CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện phúc thẩm 1 thông báo rút kinh nghiệm một số vụ án kinh doanh thương mại có vi phạm bị cấp phúc thẩm hủy án

11/08/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm một số vụ án kinh doanh thương mại, ngày 20/7/2012 và 24/7/2012 Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội ban hành thông báo số 180 và 182 rút kinh nghiệm một số vụ án kinh doanh thương mại có vi phạm bị cấp phúc thẩm hủy án để giải quyết lại theo thủ tục chung, Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin trích đăng để bạn đọc tham khảo:...
Viện phúc thẩm 1 thông báo rút kinh nghiệm một số vụ án kinh doanh thương mại có vi phạm bị cấp phúc thẩm hủy án
Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm một số vụ án kinh doanh thương mại, ngày 20/7/2012 và 24/7/2012 Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội ban hành thông báo số 180 và 182 rút kinh nghiệm một số vụ án kinh doanh thương mại có vi phạm bị cấp phúc thẩm hủy án để giải quyết lại theo thủ tục chung, Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin trích đăng để bạn đọc tham khảo:
1. Vụ án “Tranh chấp hợp động tín dụng”:
Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), đại diện theo ủy quyền là bà Ngô Thị Hường, Tổ phó Tổ giám sát hoạt động khu vực miền Bắc
Bị đơn: Công ty TNHH Toàn Cầu, đại diện theo pháp luật ông Phạm Quốc Thắng, Giám đốc công ty
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Đình Anh và bà Đặng Thị Thanh Thủy
Nội dung vụ án:
Ngày 22/4/2008, Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam, chi nhánh Hà Nội và Công ty TNHH Toàn Cầu do ông Phạm Quốc Thắng là giám đốc, người đại diện hợp pháp theo pháp luật có ký hợp đồng tín dụng. Theo đó Ngân hàng đồng ý cấp hạn mức tín dụng cho Công ty số tiền 70 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh.
Ngày 14/5/2008 Công ty TNHH Toàn Cầu có đơn xin vay số tiền 05 tỷ đồng để thanh toán tiền mua hàng kẽm thỏi, để đảm bảo cho khoản vay này Công ty đã thế chấp với Ngân hàng bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa số 55, tờ bản đồ số 29, thôn Gia Quất, xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, đứng tên ông Nguyễn Đình Anh và bà Đặng Thị Thanh Thủy (hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba đã được lập thành văn bản và được Phòng công chứng số 1, Thành phố Hà Nội xác nhận vào ngày 12/5/2008). Đồng thời cũng trong ngày 14/5/2008, Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty vay số tiền 05 tỷ đồng.
Do Công ty TNHH không thanh toán khoản nợ 05 tỷ đồng vay trên nên Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam đã khởi kiện ra tòa.
Tại bản án sơ thẩm kinh doanh thương mại số 130, ngày 22/8/2011 Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam
- Buộc Công ty TNHH Toàn Cầu trả nợ cho Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam theo hợp đồng tín dụng cho vay theo hạn mức số 1001-LVA-200800542 ký ngày 22/4/20008 và Hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ số 1001-LDS-200801032 ngày 14/5/2008 các khoản tính đến ngày 22/8/2011 như sau: Nợ gốc là 4.948.918.504 đồng, nợ lãi trong hạn là: 2.734.129.504 đồng, nợ lãi quá hạn là: 1.154.314.752 đồng, tổng cộng cả gốc và lãi là 8.837.362.823 đồng.
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng về việc cho phát mại tài sản đảm bảo khi Công ty không trả được nợ là toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại thửa số 55, tờ bản đồ số 29, thôn Gia Quất, xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Q887246 do Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm, Hà Nội cấp theo giấy chứng nhận quyền sở hữu của ông Nguyễn Đình Xuân và bà Đặng Thị Thanh Thủy.
Ngoài ra bản án còn quyết định phần án phí và một số nội dung khác.
Sau khi xét xử sơ thẩm đến ngày 26/8/2011 Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam kháng cáo bản án sơ thẩm về tài sản thế chấp.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Căn cứ vào các tài liệu nguyên đơn và bị đơn cung cấp có trong hồ sơ và kết quả xác minh của cấp sơ thẩm thấy: Ngày 22/4/2008, Ngân hàng đã ký hợp đồng hạn mức tín dụng với Công ty. Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 3 vào ngày 8/4/2008 thì Công ty Toàn Cầu có 02 thành viên góp vốn: ông Phạm Quốc Thắng góp 10 tỷ đồng (66.67%) và ông Phạm Anh Tuấn góp 05 tỷ đồng (33,33%). Đến ngày 7/8/2008 ông Thắng, Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Công ty bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bị xử phạt chung thân. Trong quá trình thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, cấp sơ thẩm vẫn xác định ông Thắng là người đại diện theo pháp luật. Mặc dù tại phiên tòa sơ thẩm ông Thắng đã từ chối sự có mặt tại phiên tòa nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử vụ án.
Tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 139 ngày 5/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn bổ sung bổ sung về một số quyền và nghĩa vụ của thành viên Công ty TNHH quy định: Đối với Công ty TNHH có 02 thành viên nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của Công ty bị tam giữ, tạm giam… thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của Công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên. Như vậy từ ngày 8/8/2008 ông Phạm Anh Tuấn là thành viên thứ 2 của Công ty đương nhiên là người đại diện thep pháp luật của Công ty TNHH Toàn Cầu. Cấp sơ thẩm không đưa ông Phạm Anh Tuấn thay thế ông Phạm Quốc Thắng là người đại diện theo pháp luật để tiến hành giải quyết vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự.
Do vi phạm nghiêm trọng trong việc xác định tư cách người tham gia tố tụng của bị đơn nên cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
2. Vụ án tiếp theo“ Tranh chấp Hợp đồng thuê khoán tài sản”:
Nội dung vụ án:
Ngày 28/7/2004, Hợp tác xã (HTX) Bình Vinh ký hợp đồng “Thuê tài sản” số 02/2004 với Công ty TNHH Văn Đỗ do ông Nguyễn Văn Đỗ làm Giám đốc: Thuê 500m2 sân bê tông với thời gian thuê là 20 năm.
Ngày 22/12/2004, ông Đỗ và ông Nguyễn Văn Quang với tư cách là xã viên HTX Bình Vinh đã ký hợp đồng “Về việc khoán tài sản” số 06 với HTX: khoán 500m2 sân bê tông để sản xuất kinh doanh với thời hạn là 20 năm.
Năm 2007, HTX Bình Vinh ký hợp đồng số 07 “Về việc giao khoán tài sản” với ông Nguyễn Văn Đỗ gồm: 925,7 m2, dãy nhà nghỉ gồm 11 phòng, hai nhà lễ tân và một nhà bảo vệ, 01 nhà kho với thời gian nhận khoán là 20 năm.
Sau đó ngày 18/11/2009, HTX Bình Vinh và ông Nguyễn Văn Đỗ ký ba phụ lục hợp đồng số 01, 02, 03 để điều chỉnh tăng giá thuê khoán đối với các hợp đồng trên.
Mặc dù thời hạn thực hiện hợp đồng mà HTX Bình Vinh đã ký kết với bị đơn chưa hết nhưng do HTX Bình Vinh không phát huy được lợi thế từ vị trí thửa đất được nhà nước giao, nên ngày 02/7/2010 Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ra quyết định số 199 thu hồi thửa đất nói trên và giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Vinh xử lý. Tuy nhiên, từ khi có quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân tỉnh đến nay các bị đơn là Công ty TNHH Văn Đỗ, ông Nguyễn Văn Đỗ, ông Nguyễn Văn Quang không chịu thanh lý hợp đồng, bàn giao tài sản đã thuê, khoán tài sản để HTX Bình Vinh giao trả lại cho Nhà nước do vậy HTX Bình Vinh làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị giải quyết.
Về phía thiệt hại: HTX Bình Vinh yêu cầu các bị đơn phải bồi thường thiệt hại tổng số tiền 210.064.000 đồng.
Quá trình giải quyết vụ án ngày 22/4/2011 và ngày 10/6/2011 phía bị đơn phản tố yêu cầu nguyên đơn phải bồi thường thiệt hại với số tiền là 10.137.480.684 đồng do bị đơn đã chi phí đầu tư.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 08 ngày 01/9/2011 Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã áp dụng Điều 25, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự; các điều 122, 127, 134, 425, 480 và 501 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 106 Luật đất đai năm 2003 tuyên bố: Các hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa HTX Bình Vinh với các bị đơn là vô hiệu; chấp nhận sự thỏa thuận của HTX Bình Vinh là trả nợ cho Công ty TNHH Văn Đỗ số tiền 82.000.000 đồng; HTX Bình Vinh trả cho ông Nguyễn Văn Đỗ khoản tiền chi phí tháo dỡ xây dựng thêm tài sản theo hợp đồng 07 là 136.012.000 đồng; ông Nguyễn Văn Đỗ phải trả cho HTX Bình Vinh số tiền trị giá tài sản còn lại khi nhận khoán theo hợp đồng số 07 là 11.791.758 đồng.
