CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện phúc thẩm 1 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

07/08/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Qua công tác kiểm sát bản án sơ thẩm và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự theo thủ tục phúc thẩm trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội nhận thấy Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc còn để xảy ra vi phạm trong việc áp dụng pháp luật ở một số vụ án, cụ thể như sau:...
Viện phúc thẩm 1 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm
trong hoạt động xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc
Qua công tác kiểm sát bản án sơ thẩm và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự theo thủ tục phúc thẩm trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội nhận thấy Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc còn để xảy ra vi phạm trong việc áp dụng pháp luật ở một số vụ án, cụ thể như sau:
Về bỏ lọt tình tiết định khung hình phạt:
Bản án sơ thẩm số 16 ngày 26/5/2011 xét xử các bị cáo Nguyễn Khắc Hấu, Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Quốc Đại, Lưu Văn Giang và Nguyễn Văn Phương về tội “Giết người” theo Điểm n, Khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự. Riêng đối với bị cáo Nguyễn Khắc Hấu nhân thân có 01 tiền án về tội rất nghiêm trọng chưa được xóa án, lần này lại phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm nên ngoài tình tiết định khung quy định tại Điểm n còn phải bị truy tố, xét xử thêm tình tiết định khung quy “tái phạm nguy hiểm” qui định tại Điểm p, Khoản 1, Điều 93 mới đầy đủ. Tuy nhiên, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm đã bỏ sót không truy tố, Tòa án cấp sơ thẩm thay vì bổ sung thêm tình tiết định khung Điểm p Khoản 1 thì lại áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm nguy hiểm” quy định Điểm g, Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự đối với bị cáo khi lượng hình là thiếu chính xác.
Đối với bị cáo Giang tuy chưa có tiền án nhưng đã bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ra quyết định đưa vào cơ sở giáo dục với thời hạn 24 tháng, vừa chấp hành xong quyết định hành chính đã phạm vào tội đặc biệt nghiêm trọng chứng tỏ bị cáo là người khó giáo dục, cải tạo; với nhân thân như vậy nhưng bản án sơ thẩm lại nhận định: Đây là lần đầu tiên bị cáo bị đưa ra xét xử và áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1, Điều 46 Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt đối với bị cáo là thiếu thuyết phục.
Về bỏ lọt tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Bản án sơ thẩm số 22 ngày 24/4/2012 xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Quân, Trương Quang Việt và đồng bọn về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” và tội “Cướp tài sản”. Đối với bị cáo Việt nhân thân tái phạm, chưa được xóa án, phạm tội lần này là thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm do vậy cấp sơ thẩm truy tố, xét xử bị cáo về tội “Cướp tài sản” ở Điểm c, Khoản 2, Điều 133 Bộ luật hình sự là có căn cứ (tái phạm nguy hiểm). Tuy nhiên đối với tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” bị cáo bị truy tố, xét xử ở Điểm b, Khoản 3, Điều 134 Bộ luật hình sự (Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đến dưới năm trăm triệu đồng), ở tội danh này, tái phạm nguy hiểm không phải là tình tiết định khung thì sẽ được áp dụng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nhưng bản án sơ thẩm đã bỏ lọt không áp dụng tình tiết tăng nặng quy định ở Điểm g, Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt.
Bản án sơ thẩm số 23 ngày 25/4/2012 xét xử bị cáo Lê Tuấn Anh về tội “Giết người”. Bản án sơ thẩm nhận định bị cáo và mẹ đẻ bị ông Thêm (bố đẻ của bị cáo) thường xuyên ngược đãi, đánh đập, chửi bới, đe dọa giết và đuổi ra khỏi nhà; do bị cáo quá uất ức không kiềm chế được nên đã có hành động bóp cổ ông Thêm đến chết. Với nhận định trên lẽ ra phải áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 46 Bộ luật hình sự (phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại) nhưng bản án sơ thẩm chỉ áp dụng Khoản 2, Điều 46 Bộ luật hình sự là bất lợi cho bị cáo và xử phạt bị cáo 20 năm tù là quá nghiêm khắc.
Về quyết định trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng và quyết định về án phí không chính xác
Bản án sơ thẩm số 03 ngày 17/01/2012 xử phạt bị cáo Hà Hữu Hiền 03 năm tù cho hưởng án treo về tội “Trốn thuế”, ngoài ra bản án còn tuyên buộc Công ty TNHH Việt Thắng (do bị cáo làm giám đốc) nộp cho Chi cục thuế huyện Sông Lô số tiến thuế và phí là 3.376.669.812 đồng, xác nhận gia đình bị cáo đã nộp 990.000.000 đồng, số tiền còn lại buộc công ty TNHH Việt Thắng phải có trách nhiệm nộp tiếp. Về án phí buộc Công ty TNHH Việt Thắng nộp 79.733.396 đồng.
