Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09/6/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2001 thay thế Luật hôn nhân và gia đình năm 1986. Ngày17/6/2010, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII thông qua Luật nuôi con nuôi...
Những vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình áp dụng Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 ở tỉnh Quảng Ninh
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09/6/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2001 thay thế Luật hôn nhân và gia đình năm 1986. Ngày17/6/2010, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII thông qua Luật nuôi con nuôi.
Với 13 chương gồm 110 điều, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về các quan hệ pháp luật phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Các mối quan hệ chủ yếu được đề cập trong Luật là: Kết hôn; quan hệ vợ chồng; quan hệ cha, mẹ và con; quan hệ ông, bà nội ngoại và cháu; quan hệ anh, chị, em và các thành viên trong gia đình; vấn đề cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con, con nuôi; vấn đề giám hộ, ly hôn và quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Sau 12 năm thực hiện, Luật hôn nhân và gia đình (viết tắt là Luật HN&GĐ năm 2000) đã góp phần tích cực xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ. Xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử và bảo vệ quyền ,lợi ích hợp pháp của các thành viên gia đình Việt Nam theo tiêu chí gia đình văn hóa, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững, đáp ứng bước đầu yêu cầu về cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã thụ lý kiểm sát việc giải quyết các vụ án về hôn nhân và gia đình là 19.024 vụ và 1.026 việc (trong đó cấp tỉnh thụ lý kiểm sát 270 vụ, cấp huyện 18.754 vụ và 1.026 việc.
Số vụ, việc tăng bình quân 5,4% theo từng năm. Năm tăng cao nhất 35% (2006).
Đã giải quyết 14.664 vụ (cấp tỉnh 232 vụ, cấp huyện 14.432 vụ và 1.001 việc; đạt trung bình 86,98% năm.
Mặc dù vậy, trong thực tiễn áp dụng Luật HN&GĐ năm 2000 còn một số vướng mắc cần thiết sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau:
Về điều kiện kết hôn: Tại khoản 1 Điều 9 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định về độ tuổi kết hôn “ Nam từ hai mươi mốt trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên”. Theo như quy định trên thì nam, nữ có thể kết hôn khi nam chưa đủ tròn 20 tuổi và nữ chưa đủ tròn 18 tuổi. Với nữ giới, kết hôn chưa đủ tròn 18 là bất cập vì ở tuổi đó họ vẫn là người chưa thành niên, còn đang hưởng trợ cấp dưỡng từ cha mẹ. Theo quy định của Bộ luật dân sự thì họ chưa đủ diều kiện tham gia xác lập một số giao dịch dân sự nhất định, đồng thời chưa đủ điều kiện tham gia tố tụng dân sự ( trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Như vậy cần sửa đổi độ tuổi kết hôn với nữ giới theo hướng quy định 18 tuổi tròn để việc áp dụng được thuận lợi, thống nhất, phù hợp với thực tế.
Về giải quyết việc đăng ký kết hôn và tổ chức đăng ký kết hôn
Điều 13, 14 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định trường hợp đủ điều kiện kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn tổ chức đăng ký kết hôn, nếu một hoặc cả hai bên không đủ điều kiện kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn từ chối và giải thích rõ bằng văn bản. Sau khi thấy hai bên đã có đủ điều kiện kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn xác nhận lại sự tự nguyện kết hôn và trao giấy đăng ký kết hôn cho hai bên.
Thực tế khi đủ điều kiện kết hôn cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp xã ký xác nhận vào Giấy đăng ký kết hôn và cấp cho hai vợ chồng. Việc đăng ký kết hôn chỉ là xác nhận lại một lần nữa việc tự nguyện kết hôn và trao Giấy đăng ký kết hôn cho đôi bên nam, nữ. Do đó quy định thành 2 điều luật 13 và 14 là không cần thiết, mà nên gộp chung vào một điều luật chung là hợp lý.
Về quan hệ hôn nhân khi một bên bị tuyên bố là đã chết mà trở về: Điều 25 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: “ Khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố một người là đã chết theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật dân sự mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân đương nhiên được khôi phục”.
