CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trong ngành KSND

22/02/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐHP của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Kế hoạch số 89/KH-VKSTC ngày 17/10/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và chỉ đạo của Tỉnh uỷ Yên Bái về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện các nội dung tổng kết trong phạm vi của ngành Kiểm sát ở địa phương. Tập trung vào các nội dung sau...
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái
tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trong ngành KSND
 
Thực hiện Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐHP của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Kế hoạch số 89/KH-VKSTC ngày 17/10/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và chỉ đạo của Tỉnh uỷ Yên Bái về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện các nội dung tổng kết trong phạm vi của ngành Kiểm sát ở địa phương. Tập trung vào các nội dung sau:
* Về hoạt động của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tỉnh
Hiến pháp năm 1992 quy định việc thành lập Uỷ ban kiểm sátViện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã được thành lập. Qua hoạt động thực tiễn thấy rằng hoạt động của Uỷ ban kiểm sát ở Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là cần thiết bởi những vấn đề quan trọng trước đây do cá nhân Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh quyết định thì nay chuyển cho tập thể Uỷ ban kiểm sát chịu trách nhiệm. Cơ chế này đã đề cao chế độ làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành Kiểm sát nhân dân, đề cao tính độc lập của Viện kiểm sát, kết hợp với chế độ bàn bạc tập thể khi Viện kiểm sát quyết định những vấn đề quan trọng; góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
* Về sự giám sát của Hội đồng nhân dân với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện
Thực hiện Điều 40, Hiến pháp năm 1992 về việc "Viện trưởng các VKSND địa phương chịu trách nhiệm báo cáo trước Hội đồng nhân dân về tình hình thi hành pháp luật ở địa phương và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân", Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp ở Yên Bái luôn tôn trọng vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo và trả lời chất vấn trước Hội đồng nhân dân cùng cấp. 
* Về thực hiện chức năng của Viện kiểm sát theo Điều 40 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi)
- Thực hiện Điều 40, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) về việc không giao cho Viện kiểm sát chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội; Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp ở Yên Bái đã điều chuyển cán bộ, tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nâng cao trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát việc bắt, giam, giữ, kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án, đáp ứng yêu cầu xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội.  
- Trong công tác kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh Yên Bái có nhiều cố gắng trong việc nắm và quản lý thông tin tội phạm, đảm bảo tiến độ điều tra vụ án, hạn chế sự lạm dụng quyền hạn trong việc áp dụng các biện pháp tạm giam của Cơ quan điều tra; kiểm sát từ đầu việc thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra, bảo đảm việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố người phạm tội có căn cứ, đúng pháp luật; nếu hồ sơ không đảm bảo kiên quyết trả yêu cầu điều tra bổ sung, yêu cầu khắc phục thiếu sót, vi phạm.
- Trong công tác kiểm sát xét xử, Viện kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ việc xét xử tại phiên tòa, phát hiện và kháng nghị, kiến nghị với Tòa án về các trường hợp thiếu sót về việcáp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.  
- Trong công tác kiểm sát thi hành án hình sự và kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, Viện kiểm sát tập trung kiểm sát việc áp dụng căn cứ tạm giữ, tạm giam, phân loại giam, giữ, việcthực hiện chế độ đối với người bị giam, giữ theo đúng quy định của pháp luật. Khi phát hiện những người bị tạm giữ, tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật, Viện kiểm sát ra quyết định trả tự do.
- Trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực dân sự, hành chính và thi hành án dân sự; trung kiểm sát việc giải quyết các tranh chấp về đất đai, nhà ở, về quyền sở hữu tài sản, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động… Đã ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật, đồng thời tổng hợp tình hình, kiến nghị các cơ quan có biện pháp giải quyết các điểm nóng, khiếu kiện bức xúc, kéo dài, góp phần thực hiện tốt hơn quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội ở địa phương.
 Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp về Viện kiểm sát nhân dân
* Về việc kiểm tra, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước
Trong hơn 40 năm thực hiện công tác kiểm sát chung, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã góp phần quan trọng vào việc củng cố trật tự pháp luật và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Từ năm 2002, Viện kiểm sát nhân dân không thực hiện công tác kiểm sát chung, mà giao cho cơ quan thanh tra, tư pháp. Thực tế sau khi Viện kiểm sát nhân dân không làm công tác kiểm sát văn bản xảy ra tình trạng nhiều văn bản ban hành trái với Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, việc kiểm tra, xử lý hạn chế, né tránh, ngại va chạm... Đề nghị khi sửa đổi Hiến pháp lần này, cần tổng kết, đánh giá kết quả công tác kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội của các cơ quan đã được giao nhiệm vụ từ năm 2002 đến nay về ưu điểm, nhất là công tác kiểm tra, giám sát việc ban hành văn bản Quy phạm pháp luật.
* Về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ “bảo đảm tốt hơn các điều kiện để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Vì vậy, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất với Đảng và Nhà nước khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cần tiếp tục quy định Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp như quy định tại Điều 137 Hiến pháp hiện nay và tiếp tục quy định Viện kiểm sát nhân dân là một hệ thống cơ quan độc lập trong bộ máy nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, trong Hiến pháp sửa đổi tới đây cần quy định Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. 
Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát nhân dân nhân danh Nhà nước để đưa ra các quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu, buộc các chủ thể có liên quan phải có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành. Vì vậy đề nghị khi sửa đổi Hiến pháp lần này cần quy định rõ các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.
