Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã cơ bản phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước và phù hợp với Hiến pháp 2013, trong đó chú trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân...
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai
đóng góp ý kiến vào Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã cơ bản phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước và phù hợp với Hiến pháp 2013, trong đó chú trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Dự thảo đã đưa ra 6 điểm mới, đó là những nội dung sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự góp phần bảo vệ và thực hiện, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa, tính hướng thiện cho việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và đảm bảo thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận; thể hiện tinh thần đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở trách nhiệm hình sự đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong đấu tranh phòng chống tội phạm; nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm; tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng đồng thời thể hiện chính sách xử lý đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và VKSND huyện, thị xã, thành phố tổ chức nghiên cứu Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tiến hành họp cơ quan, đơn vị để thảo luận, góp ý. Với hình thức tổ chức 11 cuộc họp của các phòng thuộc VKS tỉnh và 17 cuộc họp của các VKSND cấp huyện để lấy ý kiến của tập thể cán bộ, công chức, người lao động VKSND hai cấp. Các cuộc họp này đã lấy ý kiến của 289/289 cán bộ, công chức, người lao động đang công tác tại VKSND hai cấp tỉnh Gia Lai.
Một số nội dung đóng góp vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) của VKSND tỉnh Gia Lai như sau:
Những sửa đổi, bổ sung của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) thuộc phần chung:
Khoản 5 Điều 3 BLHS (sửa đổi):
Cần quy định cụ thể như thế nào là “trường hợp ít nghiêm trọng”. Lý do: Quy định này sẽ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau về việc xác định như thế nào là “trường hợp ít nghiêm trọng”. Bộ luật hình sự quy định 04 loại tội phạm trong đó có “Tội phạm ít nghiêm trọng”. Để bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trên thực tiễn đề nghị sửa đổi cụm từ “trường hợp ít nghiêm trọng” thành “Tội phạm ít nghiêm trọng”.
Điều 51 BLHS (sửa đổi).
Điểm q khoản 1 Điều 51quy định: “Người phạm tội tự thú hoặc đầu thú” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc quy định như trên sẽ không công bằng, đối với những trường hợp người phạm tội bỏ trốn và đã có quyết định truy nã, biết sẽ không thể trốn tránh được nên về trình diện, đầu thú trước cơ quan pháp luật, việc quy định như vậy sẽ dẫn đến nhiều trường hợp áp dụng tùy tiện. Do đó, cần quy định trường hợp người phạm tội ra tự thú là tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS (sửa đổi), còn tình tiết “người phạm tội đầu thú” sẽ đưa vào tình tiết giảm nhẹ theo Khoản 2 Điều 51 BLHS (sửa đổi).
Điểm g Khoản 1 Điều 51:Phạm tội chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn. Đây là tình tiết giữ nguyên của điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS hiện hành. Thực tiễn áp dụng về “gây thiệt hại không lớn” rất không thống nhất việc xác định mức độ thiệt hại vật chất như thế nào là không lớn. Hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC có xác định “Gây thiệt hại không lớn là khi tội phạm đã thực hiện nhưng thiệt hại xảy ra nhỏ hơn thiệt hại mà người phạm tội mong muốn và ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Với tinh thần này thì tình tiết này rất tùy nghi và có thể áp dụng hầu hết mọi tội phạm dù hậu quả lớn đến đâu. Nhưng chỉ cần người pham tội cho rằng ý muốn lớn hơn hậu quả đã xảy ra. Vì vậy đề nghị bỏ tình tiết “Gây thiệt hại không lớn” và điểm g khoản 1 Điều 51 Dự thảo sẽ là “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại”.
Điểm r khoản 1 Điều 51: Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải “ Như vậy dự thảo ở điểm này xác định dứt khoát hai tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải. Ở tình tiết: “ăn năn hối cải” theo hướng dẫn của Nghị quyết 01/2006 Hội đồng thẩm phán TANDTC là “Ăn năn hối cải là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội thể hiện sự cắn rức, dày vò lương tâm về tội lỗi của mình không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng những hành động, việc làm cụ thể chứng minh việc mình muốn sửa chữa cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra” Như vậy ở tình tiết này đặt ra là phải bằng lời nói đi cùng với việc làm cụ thể để chứng tỏ ngời phạm tội tỏ ra “ăn năn hối cải”. Và cơ sở quan trọng nhất để xác định người phạm tội thật sự ăn năn hối cải hay không là ở việc làm. Có nhiều việc làm thể hiện Điều này được quy định ở những tình tiết giảm nhẹ cụ thể như: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm (Điểm a khoản 1 Điều 51); Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả (Điểm b khoản 1 Điều 51); Người phạm tội thành khẩn khai báo (Điểm r khoản 1 Điều 51); Người phạm tội tự thú hoặc đầu thú (Điểm q khoản 1 Điều 51); Người phạm tội tích cực giúp đỡ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc Điều tra tội phạm (Điểm s khoản 1 Điều 51); Người phạm tội đã lập công chuộc tội (Điểm t khoản 1 Điều 51).
