CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 09/12/2011 đến ngày 15/12/2011

16/12/2011
Cỡ chữ:   Tương phản
Báo Lao động số 285 ngày 09/12/2011, có bài “Truy tìm băng nhóm giả nhà báo tống tiền” của tác giả Phùng Bắc. Nội dung: Ngày 08/12/2011, một đoàn gồm 6 người đi xe ô tô có treo băng rôn “Đoàn nhà báo” của một số cơ quan báo chí đến đe dọa bà N. T. Xuân (chủ một đơn vị tổ chức lễ hội, hội chợ)...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin báo đăng
 liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân
từ ngày 09/12/2011 đến ngày 15/12/2011
 
Báo Lao động số 285 ngày 09/12/2011, có bài “Truy tìm băng nhóm giả nhà báo tống tiền” của tác giả Phùng Bắc. Nội dung: Ngày 08/12/2011, một đoàn gồm 6 người đi xe ô tô có treo băng rôn “Đoàn nhà báo” của một số cơ quan báo chí đến đe dọa bà N. T. Xuân (chủ một đơn vị tổ chức lễ hội, hội chợ). Trong đoàn có một người đưa cho bà Xuân danh thiếp có biểu tượng của ngành Kiểm sát và có tên là Phạm Văn Tùng, phóng viên báo Bảo vệ pháp luật cơ quan đại diện phía Nam. Đoàn đã được Phó Chủ tịch UBND phường tiếp đón, Đoàn này đòi bà Xuân phải chi 10 triệu đồng, một doanh nghiệp đã chi 10 triệu đồng cho Đoàn, người lái xe cho đoàn yêu cầu bà Xuân nếu muốn yên ổn làm ăn cần phải chi 50 triệu đồng. Sau khi xác minh tại trụ sở Văn phòng phía nam của báo Bảo vệ pháp luật ở số 199, Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh thì được biết Tùng chỉ là Cộng tác viên, không phải là Phóng viên của Báo một trong các nhà báo giả trên đã bị bắt, số còn lại bỏ trốn và đang bị truy bắt.
 Yêu cầu Báo bảo vệ pháp luật kiểm tra, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Pháp luật Việt Nam số 346 ngày 12/12/2011, có bài “Đình chỉ vụ án có phải trả lại” của tác giả An Bình. Nội dung: Vì lo lắng cho chồng là ông Hồ Văn Thuận, Giám đốc xí nghiệp tư nhân Hoa Sơn ở Tp. Pleiku, Gia Lai bị khởi tố về tội “Trốn thuế” nên ngày 15 và 18/3/2005, bà Ngô Thị Thu Hoa là vợ của ông Thuận đã tạm nộp vào tài khoản của Cơ quan CSĐT Bộ Công an 02 tỷ đồng. Sau nhiều lần Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại vụ án. Ngày 29/01/2011, VKSND tối cao đã có Quyết định đình chỉ vụ án và bị can đối với ông Thuận. Công an tỉnh Gia Lai có văn bản kết luận doanh nghiệp của ông Thuận không có sai phạm, nên vợ chồng ông có đơn xin lại số tiền đã tạm nộp đó nhưng không được VKSND tối cao giải quyết.
Yêu cầu Vụ 1 kiểm tra, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Tuổi trẻ số 339 ngày 13/12/2011, có bài “Giảm hơn nửa mức án cho Phan Cao Trí” của tác giả Chu Mai. Nội dung: Theo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Tp.HCM, có 93 nhân viên được xác định là bị hại trong vụ bắt giữ người trái pháp luật tại cơ sở matxa Tân Hoàng Phát. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm do Thẩm phán Phạm Hùng Việt - Chủ tọa cho rằng chỉ có một nạn nhân là chị Trần Ngọc Tình. Tòa án cấp sơ thẩm xác định 93 bị hại là không đúng. Trước đó, trong hai ngày 08 và 09/12/2011, đại diện Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Tp.HCM đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bác toàn bộ kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm bởi theo Viện kiểm sát thì hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm quyền tự do đi lại, quyền sở hữu tài sản. Viện kiểm sát xác định có đủ cơ sở để buộc tội Phan Cao Trí cùng đồng phạm. Sau một ngày nghị án, ngày 12/12/2011, Hội đồng xét xử tòa phúc thẩm tối cao tại Tp. HCM đã tuyên giảm án cho Phan Cao Trí cùng tất cả các đồng phạm khác. Sau phiên tòa, nhiều người đã bức xúc cho rằng: “không hiểu vì cớ gì mà Tòa lại giảm hơn phân nửa mức án cho các bị cáo như vậy, thật là không công bằng với chúng tôi”. Nhiều cô gái khác nguyên là nhân viên matxa của Tân Hoàng Phát cũng bức xúc không chịu rời Tòa, bởi họ cho là bản án quá nhẹ, không xem xét đến quyền lợi của các nhân viên matxa.
Yêu cầu Viện phúc thẩm 3 xem xét, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, Vụ 3 theo dõi, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Pháp luật Việt Nam số 349 ngày 15/12/2011, có bài “Gia đình thiếu nữ bị hiếp, giết phẫn uất vì kẻ dâm ác thoát án tử hình” của tác giả Trần Nguyên. Nội dung vụ án xảy ra tối 19/3/2011, bị cáo Lê Khánh Duy và nạn nhân Chu Thị A đến đám cuới bạn (trước đó Duy và A có quan hệ yêu đương); sau khi uống rượu say, Duy gặp A và buông lời sàm sỡ. Quá sợ hãi trước hành động của bạn trai cũ, chị A đã nhờ anh họ là Chu Văn Nguyện đưa về, do anh Nguyện bận có nhờ lại anh Chu Hải đưa về, đi được khoảng 200m thì Duy chạy theo, gây sự với anh Hải và đòi đưa chị A về. Tuy nhiên, Duy không đưa A về nhà mà khống chế A đến ngôi nhà hoang ở cuối thôn rồi dùng vũ lực hiếp dâm, sau đó đã sát hại chị A. Sau đó, Lê Khánh Duy bị bắt giữ và khởi tố về hai tội “Hiếp dâm”và “Giết người”. Tại phiên tòa sơ thẩm đầu tháng 12/2011, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt Lê Khánh Duy mức án tù chung thân. Sau phiên tòa, người nhà bị hại và dư luận tỏ ý không đồng tình với bản án trên của TAND tỉnh Bắc Giang.
