trồng cây cần sa với diện tích lớn trên 2000m2. Từ năm 2007 đến năm 2011 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 09 vụ trồng cây cần sa, trong đó đáng chú là vụ vụ phát hiện 2.543 cây cần sa trên diện tích 2.500m2; khi phát hiện số cây này đã cao khoảng 80 đến 250cm.
Đối tượng phạm tội ma túy chủ yếu là nam giới, lứa tuổi từ 18 đến 45 trong đó có đối tượng chưa thành niên; phần lớn các đối tượng bị phát hiện là người nghiện ma túy. Thủ đoạn phạm tội rất đa dạng, song phần lớn người nghiện mua ma túy về sử dụng sau đó làm quen với đường dây, rồi lấy ma túy về bán để kiếm lời lấy ma túy sử dụng. Các đôi tượng trong đường dây ma túy hoạt động bí mật và tính tổ chức chặt chẽ nên khi một đối tượng trong đường dây bị phát hiện chúng thường không khai đồng bọn nên trong quá trình điều tra thường chỉ phát hiện được một đối tượng còn những đối tượng khác không bị phát hiện. Do lợi nhuận của việc mua bán ma túy cao nên dù đã áp dụng hình phạt rất cao cũng không phát huy được tính răn đe và phòng ngừa. Thực tế có gia đình sau khi con đi tù thì người mẹ lại đứng ra bán ma túy; chồng đi tù thì vợ lại tiếp tục bán ma túy… Hoạt động cung cấp ma túy thường diễn ra di động để tránh sự theo dõi của cơ quan pháp luật. Thường khi có nhu cầu mua thì các đối tượng liên hệ với nhau để hẹn địa điểm mua bán, cũng có nhiều đối tượng không trực tiếp gặp nhau mà gửi tiền qua nhà xe rồi đóng hàng và bí mật giấu ma túy bên trong thùng hàng để gửi qua xe khách.
Hiện nay loại ma túy các đối tượng thường sử dụng là Hêrôin, thuộc loại ma túy “nặng” có mức độ gây kích thích cao và rất dễ gây nghiện, chỉ cần sử dụng một vài lần là đã có thể nghiện. Nguồn ma túy chủ yếu do các đối tượng đưa từ các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng được vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ.
Các vụ án ma túy được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đắk Lắk quan tâm và chỉ đạo giải quyết kịp thời. 100% số án ma túy được phát hiện quả tang nên không mất nhiều thời gian xác minh, phân loại, xử lý như các vụ án khác vì vậy thường sau khi phát hiện, tạm giữ chờ kết quả giám định chất ma túy là tiến hành khởi tố ngay. Do án ma túy có mức hình phạt cao, thuộc loại án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nên việc điều tra, thu thập chứng cứ được tiến hành thận trọng và khẩn trương. Từ năm 2007 đến nay không có vụ án ma túy nào phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, không có bị can nào đình chỉ điều tra vì không phạm tội. Nhiều vụ án ma túy được đưa vào danh sách án trọng điểm và được xét xử lưu động.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc quản lý và xử lý thông tin tội phạm về ma túy; phối hợp với cơ quan điều tra xác minh, làm rõ các tin báo, tố giác tội phạm về ma túy. Trong quá trình điều tra Viện kiểm sát đã chủ động đề ra yêu cầu điều tra và tăng cường vai trò công tố trong hoạt động điều tra. Trong giai đoạn xét xử Viện kiểm sát cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tòa án trong việc đưa vụ án ra xét xử, nhất là việc đưa đi xét xử lưu động. Ngoài ra Viện kiểm sát còn phối hợp với các cơ quan Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội của địa phương để nắm vững tình hình vi phạm, tội phạm và tệ nạn xã hội đặc biệt là tệ nạn ma túy để báo cáo tham mưu cho cấp ủy Đảng chỉ đạo giải quyết.