Thực tiễn áp dụng tình tiết này ở Điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS hiện hành cũng thể hiện rất nhiều bất cập, quan điểm không thống nhất. Hầu hết tùy thuộc quan điểm chủ quan. Dẫn đến việc xử lý tội phạm không nghiêm minh, thiếu công bằng. Đề nghị không quy định tình tiết “ăn năn hối cải” là tình tiết giảm nhẹ thuộc khoản 1 Điều 51 Dự thảo và điểm r khoản 1 Điều 51 Dự thảo có nội dung là “ Người phạm tội thành khẩn khai báo”.
Khoản 1 Điều 54 BLHS (sửa đổi) quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng. Việc quy định như trên là thể hiện sự khoan hồng của pháp luật và có lợi cho bị can, bị cáo. Tuy nhiên, quy định như vậy sẽ dẫn đến nhiều bất cập vì áp dụng tùy tiện, không có tính răn đe. Do đó cần sửa đổi theo hướng khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 và kèm theo điều kiện không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và người phạm tội có nhân thân tốt mới được hưởng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.
Điều 56 BLHS (sửa đổi) quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Cần bổ sung thêm cấp có thẩm quyền tổng hợp bản án. Theo đó, nên quy định cấp nào xét xử thì cấp đó được tổng hợp bản án, vì theo quy định cũ bản án cũ có mức án từ 15 năm tù đến tù chung thân thì cấp xét xử phúc thẩm sẽ tổng hợp, như vậy nên chăng để cấp xét xử sơ thẩm tổng hợp hình phạt của nhiều bản án sẽ giảm bớt thủ tục.
2. Những sửa đổi, bổ sung của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) thuộc phần các tội phạm cụ thể:
Điều 123. Tội giết người (sửa đổi)
Tại điểm g khoản 2 quy định: “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”. Đề nghị sửa lại là: “Bằng phương pháp có khả năng làm chết từ hai người trở lên”. Lý do: Bảo đảm sự thống nhất với quy định tương tự trong Dự thảo và các quy định tại Phần chung của Bộ luật.
Tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 3: “Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”. Dự thảo nêu ở cả hai khung hình phạt: Điểm a khoản 2 có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm; điểm d khoản 3 có khung hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy là có sự trùng điều kiện, không dứt khoát. Đề nghị bỏ tình tiết này ở Điểm đ khoản 3 Điều 123. Chỉ quy định ở Điểm a khoản 2 Điều 123.
Điều 132. Tôi đe dọa giết người (sửa đổi)
Tại khoản 1: Đề nghị sửa đổi mức cao nhất của khung hình phạt từ “đến 02 năm” thành “đến 03 năm” như quy định hiện hành sẽ đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, cụ thể: “1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.
Điều 133. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (sửa đổi)
Tại điểm b khoản 1: Đề nghị bỏ cụm từ “a-xit sunfuric”, trong tình tiết này chỉ cần quy định “Dùng hóa chất nguy hiểm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” là đảm bảo mang tính bao hàm tất cả các loại hóa chất nguy hiểm trong đó có a-xit sunfuric và hóa chất nguy hiểm khác.
Tại điểm e khoản 1 Điều 133 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (sửa đổi) quy định: Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; cần được sửa đổi từ “già yếu” thành “người từ 70 tuổi trở lên”. Điều này cũng phù hợp với những những quy định chung của Bộ luật được thống nhất. Đảm bảo tính dễ hiểu cụ thể. Tương tự như trên thì tại điểm a khoản 2 của Điều 139 BLHS sửa đổi cũng thay từ “người già” thành “người từ 70 tuổi trở lên”.
