Báo Pháp luật Việt Nam số 91 ngày 31/3/2012, có bài: “Nhiều bức xúc từ một vụ thi hành án” của tác giả T.Hà. Nội dung: ngày 26/11/2008, TAND quận Ninh Kiều, Tp Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 357 và 358 công nhận việc thỏa thuận thanh toán tiền nợ giữa bà Huỳnh Thị Thanh Chi và Nguyễn Thị Cẩm Thu là chủ nợ với bà Võ Hoàng Minh Khoa là con nợ. Theo đó bà Khoa có trách nhiệm trả nợ cho bà Chi 3 tỷ đồng, bà Thu 2 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án đã bán đấu giá căn nhà số 105 bis Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, Tp Cần Thơ của bà Khoa được 2,4 tỷ đồng...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 30/3/2012 đến 05/4/2012
Báo Pháp luật Việt Nam số 91 ngày 31/3/2012, có bài: “Nhiều bức xúc từ một vụ thi hành án” của tác giả T.Hà. Nội dung: ngày 26/11/2008, TAND quận Ninh Kiều, Tp Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 357 và 358 công nhận việc thỏa thuận thanh toán tiền nợ giữa bà Huỳnh Thị Thanh Chi và Nguyễn Thị Cẩm Thu là chủ nợ với bà Võ Hoàng Minh Khoa là con nợ. Theo đó bà Khoa có trách nhiệm trả nợ cho bà Chi 3 tỷ đồng, bà Thu 2 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án đã bán đấu giá căn nhà số 105 bis Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, Tp Cần Thơ của bà Khoa được 2,4 tỷ đồng. Theo quy định, số tiền này phải ưu tiên trả nợ hơn 1 tỷ đồng cho Ngân hàng EximBank (nơi bà Khoa thế chấp căn nhà trên để vay tiền). Số còn lại được ưu tiên thanh toán cho bà Chi và bà Thu. Tuy nhiên, vì có ý kiến chỉ đạo miệng của lãnh đạo Tp Cần Thơ chỉ đạo cần thanh toán cho bà Châu Thị Sáu là người mà bà Khoa còn nợ tiền trên 1 tỷ đồng của Bản án dân sự sơ thẩm số 81 ngày 29/3/2010, nên Cục Thi hành án Tp Cần Thơ đã xin ý kiến của Tổng cục Thi hành án dân sự và VKSND tối cao. Sau đó Tổng cục Thi hành án đã có Công văn số 3116 ngày 25/02/2011, VKSND tối cao cũng có Công văn số 380 cùng thống nhất quan điểm phải dùng số tiền còn lại để thi hành cho bản án có trước đó. Ngày 24/9/2011, Tổng cục Thi hành án lại có văn bản số 3443 chỉ đạo thực hiện đúng theo Công văn số 3116 của Tổng cục và Công văn số 380 của VKSND tối cao nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 10, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Phụ nữ Việt Nam số 40 ngày 02/4/2012, có bài: “Vụ án cố ý làm hư hỏng tài sản tại huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) có dấu hiệu oan sai” của phóng viên báo. Nội dung: Xuất phát từ việc ngày 25/7/2011, UBND thị trấn Hợp Hòa đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất của bà Lê Thị Ngà là mẹ của Kiều Thị Nga sinh năm 1990 là sinh viên trường Đại học Nội vụ Hà Nội không đúng pháp luật; vì không nhận được Quyết định thu hồi đất, phương án đền bù đất và không nhận được quyết định cưỡng chế nào gửi đến, nên khi cưỡng chế bà Ngà đã đứng ra ngăn cản việc đổ đất vào ruộng của mình nhưng lái máy xúc vẫn cho gầu đất treo trên đầu bà. Sợ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ, Nga đã lao đến xô xát với người lái máy xúc làm cho kính chắn gió của máy xúc trị giá 5 triệu đồng bị vỡ. Ngày 21/10/2011, Công an huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố Kiều Thị Nga về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Vừa qua, Nga đã bị Tòa án huyện xử với mức án 6 tháng tù cho hưởng án treo. Tuy nhiên dư luận nhân dân và ý kiến của Luật sư bào chữa đều cho rằng Nga bị truy tố, xét xử oan vì đây là hành vi phòng vệ chính đáng của Nga bảo vệ mẹ bị nguy hiểm bởi hành vi trái pháp luật của UBND thị trấn Hợp Hòa.