Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) đang được Toà án nhân dân tối cao soạn thảo, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2010). Phóng viên báo BVPL đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử, Toà án nhân dân tối cao, Tổ trưởng Tổ soạn thảo dự án luật về những điểm mới của Dự luật...
Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS:
Mở rộng phạm vi Viện kiểm sát tham gia các vụ việc dân sự
Mặt trái của quá trình đô thị hoá dẫn đến phát sinh nhiều tranh chấp dân sự
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) đang được Toà án nhân dân tối cao soạn thảo, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2010). Phóng viên báo BVPL đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử, Toà án nhân dân tối cao, Tổ trưởng Tổ soạn thảo dự án luật về những điểm mới của Dự luật:
PV: Xin ông cho biết, những điểm mới cơ bản của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự ?
Ông Nguyễn Văn Cường: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS có đề xuất sửa đổi, bổ sung 126 điều, trong đó sửa đổi 73 điều, bổ sung thêm 43 điều và bãi bỏ 10 điều. Về nội dung, dự luật gồm 8 nhóm vấn đề cơ bản: vấn đề triển khai án lệ trong hoạt động xét xử; việc tham gia tố tụng của Viện kiểm sát; việc áp dụng thủ tục xét xử đơn giản; việc Tòa án công nhận kết quả hoà giải thành một số loại tranh chấp dân sự thông qua hòa giải ở cơ sở; việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện; vấn đề chứng cứ và chứng minh; vấn đề hoà giải và chuẩn bị xét xử và về thủ tục giám đốc thẩm.
Trong đó, vấn đề án lệ, vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, áp dụng thủ tục xét xử đơn giản và công nhận kết quả hoà giải tại cơ sở là những vấn đề rất mới.
PV: Về vai trò của VKSND, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định ngành Kiểm sát phải tham gia vào việc giải quyết vụ việc dân sự với vai trò người tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo việc xét xử được chính xác. Vấn đề này được Ban soạn thảo quy định trong dự luật như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Cường: Vấn đề này, trong quá trình soạn thảo dự luật, chúng tôi nhận được nhiều quan điểm khác nhau, có tới 4 quan điểm. Tuy nhiên chúng tôi thống nhất đưa quan điểm thứ 4 vào trong dự thảo: Viện kiểm sát tham gia ở cấp sơ thẩm đối với những vụ án mà có đương sự là những người yếu thế và những vụ việc liên quan đến tài sản của nhà nước. Còn ở cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm, Viện kiểm sát tham gia tất cả các vụ việc. Việc quy định này có mở rộng phạm vi Viện kiểm sát tham gia các vụ việc dân sự hơn so với Bộ luật TTDS hiện hành và đảm bảo bản án, quyết định ban hành đúng pháp luật, giảm thiểu những vụ việc cải sửa, huỷ án như hiện nay.
PV: Đưa án lệ vào dự luật là vấn đề rất mới ở nước ta. Vậy việc đưa án lệ vào luật sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với công tác xét xử của toà án hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cường: Theo Từ điển tiếng Việt thì "lệ" có nghĩa là: "Điều quy định có từ lâu đã trở thành nền nếp, mọi người cứ theo thế mà làm". Theo nguyên tắc này, một phán quyết của Tòa án ngoài ý nghĩa là cách giải quyết một vụ án cụ thể, còn có ý nghĩa thiết lập ra một “tiền lệ” để áp dụng cho những vụ án tương tự sau này, tạo ra sự bình đẳng trong việc xét xử các vụ án giống nhau, giúp tiên lượng được kết quả của các vụ tranh chấp; tiết kiệm công sức của các Thẩm phán và các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tranh tụng vì sử dụng những tình huống tương tự đã được giải quyết làm căn cứ giải quyết vụ việc; ngoài ra án lệ còn có ý nghĩa giúp các bên lưu ý khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng khi tham gia các giao dịch dân sự, thương mại…
Ở nước ta, vấn đề án lệ chưa được thừa nhận một cách chính thức với tư cách là một nguồn trong hệ thống pháp luật, nhưng án lệ (hay tiền lệ án) đang được vận dụng trong giải quyết các vụ việc dân sự. Khi xét xử, Toà án các cấp dựa rất nhiều vào các phán quyết trước đó của Toà án cấp trên, cụ thể: tham khảo cách thức giải quyết của Toà án cấp trên, đặc biệt Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị: "Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm". Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS đã triển khai nghiên cứu, khảo sát để đưa án lệ vào công tác xét xử. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau: có ý kiến cho rằng ở Việt Nam triển khai theo hệ thống luật thành văn, không nên đưa án lệ vào công tác xét xử. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng, cần đưa án lệ vào công tác xét xử, có thể theo hệ thống pháp luật án lệ “Common Law” hay hệ thống pháp luật dân sự “Civil Law”.
Chúng tôi cho rằng, cần nghiên cứu tiếp thu ưu điểm của án lệ theo hệ thống pháp luật dân sự (Civil Law). Theo đó, bản án của Toà án cấp trên có ý nghĩa để Thẩm phán Toà án cấp dưới tham khảo giải quyết những vụ án tương tự. Đối với trường hợp Toà án cấp trên huỷ bản án, quyết định của Toà án cấp dưới thì bản án, quyết định của Toà án cấp trên có ràng buộc nhất định đối với Toà án cấp dưới.
PV: Quy định áp dụng án lệ để giải quyết vụ án có thể dẫn tới tình trạng lạm quyền khi xét xử không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cường: Điều này rất khó xảy ra. Vì khi xét xử thì thẩm phán phải tuân theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Hiến pháp, Toà án chỉ có quyền áp dụng pháp luật chứ không được giải thích luật, không có quyền tạo ra luật, việc xét xử của Toà án phải đảm bảo nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Như tôi đã phân tích ở trên thì đưa án lệ vào công tác xét xử chỉ có ý nghĩa khi xét xử Toà án cấp dưới phải tham khảo cách giải quyết những vụ án tương tự của toà án cấp trên, tức là khi xét xử Thẩm phán phải có trách nhiệm thu thập tất cả những vụ án tương tự của Toà án cấp trên để tham khảo, đặc biệt những vụ án được xem là án lệ. Đối với trường hợp Toà án cấp trên huỷ bản án, quyết định của Toà án cấp dưới thì bản án, quyết định của Toà án cấp trên có ràng buộc nhất định đối với Toà án cấp dưới (Toà án cấp dưới phải phân tích những nhận định của Toà án cấp trên, nếu thấy đúng pháp luật phải tuân theo, nếu trái pháp luật phải đưa ra căn cứ nhất định để không tuân theo). Quy định này nhằm tránh tình trạng Toà án cấp dưới không thực hiện những nhận định có cơ sở và đúng pháp luật của Toà án cấp trên.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thu Thuỷ (thực hiện)