Tại khoản 2 đề nghị sửa đổi “điểm m” thành “điểm n”; tại khoản 3 đề nghị sửa đổi điểm “k” thành “điểm n” vì tất cả các tình tiết được quy định từ điểm a đến điểm n khoản 1 đều thể hiện tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội vì vậy cần được quy định là tình tiết định khung trong trường hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11 % đến 30 % (tại khoản 2) và từ 31 % đến 60 % (tại khoản 3), cụ thể:
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60 % hoặc từ 11 % đến 30 % nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm n khoản 1 Điều này....
3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 60 % trở lên nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31 % đến 60 % nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm n khoản 1 Điều này....”
Điều 141. Tội hiếp dâm trẻ em (sửa đổi)
Tại điểm b khoản 1: việc quy định hành vi “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em dưới 13 tuổi” trong khung hình phạt có mức cao nhất là “15 năm” là không phù hợp, vì hiện nay tính chất của các vụ hiếp dâm trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 13 tuổi là độ tuổi chưa phát triển hoàn thiện về tâm, sinh lý đã đến mức nghiêm trọng, báo động về sự xuống cấp đạo đức, nhiều vụ án gây phẫn nộ, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự văn hóa-xã hội trong cộng đồng. Vì vậy, đề nghị sửa đổi quy định hành vi “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với trẻ em dưới 13 tuổi” trong khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình như quy định hiện hành, đảm bảo tính răn đe đối với loại tội phạm này.
Điều 154. Tội làm nhục người khác (sửa đổi) và Điều 155. Tội vu khống (sửa đổi)
Tại khoản 1 Điều 154 và khoản 2 Điều 155: Đề nghị bổ sung hình phạt tù có thời hạn “phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm” như quy định hiện hành, cụ thể:
“Điều 154. Tội làm nhục người khác (sửa đổi)
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
“Điều 155. Tội vu khống (sửa đổi)
1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Điều 166. Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (mới)
Tại khoản 1: Đề nghị bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” sau cụm từ “các quyền tự do, dân chủ khác của công dân”, cụ thể:
“1. Người nào cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác của công dân theo quy định của pháp luật nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 156, 157, 158, 159, 162, 163, 164 và 165 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Điều 172. Tội trộm cắp tài sản (sửa đổi)
Tại điểm d khoản 1: việc quy định tình tiết “Tài sản bị trộm cắp là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ.” là cần thiết và phù hợp với thực tế cuộc sống vì có những tài sản không thể chỉ đánh giá bằng giá trị vật chất. Tuy nhiên, đây sẽ là quy định gây khó khăn cho cơ quan tố tụng bởi trong các trường hợp này sẽ rất khó chứng minh được điều kiện cần và đủ để kết tội người vi phạm, vô tình tạo ra sự tùy tiện trong xử lý. Vì vậy, đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể thế nào là tài sản là “phương tiện kiếm sống chính”? hoặc “có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần”? để tránh sự tùy tiện khi áp dụng.
Điều 174. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (sửa đổi)
Tại điểm b khoản 1 việc quy định tình tiết “mặc dù có khả năng trả lại tài sản đó” là không cần thiết, vì trong điều luật đã quy định việc người phạm tội “cố tình không trả lại tài sản” đã thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội trong việc chiếm đoạt tài sản, vì vậy đề nghị bỏ tình tiết “mặc dù có khả năng trả lại tài sản đó” trong quy định này.
Điểm b khoản 2 Điều 177 BLHS (sửa đổi) quy định về tình tiết dùng chất nổ, chất cháy, hóa chất của tội Hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, cần quy định cụ thể hơn hóa chất gì, vì trên thực tế có rất nhiều loại hóa chất, có loại gây cháy cũng có loại không gây cháy.