Tuy nhiên, Điều 93 của Bộ luật dân sự lại quy định về trách nhiệm dân sự của pháp nhân. Nội dung Hủy bỏ quyết định tuyên bố một người đã chết, được quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự. Do đó, Điều 26 trên của Luật hôn nhân và gia đình cần được sửa lại cho phù hợp.
Về tài sản chung của hai vợ chồng:
Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định “ quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi có thỏa thuận”. Tuy nhiên điều luật không quy định rõ hình thức của thỏa thuận trên là bằng miệng, văn bản, hay ghi hình… Trình tự của thỏa thuận là như thế nào, dẫn đến cách hiểu và áp dụng trong thực tế không thông nhất, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Về mức cấp dưỡng:
Điều 53 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định “ Mức cấp dưỡng do người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhận, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Thực tế cho thấy, trường hợp mức cấp dưỡng không thỏa thuận được giữa đôi bên, thì Tòa án ấn định, nhưng rất khác nhau. Việc khác nhau mức cấp dưỡng này do điều kiện, hoàn cảnh của người có nghiã vụ cấp dưỡng, nhưng cũng còn do chủ quan của Tòa án ấn định mức cấp dưỡng quá thấp so với mặt bằng sinh hoạt chung, làm mất đi ý nghĩa và tác dụng của việc cấp dưỡng.
Nên quy định mức cấp dưỡng tại điều luật lại là: Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, nhưng mức cấp dưỡng thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm cấp dưỡng.
Vấn đề con nuôi
Chương 8 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định về vấn đề con nuôi. Kể từ ngày 01/01/2011 Luật nuôi con nuôi ra đời và có hiệu lực. Nội dung các điều luật tương ứng của Luật hôn nhân và gia đình từ Điều 67 đến Điều 78 bị bãi bỏ thông qua Luật nuôi con nuôi (Luật số 52/2010/QH 12). Để đảm bảo về hình thức cần xóa bỏ Chương 8 này trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
Về điều kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn:
Điều 85 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định “trong trường hợp vợ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn”.
Thực tế có trường hợp vợ có thai nhưng sau đó sảy thai, chồng yêu cầu xin ly hôn, Tòa án vẫn chấp nhận. Quy định như trên chưa đủ. Cần bổ sung vào điều luật trên nội dung: trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc bị sảy thai trong thời gian nghỉ theo chế độ thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.
Về vấn đề hòa giải ở cơ sở:
Điều 86 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định về việc nhà nước và xã hội khuyến khích hòa giải ở cơ sở khi vợ chồng có yêu cầu xin ly hôn. Thực tế nhiều trường hợp giải quyết ly hôn, còn chưa có việc hòa giải ở cơ sở, hoặc hòa giải lấy lệ cho có thủ tục..Trước sự gia tăng ngày càng nhiều trường họp vợ chồng ly hôn, hậu quả về xã hội với nhiều tiêu cực đang xảy ra đáng báo động. Do đó cần sửa đổi ,bổ sung Điều 86 của luật là với những trường hợp tranh chấp ly hôn, hòa giải tại cơ sở là thủ tục bắt buộc trước khi yêu cầu xin ly hôn, mà không dừng ở “ khuyến khích”.
Về căn cứ cho ly hôn:
Điều 89 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định về giải quyết ly hôn trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích, nhưng điều luật không quy định cụ thể việc phân chia tài sản trong trường hợp này. Do vậy khi giải quyết Tòa án tách riêng phần tài sản, chỉ giải quyết mặt tình cảm. Do đó cần bổ sung quy định rõ thêm về tài sản để áp dụng được triệt để và thống nhất.
Chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp giữa quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 với quy định của các luật, pháp luật có liên quan:
+ Với Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự:
- Điều 9 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định độ tuổi kết hôn là 18. Bộ luật dân sự quy định người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Người từ đủ 16 tuổi cho đến chưa đủ (chưa tròn) 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác. Như vậy, nếu cho người chưa đủ (chưa tròn) 18 tuổi kết hôn sẽ tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật và hạn chế một số quyền của phụ nữ khi xác lập giao dịch dân sự, quyền yêu cầu ly hôn, tạo sự bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng.
- Điều 42 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “ Vợ, chồng hoặc cả 2 người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn”. Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 lại quy định “ trường hợp vợ có thai, hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền xin ly hôn”. Quy định như vậy là chưa đầy đủ các trường hợp loại trừ quyền yêu cầu ly hôn của người chồng.
