Báo Công lý số 85 ngày 21/10/2011,có bài “Có lẽ nào lại “chìm xuồng” của tác giả Trung Thành. Nội dung: ngày 29/4/2008, anh ĐỗĐức Hạnh là giáo viên Trường trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, đã bị 14 người trong gia đình ông Nguyễn Quang Vấn là bác ruột của vợđánh đập gây thương tích nặng và đập phá tài sản. Kết luận giám định pháp y xác định anh Hạnh bị tổn hại 12% sức khoẻ. Ngày 08/9/2008, Công an quận Hồng Bàng đã khởi tố vụ án...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý thông tin
báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân
từ ngày 21/10/2011 đến 27/10/2011
Báo Công lý số 85 ngày 21/10/2011,có bài “Có lẽ nào lại “chìm xuồng” của tác giả Trung Thành. Nội dung: ngày 29/4/2008, anh Đỗ Đức Hạnh là giáo viên Trường trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, đã bị 14 người trong gia đình ông Nguyễn Quang Vấn là bác ruột của vợ đánh đập gây thương tích nặng và đập phá tài sản. Kết luận giám định pháp y xác định anh Hạnh bị tổn hại 12% sức khoẻ. Ngày 08/9/2008, Công an quận Hồng Bàng đã khởi tố vụ án. Tuy nhiên, đến ngày 23/2/2009, Công an Quận lại ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án với lý do anh Hạnh không bị tổn hại đến sức khoẻ. Không đồng ý với quyết định trên anh Hạnh và gia đình có đơn khiếu nại. Ngày 24/4/2009, VKSND quận Hồng Bàng luận: việc đình chỉ vụ án của Cơ quan điều tra là có căn cứ, đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nhưng sau đó vụ việc tiếp tục được Công an và VKSND thành phố Hải Phòng kiểm tra lại xác định quyết định đình chỉ vụ án nêu trên là không đúng nên đã chỉ đạo Công an quận Hồng Bàng phục hồi điều tra vụ án. Tuy nhiên, đến ngày 20/5/2011, Công an quận Hồng Bàng lại ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án. Tác giả cho rằng vụ án đã rõ ràng và đơn giản nhưng không hiểu sao đến hơn 3 năm vẫn không giải quyết xong. Ngoài ra còn hành vi đập phá, huỷ hoại tài sản của anh Hạnh gây thiệt hại 13,5 triệu đồng nhưng không được xem xét xử lý là lọt tội cố ý huỷ hoại tài sản.
Yêu cầu VKSND thành phố Hải Phòng kiểm tra, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Lao động số 243 ngày 21/10/2011,có bài “Ba phiên toà và nỗi đau của một người mẹ” của tác giả Lam Sơn. Nội dung: Trong vụ án dân sự anh Trần Phương Nam, là con trai kiện đòi nhà của mẹ đẻ là Hoàng Thị Nữ xảy ra tại phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, đã được xét xử theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm nhưng có sai sót nên ngày 02/11/2009, TAND tối cao đã kháng nghị Giám đốc thẩm. Bản án Giám đốc thẩm đã tuyên huỷ cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu. Đến ngày 08/6/2011, TAND thành phố Hà Giang đưa vụ án ra xét xử lại nhưng có quá nhiều vi phạm về tố tụng, như: Toà án không thông báo lịch xét xử, không giao Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho 2 luật sư bào chữa và người có liên quan, bà Nữ là người không biết chữ nhưng toàn bộ quá trình xác minh lấy lời khai của bà đều không có người giám hộ. Vì vậy, bản án này cần phải được huỷ.
Yêu cầu VKSND tỉnh Hà Giang kiểm tra, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 5, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo Phụ nữ Việt nam số 127 ngày 24/10/2011,có bài “Dấu hỏi lớn sau nỗi đau” của tác giả Đình Hưng. Nội dung: Hồi 19 giờ tối ngày 20/10/2011 anh Lê Quang Bình, Đại úy công tác tại Văn phòng Công an tỉnh Bình Dương, lái xe ô tô biển số 61A-038.59 đi trên đường Phú Lợi, phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một đã đâm thẳng vào xe máy biển số 61F8-1439 do anh Nguyễn Hữu Quân, sinh 1984 ở phường Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một điều khiển làm anh Quân văng vào lề đường bị thương nặng, xe máy kẹt tại đầu ô tô. Sau khi sự việc xảy ra, ông Bình không dừng xe mà tiếp tục nhấn ga bỏ chạy nên đã có khoảng 40 người phóng xe máy đuổi theo khoảng 4 km, dưới sức ép của nhiều người mới chịu dừng xe. Do vết thương quá nặng nên anh Quân đã chết tại bệnh viện Chợ Rẫy, Tp Hồ Chí Minh, có thông tin cho rằng ông Bình chưa có bằng lái xe ô tô. Gia đình bị hại và dư luận đề nghị các cơ quan pháp luật phải điều tra khách quan làm rõ vụ việc này để xử lý theo pháp luật.