Điều 181. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (sửa đổi)
Đề nghị đưa quy định tại điểm c khoản 1 “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” vào cấu thành cơ bản của Điều luật này và sửa đổi quy định tại khoản 2 thành một trong những cấu thành cơ bản của Điều luật, cụ thể: “Điều 181. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (sửa đổi)
Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm và thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặt phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
c) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Điều 245, 246, 247, 248quy định các Tội tàng trữ trái phép, vận chuyển trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây giống các loại cây khác có chứa chất ma túy:
Thống nhất đồng ý với phương án 1, việc quy định các tội danh này là cần thiết vì thực tế hiện nay các hành vi lưu hành cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa...ở khu vực miền núi phía bắc diễn ra thường xuyên nhưng không có chế tài để xử lý dẫn đến không có tính răn đe để phòng ngừa, ngăn chặn đối với hành vi này, vì vậy tình trạng trồng trái phép các loại cây này ở nước ta đang có diễn biến phức tạp bởi phạm vi ngày càng mở rộng, địa bàn trồng ngày càng xa xôi, hẻo lánh; Đối tượng trồng các loại cây này có nhiều cách thức tinh vi hơn để đối phó với các cơ quan chức năng. Điều đáng nói là tình trạng này không chỉ ở miền núi mà còn diễn ra ngay cả khu vực đồng bằng, thậm chí ở các thành phố lớn cũng xuất hiện nhiều trường hợp trồng cần sa ngay tại nhà, gây nguy hại cho xã hội.
Điều 330. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (sửa đổi)
Đề nghị bổ sung hình phạt bổ sung là hình phạt tiền “từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng” trong tội danh này, vì các hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt như: chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ (ví dụ: tượng nhà mồ ở khu vực Tây nguyên) có mục đích vụ lợi cá nhân vì vậy khi xử lý đối với tội phạm này cần thiết phải quy định hình phạt bổ sung là hình phạt tiền để có tính răn đe cao hơn, cụ thể:
“Điều 330. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt
...
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.”
Điều 332. Tội đánh bạc (sửa đổi)
Đề nghị sửa đổi mức tiền đánh bạc “từ 5.000.000 đồng” vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành là “từ 2.000.000 đồng”, vì việc quy định mức tiền đánh bạc “từ 2.000.000 đồng” để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này là phù hợp, việc quy định tăng mức tiền đánh bạc lên “5.000.000 đồng” sẽ dẫn đến gia tăng hành vi đánh bạc nhưng không đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó không có tính răn đe phòng ngừa tội phạm.
Điều 355. Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở (sửa đổi)
Đề nghị bổ sung quy định “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” vào cấu thành cơ bản của Điều luật tại khoản 1, cụ thể:
“1. Người nào chiếm dụng nhà ở do Nhà nước quản lý, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.”
Điều 365. Khái niệm tội phạm về chức vụ (sửa đổi)
Tại khoản 4: Đề nghị sửa đổi cụm từ “Nhà nước” bằng cụm từ “Hệ thống chính trị”, cụ thể:
“4. Các tội phạm về chức vụ thuộc khu vực ngoài Hệ thống chính trị tại Chương này bao gồm các tội: tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ.”
Điều 369. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (sửa đổi)
Tại khoản 1: Đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc động cơ cá nhân khác” vào sau cụm từ “Người nào vì vụ lợi....”, cụ thể:
“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác...”
Điều 370. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (sửa đổi)
Tại khoản 1: Đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc động cơ cá nhân khác” vào sau cụm từ “Người nào vì vụ lợi....”; và đề nghị sửa đổi cụm từ “làm trái” bằng cụm từ “trong khi thi hành”, cụ thể:
“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân....”
Điều 375. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (sửa đổi)
Tại khoản 1: Đề nghị sửa đổi cụm từ “rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” bằng cụm từ “tùy theo tính chất, mức độ”, cụ thể:
“1. Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng, tùy theo tính chất, mức độ, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 350 của Bộ luật này....”
Về ngôn ngữ diễn đạt và kỹ thuật xây dựng của các quy định của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).
Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã sử dụng ngôn ngữ diễn đạt và kĩ thuật xây dựng đúng theo thuật ngữ pháp lý, do đó đơn vị thống nhất với Dự thảo.
Tuy nhiên, hầu hết các khung hình phạt được xây dựng có khoảng cách quá rộng giữa mức hình phạt đầu và cuối khung. Nên quá trình áp dụng cũng thông thoáng, thuận lợi nhưng cũng dẫn đến phát sinh tiêu cực không “kiểm soát” được. Tính nghiêm minh của pháp luật, nguyên tắc bình đẳng, công bằng khó được thực hiện. Đề nghị ban soạn thảo xem xét việc thiết kế tăng thêm số khung hình phạt trong mỗi Điều luật đề thu hẹp khoảng cách hình phạt trong cùng một khung. Ngoài ra, một số thuật ngữ như nhiều lần, nhiều người thì nên cụ thể hóa luôn là hai lần, hai người trở lên cho thống nhất chung.
TH (biên tập)