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do: Đắk Lắk là tỉnh có địa bàn rộng, có đường Quốc lộ 14, 26, 27 đi qua nối liền giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, giao thông đường bộ thuận lợi cho việc đi lại giữa các tỉnh miền Bắc và miền Nam, dân số đa dạng từ hầu khắp các vùng miền di cư đến sinh sống vì vậy việc vận chuyển ma túy từ các tỉnh thành phố lớn trong cả nước đến rất dễ dàng. Song song với sự phát triển của nền kinh tế của tỉnh thì tốc độ đô thị hóa quá nhanh, xã hội có sự phát triển vượt bậc thì khi năng lực quản lý của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đã dẫn đến sự buông lỏng quản lý, thiếu văn bản quy phạm pháp luật và thiếu cương quyết trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã dẫn đến việc hình thành, khá nhiều địa bàn thuận lợi cho hoạt động tội phạm. Việc mua bán ma túy thu lợi nhuận rất cao nên không dễ gì làm cho người mua bán, vận chuyển ma túy từ bỏ được việc hành nghề để thu lợi nhuận. Số người nghiện ma túy tăng cao nhất là sau khi Bộ luật hình sự bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan trên còn có những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình hình tội phạm về ma túy diễn ra khá nhiều và phức tạp ở tỉnh Đắk Lắk:
- Công tác cai nghiện hiệu quả chưa cao, hiện nay số người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, tỷ lệ tái nghiện cao, một số đối tượng đang cai nghiện ở Trung tâm 06 của tỉnh thường có mặt ở ngoài xã hội và tái sử dụng ma túy. Đây là một trong những nguyên nhân làm tệ nạn ma túy lây lan, phát triển gia tăng.
- Công tác quản lý xã hội về an ninh trật tự chưa đồng bộ còn nhiều sơ hở thiếu sót nhất là địa bàn giáp ranh, nơi công cộng.. Bên cạnh đó sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc giải quyết những vấn đề sau cai nghiện chưa được quan tâm, do vậy các đối tượng sau khi cai nghiện chưa được quản lý chặt chẽ không có việc làm nên tỷ lệ tái nghiện rất cao.
- Công tác điều tra cơ bản, quản lý đối tượng ma túy chưa được lực lượng Công an sơ sở chú trọng, đi sâu, còn hạn chế do vậy chưa phát hiện kịp thời các đường dây mua bán vận chuyển ma túy từ nơi khác đến địa bàn tỉnh Đắk Lắk và tụ điểm ma túy ở địa phương; công tác đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy đạt hiệu quả chưa cao.
- Một số gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục, quản lý con em mình nên để môi trường xấu, bạn bè xấu lôi kéo vào tệ nạn ma túy; mặt khác vì nhận thức pháp luật còn hạn chế, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên một số người đã bị kẻ xấu lợi dụng, tiếp tay cho bọn tội phạm ma túy.
Những giải pháp, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhằm hạn chế tình hình vi phạm, tội phạm và tệ nạn ma túy:
- Đề nghị sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng tiếp tục xử lý đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong trường hợp đã bị xử lý hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà còn vi phạm để răn đe vì người nghiện ma túy không chỉ là tệ nạn xã hội mà phải nhận thức và xác định hậu quả của người nghiện gây ra cho xã hội là rất lớn vì vậy họ phải chịu trách nhiệm hình sự là thỏa đáng.
- Công tác phòng, chống ma túy phải được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặt ở vị trí quan trọng đặc biệt để có sự quan tâm đầu tư đúng mức, không chỉ nêu thành khẩu hiệu mà phải bằng hành động thực tế và được quan tâm thỏa đáng.
- Phải xem xét giao cho cơ quan nào có đủ điều kiện để quản lý và tổ chức các biện pháp phòng, chống có hiệu quả, không nên để như hiện nay.
- Nhà nước cần đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí thỏa đáng để phục vụ cho công tác phòng, chống ma túy một cách triệt để và có hiệu quả.
- Cần xây dựng một hành lang pháp lý có hiệu lực, hiệu quả để xử lý người có hành vi phạm tội về ma túy và người nghiện ma túy cũng như bảo vệ những người thuộc nhóm người “nhạy cảm” dễ bị lôi kéo như học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên.
- Cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nhất là giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cần phải nhanh, kịp thời và đồng bộ. Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời việc giải quyết tin báo của Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Khi xác định có dấu hiệu của vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, đối tượng không khai báo thì Cơ quan điều tra cần báo ngay cho Viện kiểm sát để cử Kiểm sát viên tham gia xét hỏi ngay từ đầu để đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội.
- Trước khi phê chuẩn khởi tố vụ án, khởi tố bị can Kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra vụ án phải tiến hành nghiên cứu những tài liệu của vụ án mà Cơ quan điều tra đã thu thập một cách thận trọng đầy đủ mà không được chủ quan cho rằng án ma túy thường là bắt quả tang nên vật chứng đã thu giữ đầy đủ, bị can nhận tội ngay từ ban đầu nên không xem xét điều kiện cần và đủ của việc giám định nên vội vàng thống nhất khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Khi đã phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu điều tra, thường xuyên nắm chắc các tiafi liệu, chứng cứ do Điều tra viên mới thu thập được để tổng hợp, đối chiếu tìm ra mâu thuẫn để phối hợp với Điều tra viên khắc phục. Trong quá trình điều tra Điều tra viên phải cung cấp đầy đủ, kịp thời những tài liệu có liên quan đến vụ án để Kiểm sát viên phối hợp thực hiện. Trước khi kết thúc điều tra Điều tra viên và Kiểm sát viên phải tiến hành tổng cung tất cả các bị can, nếu không có sự thống nhất hoặc có vướng mắc thì báo cáo lãnh đạo hai ngành để giải quyết, nếu vụ án phức tạp mà hai ngành không thống nhất được thì báo cáo liên ngành cấp trên xin ý kiến chỉ đạo. Đối với các vụ án ma túy lớn, phức tạp cần phải họp liên ngành để bàn biện pháp phối hợp, thống nhất về tội danh, điều luật cũng như việc đánh giá chứng cứ đối với từng bị can, từng hành vi phạm tội để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
- Trong quá trình truy tố Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ và tiến hành phúc cung để làm rõ trước khi dự thảo Cáo trạng, cần phối hợp với Điều tra viên bổ sung những chứng cứ thiếu và chưa rõ.
- Trong giai đoạn xét xử Kiểm sát viên phải thường xuyên phối hợp với Thẩm phán được phân công xét xử tiếp tục làm rõ nắm chắc các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, những vấn đề nhạy cảm khi giải quyết vụ án; có dự thảo luận tội tốt, chuẩn bị dự kiến tình huống xảy ra tại phiên tòa, đề cương xét hỏi.. Trong khi xét xử cần lắng nghe và ghi chép đầy đủ những vấn đề đã được thẩm vấn, những vấn đề chưa được làm rõ, những tình tiết mới và những tình tiết còn mâu thuẫn để làm rõ khi Kiểm sát viên xét hỏi. Sau khi kết thúc phiên tòa Kiểm sát viên phải kiểm tra biên bản phiên tòa, báo cáo lãnh đạo Viện những vấn đề mà Hội đồng xét xử tuyên khác với quan điểm của Viện kiểm sát hoặc có thiết sót để kịp thời ban hành kháng nghị, kiến nghị khắc phục vi phạm.
- Đề nghị cấp trên tăng cường biên chế, cán bộ, giám định viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có năng lực làm công tác xử lý, điều tra, truy tố và xét xử án ma túy. Hỗ trợ trang bị, cơ sở vật chất và có chính sách đãi ngộ với những người làm công tác này.
- Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần mở các lớp tập huấn bồi dưỡng thêm kiến thức nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, chuyên viên, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án ma túy.
- Đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về tác hại của ma túy, phối hợp với các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền về tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy để quần chúng nhân dân tích cực tố giác những đối tượng có liên quan đến vấn đề sử dụng ma túy và tội phạm ma túy ở địa phương cho các cơ quan chức năng sớm phát hiện và ngăn chặn loại tệ nạn và tội phạm ma túy một cách nhanh chóng kịp thời.
Thu Hương 
Tìm kiếm