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo điện tử An ninh Thủ đô ngày 02/4/2012 có bài “Đêm kinh hoàng trên đê sông Đáy” của tác giả Hà Hoàng- Xuân Tiến: Nội dung: Khoảng 1 gìơ sáng ngày 02/4/2012 nhiều người dân Thôn Đồng Nhân, xã Đồng La, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội nghe thấy tiếng súng nổ và tiếng va chạm của các loại “binh khí” trên đê sông Đáy ở Xóm 2, thôn Đồng Nhân. Khi lực lượng chức năng đến nơi đã chứng kiến 5 chiếc xe ô tô là xe Toyota Innova màu trắng BKS 29A-302.28; xe Toyota Camry màu đen BKS 30N-8430; xe Kia Forte màu trắng BKS 29A-334.72; xe Toyota yaris màu xanh BKS 30T-6654 và 1 chiếc taxi loại 4 chỗ của hãng Rồng Vàng bị đập phá hết kính và nhiều hung khí như dao nhọn, kiếm, gậy gỗ, ống tuýp sắt. Qua điều tra ban đầu lực lượng điều tra trọng án của Công an Hà Nội xác định có 20 tên là người trong thôn do Tạ Công Hạnh, sinh 1971 ở thôn Đồng Nhân cầm đầu các đối tượng đều có tiền án, tiền sự về tội đánh bạc đã chặn đánh nhóm người của chị Nguyễn Thị Hằng ở Phường Đồng Mai, quận Hà Đông thành phố Hà Nội đi đòi nợ ở Sơn Tây về. Tạ Công Hạnh đã có lệnh bắt khẩn cấp nhưng đã bỏ trốn. Cơ quan điều tra đang khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc gây rối trật tự công cộng, cố ý hủy hoại tài sản này để xử lý..
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo An ninh Thủ đô số 3476 ngày 02/4/2012, có bài: “Viện bỏ lọt, Tòa không cho qua” của tác giả Trịnh Tuyến. Nội dung: Lợi dụng cương vị là nhân viên Phòng Vật tư của Công ty Cổ phần xây dựng công trình Trung Quốc thuộc Tổng Công ty xây dựng dự án Mulberry, các tên: Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Mạnh Bắc và Bùi Minh Pháp đã có hành vi trộm cắp 18 tấn sắt ở Công trường Mulbrry tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông đem bán cho Đoàn Thị Mến trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Tp Hà Nội. Mến nhận hàng vào đêm khuya và không có bất cứ một giấy tờ gì. Mến cũng biết các nhân viên này không có thẩm quyền bán sắt của Công ty. Vì vậy, hành vi của Mến có căn cứ cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng không bị Viện kiểm sát truy tố. Tòa án đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu làm rõ việc để lọt tội phạm.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 86 ngày 04/4/2012, có bài: “ Đánh chết người nhưng VKS truy tố sai tội?” của tác giả Hồng Tứ. Nội dung: Đêm ngày 08/12/2010, Nguyễn Thế Hùng là chủ một khu nhà trọ ở phường 8, Tp Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có hành vi tát vào mặt sau đó đánh anh NMD ngã đập đầu xuống đất và bất động vì anh D có hành vi đập vỡ cửa kính khu nhà trọ của anh Hùng. Việc đánh anh D có sự chứng kiến của cán bộ Công an phường 8. Khi đến Công an phường, thấy anh D bị đánh đau không thể làm việc được nên mọi người đã đưa anh D đi cấp cứu. Ngày 10/12/2010, anh D đã chết vì bị chấn thương sọ não. Tháng 8/2011, Cơ quan điều tra đã khởi tố Nguyễn Thế Hùng về tội “Cố ý gây thương tích” (dẫn đến chết người) và được VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê chuẩn. Tuy nhiên, đến tháng 11/2011, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lại đổi tội danh của Hùng sang tội “Vô ý làm chết người” và lập Cáo trạng truy tố Hùng ở khoản 1 Điều 98 với khung hình phạt chỉ từ 6 tháng đến 5 năm tù. Gia đình bị hại và Luật sư đều cho rằng việc thay đổi tội danh này là không đúng, vì hành vi đánh người của Hùng dẫn đến cái chết của anh D là cố ý, không phải là vô ý nên phải truy tố Hùng theo Khoản 3 Điều 104 BLHS với khung hình phạt từ 5 đến 15 năm tù mới chính xác.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục thông tin đến bạn đọc sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát trong thời gian tới.