Qua công tác kiểm sát bản án hình sự sơ thẩm của tòa án nhân dân cấp huyện 09 tháng năm 2011, ngày 28/10/2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang đã tổng hợp và ban hành văn bản số 1891 gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện rút kinh nghiệm về thiếu sót của cấp sơ thẩm. Thông báo yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện rút kinh nghiệm đồng thời làm rõ trách nhiệm của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa...
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH AN GIANGTHÔNG BÁO
RÚT KINH NGHIỆM VỀ KIỂM SÁT BẢN ÁN HÌNH SỰ
Qua công tác kiểm sát bản án hình sự sơ thẩm của tòa án nhân dân cấp huyện 09 tháng năm 2011, ngày 28/10/2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang đã tổng hợp và ban hành văn bản số 1891 gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện rút kinh nghiệm về thiếu sót của cấp sơ thẩm. Thông báo yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện rút kinh nghiệm đồng thời làm rõ trách nhiệm của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Trong 09 tháng qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang đã nhận 324 bản án và phiếu kiểm sát bản án của 11 Viện kiểm sát cấp huyện, qua kiểm sát nhận thấy: Có 09/11 Tòa án cấp huyện vi phạm Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn giao bản án cho Viện kiểm sát. Điển hình như: Bản án số 28, ngày 14/6/2011 của Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn gửi chậm 17 ngày; Bản án số 40, ngày 01/12/2010 của Tòa án nhân dân huyện Thoại Sơn gửi chậm 13 ngày; Bản án số 05, ngày 16/3/2011 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành gửi chậm 11 ngày.
Việc gửi Bản án và phiếu kiểm sát bản án của 11/11 Viện kiểm sát cấp huyện về Viện kiểm sát tỉnh đều vi phạm thời hạn gửi bản án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh theo quy định tại Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 ngày 19/6/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Điển hình: Viện kiểm sát nhân dân thành phố Long Xuyên gửi chậm 25/89 bản án; Tri tôn 10/36 bản án; Thoại Sơn 05/21 bản án.
Nhiều bản án áp dụng không đầy đủ, không đúng các quy định của pháp luật nhưng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện không phát hiện để kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật hoặc Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử đề nghị áp dụng pháp luật chưa đúng như: Bản án số 20, ngày 29/4/2011 của Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn xét xử bị cáo Chau Vi Bol về tội “Trộm cắp tài sản”. Nội dung vụ án thể hiện sau khi lấy trộm 6.000.000đ của ông Chau Sơn Hy, bị cáo đến cơ quan Công an đầu thú và khai nhận trước đó đã trộm cắp của ông Chau Sơn Hy 2.800.000đ nhưng Bản án không áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm o, Khoản 1, Khoản 2, Điều 46 và tình tiết “Phạm tội nhiều lần” quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự.
- Bản án số 09, ngày 08/4/2011 của Tòa án nhân dân huyện Thoại Sơn xét xử bị cáo Huỳnh Thế Vương về tội “Cướp giật tài sản”. Sau khi cùng đồng bọn thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Vương đến cơ quan Công an đầu thú. Bản án có nhận định tình tiết này nhưng khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử không áp dụng khoản a, Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo.
- Bản án số 04, ngày 31/3/2011 của Tòa án nhân dân huyện Tân Phú xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Nghĩa về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ”. Sau khi điều khiển xe ô tô lấn sang phần đường bên trái gây tai nạn cho 02 người, Nghĩa đã cùng một số nhân chứng đưa nạn nhân đi cấp cứu rồi đến cơ quan Công an đầu thú. Lẽ ra chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ “đầu thú” theo Khoản 2, Điều 46 Bộ luật hình sự nhưng tại phiên tòa, Kiểm sát viên lại đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ “tự thú” theo Điểm o, Khoản 1, Điều 46, Bộ luật hình sự nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
- Bản án số 22, ngày 13/5/2011 của Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn áp dụng Khoản 2, Điều 104; Điểm p, Khoản 1, Khoản 2 Điều 46; Điểm d, Khoản 1, Điều 48; Điều 69; Điều 74 Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Huỳnh Quốc Phương 02 năm 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trong vụ án này, ngoài áp dụng tình tiết “Dùng hung khí nguy hiểm”, còn phải áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự “có tính chất côn đồ” theo qui định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 104 Bộ luật hình sự đối với bị cáo nhưng Kiểm sát viên lại đề nghị áp dụng tình tiết “Phạm tội có tính chất côn đồ” quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự. Hội đồng xét xử đã quyết định theo đề nghị của Kiểm sát viên.
- Vụ án có đồng phạm nhưng Tòa án không áp dụng Điều 20 và Điều 53 Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt. Điển hình: Bản án số 10, ngày 06/01/2011 và bản án số 16 ngày 07/4/2011 của Tòa án nhân dân huyên Tri Tôn xét xử bị cáo Thái Thanh Vũ và Thị Mạng về tội “Trộm cắp tài sản”.
- Một số bản án không áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự hoặc Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự để xử lý vật chứng của vụ án, như Bản án số 11, ngày 25/01/2011 và số 13, ngày 04/3/2011 của Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn, Bản án số 55, ngày 14/4/2011 của Tòa án nhân dân thành phố Long Xuyên.
- Bản án tuyên mức án tù nhưng không nêu thời hạn bắt đầu chấp hành hình phạt tù theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2004, ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: Bản án số 50, ngày 30/3/2011 của Tòa án nhân dân thành phố Long Xuyên xét xử bị cáo Nguyễn văn Dũng về tội “Đánh bạc”, xử phạt bị cáo 06 tháng tù nhưng không tuyên ngày bắt đầu chấp hành hình phạt tù.
Thanh Tâm