* Cùng với việc quy định Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp như quy định tại Điều 137, Hiến pháp hiện nay, cần sửa đổi các quy định trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các văn bản pháp luật có liên quan để Viện kiểm sát có đủ điều kiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cần quy định cụ thể trong luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật tố tụng hình sự các nội dung sau: 
Một là, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu các cơ quan (bao gồm Cơ quan điều tra, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cũng như các tổ chức khác và cá nhân) cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết cho việc xác định dấu hiệu tội phạm nhằm phục vụ cho công tác kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Hai là, cần quy định việc mở rộng phạm vi Viện kiểm sát thực hiện quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo hướng: Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, khi có căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố, nếu yêu cầu đó không được Cơ quan điều tra thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và yêu cầu điều tra như trước đây đã có quy định này.
Ba là, cần giao cho Viện kiểm sát thẩm quyền trực tiếp tiến hành điều tra đối với những vụ án nhất định mà Viện kiểm sát có khả năng điều tra khi xét thấy cần thiết (ngoài các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp).
* Về tổ chức hệ thống Viện kiểm sát nhân dân
Tổ chức hệ thống của Viện kiểm sát hiện nay cơ bản là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Tuy vậy, có một số vấn đề sau đây cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng. Trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị có đặt vấn đề nghiên cứu tổ chức hệ thống Toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm: Toà án sơ thẩm khu vực; Toà án phúc thẩm; Toà thượng thẩm và Toà án nhân dân tối cao. Đồng thời, Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Toà án. Cơ quan điều tra trước mắt thực hiện mô hình tổ chức theo pháp luật hiện hành. Để đảm bảo tính độc lập của Toà án trong hoạt động xét xử thì việc tổ chức hệ thống Toà án như Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị là phù hợp, có tính khả thi do hoạt động xét xử mang tính độc lập cao và tương đối ổn định, không phụ thuộc nhiều vào hoạt động của các cơ quan tư pháp khác. Nhưng trong thực tế thì Viện kiểm sát trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải gắn với hoạt động hàng ngày của Cơ quan điều tra, kiểm sát các hoạt động điều tra. Nếu tổ chức của Viện kiểm sát theo hệ thống tổ chức của Toà án, trong khi Cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên theo mô hình hiện nay thì hoạt động của Viện kiểm sát khu vực sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. 
Các Nghị quyết của Trung ương Đảng luôn nhấn mạnh phải “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Do đó, hệ thống tổ chức Viện kiểm sát không những phải phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án mà còn phải được tổ chức để bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra. Chúng tôi đề nghị, ở những nơi mà Viện kiểm sát nhân dân khu vực có địa bàn hoạt động rộng, địa hình phức tạp, nhất là miền núi thì cần nghiên cứu để thành lập các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc của Viện kiểm sát nhân dâm khu vực đặt tại những địa bàn tương ứng với địa hạt của Cơ quan điều tra cấp huyện, để bảo đảm việc tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn kết chặt chẽ, liên tục hoạt động công tố với hoạt động điều tra.
* Về các chức danh pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân
- Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002 trước đây quy định ngạch bậc Kiểm sát viên theo cấp hành chính (Kiểm sát viên huyện, Kiểm sát viên tỉnh…), trong thực tiễn đã gây bất cập trong việc điều động, sử dụng cán bộ và thực hiện chế độ chính sách đối với Kiểm sát viên. Pháp lệnh về Kiểm sát viên viện kiểm sát nhân dân năm 2011 đã điều chỉnh lại là Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp...
Trên thực tế, tiêu chuẩn để bổ nhiệm Kiểm sát viên phải là nhừng cán bộ đã có trình độ Đại học, vì vậy, việc sử dụng những từ “Kiểm sát sơ cấp”, “Kiểm sát trung cấp” là không phù hợp, cần phải được nghiên cứu sửa đổi.
Chúng tôi đề nghị nên quy định ngạch Kiểm sát viên như sau: Kiểm sát viên (tương ứng với tiêu chuẩn Kiểm sát viên sơ cấp hiện nay); Kiểm sát viên chính (tương ứng như tiêu chuẩn Kiểm sát viên trung cấp hiện nay) và Kiểm sát viên cao cấp (tương ứng như tiêu chuẩn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao hiện nay). Theo đó, ở Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có Kiểm sát viên và một số Kiểm sát viên chính; ở Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Kiểm sát viên chính, một số Kiểm sát viên và một số Kiểm sát viên cao cấp; ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên chính và có cả Kiểm sát viên. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên nói chung theo quy định của pháp luật liên quan nhưng nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các ngạch Kiểm sát viên ở mỗi cấp sẽ do Viện trưởng cấp đó phân công trên cơ sở quy định chung của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Về công chức và công chức lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân, tại khoản 2 Điều 31; khoản 2 Điều 34; khoản 2 Điều 36 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 quy định Viện kiểm sát nhân dân các cấp gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và các Kiểm sát viên (riêng ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thêm Điều tra viên). Theo chúng tôi, quy định như vậy là chưa đầy đủ, vì thực tế ở Viện kiểm sát nhân dân các cấp ngoài các chức danh pháp lý nói trên còn có các Kiểm tra viên, các loại công chức khác làm nhiệm vụ phục vụ, hậu cần hoặc những người tuy làm nghiệp vụ nhưng chưa được bổ nhiệm chức danh pháp lý. Vì vậy, khi sửa đổi Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cần nghiên cứu quy định rõ thêm, bao quát được hết tất cả các ngạch công chức có trong bộ máy của Viện kiểm sát các cấp./.
Tìm kiếm