CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hội nghị rút kinh nghiệm thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm hạn chế vi phạm và tội phạm trong ngành Kiểm sát nhân dân

10/11/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 10/11/2023, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm hạn chế vi phạm và tội phạm trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao
 phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Duy Giảng.

Hội nghị tổ chức trực tiếp tại Trụ sở VKSND tối cao, kết nối trực tuyến đến các điểm cầu của ngành Kiểm sát nhân dân, bao gồm: Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh; Đại diện Văn phòng VKSND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; Viện kiểm sát quân sự trung ương; Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Viện kiểm sát quân sự khu vực; VKSND cấp cao tại Đà Nẵng; VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh; VKSND cấp tỉnh, cấp huyện.

Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
 phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
 phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có các Kiểm sát viên VKSND tối cao; Lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao; Lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội; Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định.

Tại Hội nghị, đại biểu đã xem video clip về nội dung báo cáo của Hội nghị. Theo đó, trong những năm qua, tình hình vi phạm, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về việc phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã tập trung chỉ đạo quyết liệt Cơ quan điều tra VKSND tối cao và Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) kịp thời phát hiện, giải quyết nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng xảy ra trong hoạt động tư pháp do người phạm tội là cán bộ, lãnh đạo, người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan tư pháp thực hiện. Qua đó góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp; cảnh tỉnh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp nhằm xây dựng hệ thống tư pháp liêm chính, nghiêm minh.

Để góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nhằm giúp Lãnh đạo VKSND các cấp ý thức trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và giúp cán bộ, Kiểm sát viên nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị nhằm rút kinh nghiệm về những vi phạm, sai phạm đã xảy ra thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, nhận diện những dạng hành vi vi phạm có tính phổ biến đã được phát hiện, xử lý trong thời gian qua, từ đó giúp cán bộ toàn Ngành nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ, nhằm hạn chế vi phạm và tội phạm trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, các đại biểu tập trung tham luận về những nội dung sau: Đánh giá thực trạng hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp; các nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó; giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp và kinh nghiệm nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Đồng chí Lại Văn Loan, Vụ trưởng Vụ 6 phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Lê Xuân Lộc, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao
 phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nghiêm Trọng Tân, Trưởng phòng thuộc Thanh tra VKSND tối cao
phát biểu tại Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại các điểm cầu

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao công tác chuẩn bị tài liệu Hội nghị của 03 đơn vị: Vụ 6, Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Thanh tra VKSND tối cao; đồng thời nêu rõ, những năm gần đây, Đảng ta có chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng đã ban hành nhiều quy định nhằm mục đích kiểm soát quyền lực, qua đó thể hiện quyết tâm chính trị của Ðảng nhằm xây dựng, phát triển một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực.

Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh ý nghĩa, mục đích của việc tổ chức Hội nghị nhằm làm chuyển biến nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn thể Lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân trong việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương khi thực thi công vụ.

Toàn cảnh Hội nghị

Để làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, hạn chế vi phạm và tội phạm trong ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đề ra một số yêu cầu đối với VKSND các cấp.

Trước hết, Viện trưởng VKSND các cấp, Thủ trưởng các đơn vị phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao trong thực hiện nhiệm vụ. Người đứng đầu phải rà soát, đánh giá lại lĩnh vực đơn vị mình phụ trách để nhận thấy rõ nguy cơ vi phạm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, từ đó chủ động phòng ngừa và chấn chỉnh kịp thời. Trong quá trình phân công nhiệm vụ, Lãnh đạo VKSND các cấp phải kết hợp với thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi sai phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật nghiệp vụ của Ngành; tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên nắm vững pháp luật, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Đối với Kiểm sát viên, phải chấp hành nghiêm các các quy định pháp luật, quy chế nghiệp vụ và các văn bản hướng dẫn của Ngành trong mỗi khâu công tác; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; tăng cường trách nhiệm, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp; nghiêm cấm việc nể nang trong thực thi nhiệm vụ dẫn đến vi phạm hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp.

Bên cạnh đó, VKSND cấp trên phải trên phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực công tác nhằm phát hiện vi phạm, thiếu sót của VKSND cấp dưới để chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Ngoài ra, từng đơn vị VKSND cấp dưới cần quan tâm thực hiện tốt công tác tự thanh tra, kiểm tra nội bộ và chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng, bởi đây là nội dung có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, hạn chế các vi phạm, tội phạm xảy ra trong ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị Lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND các cấp đề cao vai trò, trách nhiệm, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế nghiệp vụ của Ngành và các yêu cầu được nêu tại Hội nghị này.

TL - HQ
Tìm kiếm