Báo Tuổi trẻ số 288 ngày 23/10/2011, có bài “Quẫn quá nên mới bỏ chạy” cũng phân tích thêm về vụ việc trên và kết luận việc ông Bình gây tai nạn nghiêm trọng rồi bỏ chạy là không chấp nhận được.
Yêu cầu VKSND tỉnh Bình Dương kiểm tra, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo An ninh thủ đô số 3349 ngày 24/10/2011,có bài “Cần một phiên tòa công tâm hơn” của tác giả Quang Trường. Nội dung: Khoảng 3 giờ ngày 08/4/2011, khi bố và mẹ cháu Nguyễn Thị Duyên 14 tuổi vừa ra khỏi nhà đi kéo vó bè thì Nguyễn Khắc Thế, sinh 1975 ở thôn Dộc Đứt, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội đến gõ cửa nhà cháu Duyên. Tưởng bố, mẹ quay về nên cháu ra mở cửa và bị Thế xông vào cưỡng hiếp, mặc dù cháu Duyên chống cự nhưng Thế vẫn thực hiện xong hành vi giao cấu. Ngày 05/5/2011, Thế lại tiếp tục thực hiện hành vi này với cháu Duyên thì bị bố cháu bắt quả tang, lúc này cháu Duyên đã mang thai, kết quả giám định ADN kết luận Nguyễn Khắc Thế là “tác giả” của cái thai này. Mặc dù Thế có hành vi dùng vũ lực để giao cấu trái ý muốn của cháu Duyên, làm cháu có thai, đủ yếu tố cấu thành tội “Hiếp dâm trẻ em” nhưng VKSND huyện Phúc Thọ chỉ truy tố Thế về tội “Giao cấu với trẻ em” nên Tòa án huyện Phúc Thọ chỉ xử tên Thế 5 năm 6 tháng tù là chưa đúng tội danh. Gia đình bị hại đã kháng cáo bản án và mong rằng phiên Tòa phúc thẩm sẽ xét xử công tâm, đúng người, đúng tội.
Yêu cầu VKSND thành phố Hà Nội kiểm tra, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Báo điện tửĐất Việt ngày 26/10/2011,có bài “Khuất tất trong vụ một phụ nữ bị làm nhục trên bãi biển”. Nội dung: Khoảng 10 giờ ngày 16/9/2011, chị Lê Thị Gái, 41 tuổi trú tại thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đang đứng trên bãi biển đợi chồng đi biển về thì bất ngờ bị một nhóm đối tượng gồm 4 chị em ruột là: Phạm Thị Tuyết, Phạm Thị Loanh, Phạm Thị Hoanh, Phạm Thị Mười ở cùng xã xông vào đánh đập, dùng kéo cắt trụi tóc, lột hết quần áo trên người, trói và bịt miệng lấy của chị một chiếc điện thoại di động rồi bỏ mặc chị nằm giữa bãi cát vắng,. Một lúc sau chị Gái được hai người dân nghe tiếng kêu cứu, lấy quần áo cho chị mặc và đưa chị về. Sau khi sự việc xảy ra chịđã làm đơn tố cáo gửi Công an xã, huyện và VKSND huyện Bố Trạch kèm theo tang vật là bộ quần áo còn dính máu và bó tóc bị cắt. Hành vi phạm tội đã rõ, tuy nhiên đến nay đã gần hai tháng, vụ việc vẫn nằm trong im lặng khiến dư luận đặt câu hỏi có gì khuất tất trong quá trình điều tra.
Yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Bình kiểm tra, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A , đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục thông tin tới bạn đọc sự chỉđạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về xử lý thông tin báo đăng liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát trong thời gian tới.
Thế Hùng- TH