Yêu cầu VKSND tỉnh Bắc Giang kiểm tra báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Viện phúc thẩm 1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Tin tức cuối tuần số 50 ngày 16-22/12/2011, có bài “Uẩn khúc từ một vụ án” của tác giả Thanh Bình. Theo bản Kết luận số 02/KL ngày 28/2/2011 của Cơ quan điều tra huyện Thạch Hóa, tỉnh Long An thì lúc 21giờ ngày 25/12/2010, tại nhà bà Phạm Thị The (SN 1971), ở xã Thạch Phú (Thạch Hóa, Long An) tổ chức tiệc nhậu và xảy mâu thuẫn giữa hai nhóm thanh niên đến dự tiệc. Đến 23 giờ cùng ngày, khách dự tiệc xuống thuyền về nhà. Đến đoạn sông Cả Sáu, thuộc xã Thạch Phước, hai nhóm thanh niên trên tiếp tục xảy ra mâu thuẫn và dẫn đến xô xát. Hậu quả Nguyễn Văn Tràng bị tử vong. Cơ quan điều tra huyện Thạch Hóa xác định việc Nguyễn Văn Tràng bị tử vong không có dấu hiệu tội phạm và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, dư luận cho rằng kết quả điều tra của Cơ quan điều tra không phản ánh đúng sự thật khách quan và đã bỏ sót nhiều chứng cứ quan trọng, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại vụ việc, xử lý đúng người, đúng tội, tạo lòng tin cho nhân dân.
Yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An kiểm tra, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.  
Báo Tiền phong số 349 ngày 15/12/2011, có bài “Bắt 15 toa tàu chở gỗ lậu quý hiếm” của nhóm phóng viên báo Tiền phong. Nội dung: Cơ quan chức năng bắt giữ gần 400 m3 gỗ quý hiếm có nguồn gốc trong nước trên 15 toa tàu; tất cả số gỗ trên đều không phù hợp với hồ sơ lâm sản, phần lớn số gỗ trên đều không có dấu búa của Kiểm lâm. Theo đánh giá, đây là vụ vi phạm vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép lớn nhất từ trước tới nay, có mức độ đặc biệt nghiêm trọng, ban đầu mới chỉ biết những người nhận đứng tên trong đơn vận đơn, một số đối tượng đã thừa nhận mua bán, làm giả hóa đơn chứng từ; quay vòng hồ sơ, thủ tục. còn chủ đích thực của những lô hàng vẫn được điều tra, làm rõ.
Yêu cầu Viện kiểm sát Tp. Hà Nội kiểm tra, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Tiền phong số 348 ngày 14/12/2011, có bài “Vụ kiểm lâm hộ tống xe gỗ lậu- Bắt hạt trưởng Kiểm lâm Pù Huống” của tác giả Quang Long- Minh Thùy. Nội dung: Khoảng 04giờ sáng ngày 07/12/2011, xe chở gỗ lậu mang biển kiểm soát 37V-3815 lưu thông trên quốc lộ 48C đến địa phận xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông (Ngệ An) thì xảy ra tai nạn; hậu quả 07 thợ khuân vác ngồi trên thùng xe chết tại chỗ, 06 người khác bị thương nặng, sau đó thêm ba nạn nhân tử vong do chấn thương nặng. Đến ngày 13/12/2011, Công an tỉnh Nghệ An bắt khẩn cấp 04 Kiểm lâm, trong đó có Phó Giám đốc quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Pù Huống. Đến ngày 10/12/2011, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án để điều tra.
Yêu cầu VKSND tỉnh Nghệ An kiểm tra báo cáo lãnh đạo Viện KSND TC phụ trách, Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo điện tử Pháp luật Việt Nam có bài “Bắt 03 “tàu lạ” nhập lậu gần 300 tấn dầu diesel” của tác giả Ngọc Hải. Nội dung: Ngày 05/12/2011, Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Hải đội 1) kiểm tra phát hiện tàu ài Quế Bắc Ngư Vận 7678, do Trương Thế Tôn (quốc tịch Trung Quốc), làm thuyền trưởng, vận chuyển trái phép 180 m3 dầu; ngày 08/12/2011, tiếp tục phát hiện bắt giữ tàu Quế Bắc Ngư Vận 33969, do Lý Vương Phúc Toàn (quốc tịch Trung Quốc), làm thuyền trưởng và tàu Quế Bắc Ngư Vận 62089 do Lý Thanh Phúc (quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng, có hành vi vận chuyển trái phép 110 tấn dầu diesel vào vùng biển Việt Nam. Trong 04 ngày, Hải đội 1 đã phát hiện, bắt giữ 03 tàu vận chuyển dầu trái phép trên vùng biển Việt Nam, thu giữ gần 300 tấn dầu diesel. Hiện Hải đội 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, phương tiện, các đối tượng trên để tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ.
Yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra báo cáo lãnh đạo Viện KSNDTC phụ trách, Vụ 1, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục thông tin tới bạn đọc sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát trong thời gian tới. 
Thế Hùng  
 
Tìm kiếm