Ngày 04/11/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Dự án “Chương trình đối tác tư pháp” tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. PGS - TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng Ban soạn thảo dự và chủ trì hội thảo. Cùng dự có đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo Viện kiểm sát nhân dân tối cao...
HỘI THẢO KHOA HỌC
“Hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”
Đ/c Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc hội thảo
Ngày 04/11/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Dự án “Chương trình đối tác tư pháp” tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. PGS - TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng Ban soạn thảo dự và chủ trì hội thảo. Cùng dự có đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các cơ quan: Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện nhà nước và pháp luật, Tổng cục Hải quan, Tòa án Quân sự Trung ương, Đại học Kiểm sát Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia, Học viện Tư pháp, Học viện Cảnh sát nhân dân và các thành viên Tổ giúp việc Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) tham dự hội thảo.
Đ/c Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cám ơn sự có mặt tham gia đóng góp ý kiến của các các nhà khoa học, các diễn giả, các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn thảo luận về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung tại vào Hội thảo khoa học. Đồng chí Viện trưởng nhấn mạnh, thực hiện chương trình xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) của Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành hữu quan. Đây là dự án rất quan trọng, không chỉ liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp mà có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, đến con người, quyền công dân, thể hiện tính tôn nghiêm và giá trị văn minh của nền tư pháp. Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, yêu cầu sửa đổi, bổ sung, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã thể chế hóa một bước chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, tháo gỡ những khó khăn đặt ra từ thực tiễn. Tổng kết 10 năm thi hành Bộ luật cho thấy, tỷ lệ phát hiện tội phạm cao hơn; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có chuyển biến tích cực; quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự ngày càng được quan tâm bảo đảm. Đồng chí Viện trưởng đề nghị đại biểu dự hội thảo tham gia ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cao góp phần cùng ngành Kiểm sát hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao cho.
Đ/c Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, có 08 tham luận do các Giáo sư, Tiến sỹ, chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn trình bày nội dung và những vấn đề đặt ra đối với sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Nội dung của các chế định gồm: Hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự và những vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; tiếp nhận, giải quyết và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm - Đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự; chủ trương của Đảng về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra - Những vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự; sửa đổi chế định chứng cứ trong Bộ luật tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử - Những vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự; những tư tưởng mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2012 nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Các đại biểu dự hội thảo khoa học
Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo về các quy định đề xuất sửa đổi, bổ sung của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (sửa đổi). Các ý kiến của các đại biểu đều tập trung phân tích sâu các nội dung liên quan như: Cần quy định hợp lý chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tố tụng để phát hiện chính xác, kịp thời mọi tội phạm và người phạm tội; thiết lập các cơ chế giám sát hiệu quả đối với quá trình tiến hành tố tụng, nhất là cơ chế giám sát từ bên ngoài hệ thống, chống lạm quyền; bổ sung các thiết chế nhằm tận dụng các nguồn chứng cứ, tăng giá trị chứng minh của các kết quả tố tụng, khắc phục cho được những bất cập trong thực tiễn đấu tranh chống tội phạm hiện nay; có cơ chế bảo vệ tốt hơn quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia tố tụng, thực hiện tranh tụng tại phiên tòa…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Nghĩa Mai ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học đối với việc xây dựng “Hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập qua thực tiễn 10 năm thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực nhấn mạnh, việc xây dựng, hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự cần tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm tố tụng hình sự các nước, phù hợp với đặc điểm cụ thể mô hình tố tụng hình sự ở nước ta. Bảo đảm việc giải quyết mang tính kế thừa, tôn trọng, có tư tưởng tiến bộ. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực đề nghị thành viên Ban soạn thảo tiếp tục tham gia xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự dựa trên Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực tin tưởng trong thời gian tới, với tinh thần trách nhiệm cao tập trung trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học và đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm phán trong việc xây dựng, hoàn thiện Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tiến trình cải cách tư pháp, từng bước xã hội hóa một số hoạt động tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh và hiệu lực cao.
Quốc Hưng