- Điều 24 Luật hôn nhân và gia đình quy định “ Vợ chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự”. Nhưng Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự quy định “ …đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho cho người khác tham gia tố tụng”. Thực tế các vụ án tranh chấp ly hôn quyền lợi của vợ chồng trái ngược nhau. Cần bổ sung nội dung quy định tại khoản 3 Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 24 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để nội dung này được thực hiện thống nhất.
- Điều 102 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định “ Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú của công dân có thẩm quyền giải quyết các việc liên quan đến hủy hôn nhân trái pháp luật, ly hôn, tránh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng…giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam. Nhưng các Điều 33, Đ 410, Đ 41 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền của Tòa án cấp huyện và thẩm quyền riêng của Tòa án Việt Nam trong tố tụng dân sự lại không đề cập đến vấn đề được quy định ở Điều 102 Luật hôn nhân và gia đình như đã nêu trên. Do đó cần quy định thống nhất, đồng bộ theo hướng: bỏ phần quy định về thẩm quyền giải quyết ở Điều 102, chuyển sang quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự, hoặc bổ sung thêm quy định trên vào Chương 35 Bộ luật tố tụng dân sự để làm căn cứ xác định thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện.
Mâu thuẫn giữa Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 với các văn bản hướng dẫn khác:
+ Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định “ Tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra…tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận”.
Khoản 3 Điều 43 Nghị định 181/2004/CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai quy định về thủ tục làm đăng ký quyền sử dụng đất như “ quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả hai vợ chồng thì ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng”. Trong thực tế một bên vợ hoặc chồng có tài sản là quyền sử dụng đất trước khi kết hôn, nhưng khi kết hôn, Ủy ban nhân dân cấp giấy chứng nhận theo hộ gia đình, có cả tên vợ ,chồng. Như vậy trường hợp này, quyền sở hữu đã được sát nhập thành tài sản chung mà không phải có văn bản thỏa thuận. Do đó cần sửa đổi Điều 27 Luật HN & GĐ năm 2000 cho phù hợp.
+ Về thẩm quyền xác định cha, mẹ cho con, Luật HN&GĐ năm 2000 quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo Điều 64 “ người không được công nhận là cha mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác nhận người đó là con mình. Người được nhận là cha mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình”. Đối với các trường hợp nhận cha, mẹ, con khác, Luật HN&GĐ năm 2000 chỉ quy định quyền được yêu cầu mà không quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết.
Như tại Điều 33 Nghị định số 158/CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ lại quy định trong trường hợp không có tranh chấp, thì “ Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện việc đăng ký cha, mẹ, con…”. Vì vậy, để đảm bảo cho vấn đề nêu trên được thực hiện thống nhất, cần sửa đổi, bổ sung thẩm quyền việc xác định cha, mẹ, con theo hướng: nếu bên được nhận và bên nhận cha, mẹ, con không có tranh chấp thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã làm thủ tục; nếu có tranh chấp thì do Tòa án giải quyết.
Với các quy định của Bộ luật hình sự về nhóm tội vi phạm chế độ hôn nhân gia đình và Thông tư liên tịch số 01 ngày 25/9/2001.
+Trong các tội “ Vi phạm chế độ một vợ một chồng”, “ Tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn”, “ Ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng mình”, “ Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng” quy định tại các Điều 147, Đ 148, Đ 151, Đ152 Bộ luật hình sự, tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “người có nghiã vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “hành vi đã bị xử phạt hành chính” là tình tiết định tội. Tuy nhiên, Thông tư nêu trên các tình tiết này cũng chỉ được hướng dẫn chung chung, thiếu cụ thể, dẫn đến khi các hành vi vi phạm trên được phát hiện nhưng khó áp dụng để xử lý. Do đó cần có hướng dẫn cụ thể, sát hơn để áp dụng được thuận lợi.
Ngoài ra cũng cần bổ sung thêm vào Luật HN&GĐ năm 2000 các chế định về ly thân trong thời kỳ hôn nhân, việc sinh con thuê và thuê sinh con, các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình giữa những người đồng tính cho phù hợp với phát triển xã hội.
Thái Hưng