Ngày 02/8/2013, Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tới toàn thể cán bộ, đảng viên Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao...
HỘI NGHỊ QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 KHÓA XI
Nhà báo Nguyễn Hoàng Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo
Thành ủy Hà Nội giới thiệu nội dung Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI
Ngày 02/8/2013, Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tới toàn thể cán bộ, đảng viên Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tại hội nghị, nhà báo Nguyễn Hoàng Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, báo cáo viên Trung ương phổ biến, quán triệt một số nội dung cơ bản của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 khóa XI. Theo đó, đại biểu được học tập, nghiên cứu, quán triệt nội dung các chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; “Tiếp thu ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”; “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; “Một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”; “Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay””.
Đại biểu dự hội nghị
Về các nội dung cụ thể, Nghị quyết một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở quán triệt mục tiêu, quan điểm và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị trên từng lĩnh vực. Xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất tư tưởng, chính trị vững vàng; đạo đức, lối sống lành mạnh; có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị phải phù hợp, đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế; thống nhất giữa các tổ chức trong toàn hệ thống, bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Kiện toàn tổ chức bộ máy phải đi đôi với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; gắn liền với đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng.
Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất của công tác dân vận trong tình hình mới chính là tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận để củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo ra phong trào quần chúng rộng lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chuyên đề Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo, định hướng các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và Quốc hội để hoàn thiện bản dự thảo. Các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến hợp lý của nhân dân để góp phần hoàn thiện bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong quá trình hoàn thiện bản dự thảo Hiến pháp, cần bám sát quan điểm, định hướng của Đảng được thể hiện trong Cương lĩnh, các văn kiện của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, về những quan điểm cơ bản, định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là đối với những vấn đề cơ bản, mang tính nguyên tắc, liên quan đến bản chất của chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bộ máy nhà nước, an ninh, quốc phòng.
Nội dung Nghị quyết về một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, tiếp tục quán triệt và kiên trì thực hiện các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu và định hướng về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công đã ghi trong các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương. Trên cơ sở đó, thống nhất nhận thức trong Đảng, trong xã hội và quyết tâm chính trị cao trong việc ban hành và thực hiện chính sách, nhất là việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương của khu vực sự nghiệp công lập phù hợp với kinh tế thị trường.
Về Nghị quyết “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, báo cáo viên phân tích, làm rõ quan điểm và các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 trên từng lĩnh vực. Qua đó giúp đại biểu hiểu rõ, nắm chắc các nhiệm vụ trọng tâm cho từng lĩnh vực cũng như các giải pháp chủ yếu cần triển khai, thực hiện.
Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với những bước đi vững chắc, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Trường Thanh - Quốc Hưng