Về án phí: Buộc HTX Bình Vinh phải chịu 9.500.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm; Buộc ông Nguyễn Văn Đỗ và ông Nguyễn Văn Quang phải chịu 172.000.000 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm được khấu trừ 59.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí phản tố, ông Đỗ và ông Quang phải nộp tiếp 113.000.000 đồng.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
- Bỏ sót yêu cầu khởi kiện của đương sự: Theo đơn khởi kiện của HTX Bình Vinh yêu cầu Tòa án buộc Công ty TNHH Văn Đỗ và các ông Nguyễn Văn Đỗ, Nguyễn Văn Quang trả lại tài sản mặt bằng đất đã thuê để HTX Bình Vinh trả lại đất cho Nhà nước theo quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, đây là mấu chốt của vụ án nhưng yêu cầu này đã không được cấp sơ thẩm xem xét và quyết định trong bản án là bỏ sót yêu cầu của nguyên đơn,đồng thời mâu thuẫn với nguyên tắc xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu, làm cho vụ án không được giải quyết triệt để và gây khó khăn cho công tác thi hành án. Đối với khoản tiền HTX Bình Vinh yêu cầu các bị đơn bồi thường 210.064.000 đồng, tuy có được xem xét trong phần nhận định nhưng không được tuyên trong phần quyết định của bán án (chấp nhận hay không chấp nhận) là bỏ sót yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn: Căn cứ vào các nội dung phản tố từ các yêu cầu phản tố của bị đơn là hợp lệ Tòa án phải xem xét giải quyết nhưng đối với khoản tiền mà ông Đỗ, ông Quang yêu cầu HTX Bình Vinh bồi thường thiệt hại cho hai ông trong quá trình đầu tư là 10.137.480.684 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm tuy có xem xét trong phần nhận định nhưng lại không tuyên xử trong phần quyết định của bản án là bỏ sót yêu cầu phản tố của bị đơn.
Tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Đối chiếu với quy định này thấy rằng: mặc dù tuyên các hợp đồng 02, 06 và 07 là vô hiệu nhưng bản án sơ thẩm chưa làm rõ mức độ lỗi của các bên đương sự khi ký kết hợp đồng vô hiệu và những thiệt hại phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng để làm cơ sở giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điều 137 Bộ luật tố tụng dân sự là thiếu sót, chưa được xem xét triệt để trong việc giải quyết vụ án.
- Về án phí: Tòa án cấp sơ thẩm đã có những sai sót nghiêm trọng khi yêu cầu phản tố của ông Đỗ, ông Quang yêu cầu Tòa án Bình Vinh phải bồi thường thiệt hại 10.137.480.684 đồng không được tuyên trong phần quyết định của bản án, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại tuyên buộc nghĩa vụ phải chịu án phí 172.000.000 đồng đối với hai ông về những yêu cầu phản tố của họ là không đúng pháp luật. Tương tự như vậy đối với khoản tiền 210.064.000 đồng mà HTX Bình Vinh yêu cầu các bị đơn bồi thường cũng không được tuyên xử trong phần quyết định của bản án nhưng lại buộc họ phải chịu nghĩa vụ án phí là không đúng pháp luật. Đồng thời việc tính toán số tiền án phí các đương sự phải chịu chưa chính xác theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.
Về số tiền tạm ứng án phí đã nộp của Công ty TNHH Văn Đỗ không được đề cập xử lý trong bản án sơ thẩm cũng là vi phạm thủ tục tố tụng.
Ngoài ra trong quá trình nghiên cứu vụ án cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn có nhiều đơn và trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành hai bản án, cụ thể: Sau khi xử sơ thẩm, ngày 149/2011 bị đơn nhận được bản án số 08 ngày 01/9/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An; một thời gian sau bị đơn lại nhận được tiếp một bản án số hiệu như trên kèm theo miếng giấy dán ở góc trái trang 1 với nội dung “Bản án này thay thế bản án trước”. Qua so sánh hai bản án thấy về các phần nhận định và đánh giá của hai bản án là giống nhau, nhưng có sự khác nhau về số liệu tại trang 13 và 14. Theo quy định tại Điều 240 Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại mục 12, chương III Nghị quyết số 02 ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì việc sửa chữa bản án phải được thể hiện dưới dạng thông báo và theo mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết. Đối chiếu với quy định này thì việc Tòa án không ra thông báo mà tùy tiện sửa trực tiếp vào bản án là trái quy định của pháp luật và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Với những phân tích và đánh giá chính xác những sai phạm nghiêm trọng của bản án cấp sơ thẩm, đồng thời đưa ra những chứng cứ có căn cứ mang tính thuyết phục cao nên kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã được Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận toàn bộ kháng nghị, hủy án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung.
Đây là một vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm có nhiều sai phạm cả về tố tụng và nội dung được Viện kiểm sát cùng cấp phát hiện và kịp thời kháng nghị đạt chất lượng cao, Viện phúc thẩm 1 thấy cần phải thông báo để các Viện kiểm sát địa phương tham khảo, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định tại Điều 21, 250 Bộ luật tố tụng dân sự nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ án được khách quan, chính xác và đúng pháp luật.
Tìm kiếm