Đây là vụ án có nhiều sai sót trong quyết định trách nhiệm dân sự, án phí và xử lý vật chứng. Theo tài liệu điều tra thì từ ngày 9/10/2010 đến ngày 29/10/2010 Công ty TNHH Việt Thắng với chức năng khai thác khoáng sản cát, sỏi đã khai thác và bán ra ngoài thị trường thu được số tiền 13.749.076.000 đồng nhưng chỉ kê khai doanh số là 5.407.795.895 đồng, bỏ ngoài sổ sách để chia nhau là 8.341.280.105 đồng, làm thất thu thuế và phí của nhà nước là 3.376.669.812 đồng. Số tiền trốn thuế và phí mà có bị cáo Hiển đã chia cho các thành viên là bà Hiển, bà Nội, ông Minh, bà Nhiễn và ông Hải là những người cùng góp vốn hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Việt Thắng. Những người này tuy không phải là đồng phạm của vụ án song họ cũng có lỗi do đã họp và thống nhất với bị cáo không trích nộp 13% thuế GTGT, thuế tài nguyên và phí môi trường… không trích nộp thuế và phí ngoài số lượng quy định 95.000m3/năm. Những người này được hưởng lợi từ khoản tiền không hợp pháp của Công ty trốn thuế mà có do vậy họ phải có trách nhiệm trong việc hoàn lại số tiền thuế, phí cho nhà nước. Kết quả giám định cũng đã xác định được số thuế, phí phải truy thu của từng cá nhân: bà Nội 1.606.324.968 đồng, bà Minh 295.011.656 đồng, bà Nhiễn 295.011.656 đồng, ông Hải 193.537.876 đồng, bị cáo Hiển 986.783.656 đồng, tổng cộng 3.376.669.812 đồng. Án sơ thẩm không buộc những người liên quan này nộp thuế, phí theo kết quả giám định mà buộc Công ty TNHH Việt Thắng phải nộp toàn bộ số thuế thất thu và phải chịu án phí dân sự tương ứng với số thuế phải nộp (trong khi đây không phải là tranh chấp dân sự và không thuộc trường hợp phải nộp án phí dân sự có giá ngạch theo quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án) là trái pháp luật, gây thiệt hại cho quyền lợi của Công ty TNHH Việt Thắng. Quá trình điều tra người liên quan là ông Hải nộp 40 triệu nhưng số tiền ông Hải nộp án sơ thẩm lại bỏ quan không đề cập xử lý là thiếu sót.
Trên cơ sở xem xét vụ án theo thủ tục phúc thẩm, cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bị cáo, kháng nghị của Viện kiểm sát tỉnh Vĩnh Phúc sửa án sơ thẩm, truy thu tiền thuế, phí của những người liên quan; ghi nhận ông Hải đã nộp 40 triệu và số tiền này được trừ vào số tiền thuế, phí ông Hải phải nộp; không buộc Công ty TNHH Việt Thắng phải nộp án phí dân sự sơ thẩm.
Bên cạnh những vi phạm nêu trên còn một số trường hợp do thiếu cẩn trọng trong việc rà soát trước khi ban hành nên để xảy ra những vi phạm về thủ tục tố tụng: bản án sơ thẩm số 46 ngày 25/10/2011 xét xử bị cáo Dương Văn Lâm về tội “Giết người” ở Điểm n, Khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự, biên bản nghị án ghi rõ họ tên và có chữ ký của 5 thành viên tham gia hội đồng xét xử nhưng phần biểu quyết về tội danh, điều luật, hình phạt chỉ thể hiện có 3/3 thành viên biểu quyết nhất trí. Bản án sơ thẩm số 47 ngày 28/10/2011 xét xử bị cáo Lưu Văn Diệm về tôi “Giết người” cũng mắc lỗi tương tự. Riêng vi phạm của bản án số 47 đã được Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội kiến nghị yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc sửa chữa khắc phục vi phạm tại văn bản số 02 ngày 16/4/2012.
Những vi phạm, sai sót trên đã được khắc phục cơ bản thông qua công tác xét xử phúc thẩm, tuy nhiên còn một số vi phạm không được phát hiện do vụ án không có kháng cáo, kháng nghị. Để hạn chế tình trạng trên, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức rút kinh nghiệm, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục vi phạm kịp thời, đảm bảo việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử.
Thu Hương
Tìm kiếm