CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

HỘI THẢO KHOA HỌC “Hoàn thiện chế định biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự”

16/09/2013
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 16/9/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện chế định biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự”. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có đồng chí Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội...
HỘI THẢO KHOA HỌC

“Hoàn thiện chế định biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự”

 

Đ/c  Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao phát biểu tại hội thảo

Ngày 16/9/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện chế định biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự”. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có đồng chí Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các cơ quan: Ủy ban tư pháp Quốc hội, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Vụ Pháp chế Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, Bộ Quốc Phòng, Tòa án Quân sự Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Đại học Kiểm sát Hà Nội, Đại học Quốc gia và các thành viên Tổ giúp việc Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) cùng tham dự hội thảo.

 
Đ/cNguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát VKSND tối cao
trình bày Dự thảo “Hoàn thiện chế định biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự”

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Dự thảo “Hoàn thiện chế định biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự”. Nội dung của các chế định gồm: Các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn; biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp; biện pháp bắt tạm giữ; biện pháp bắt tạm giam; biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; biện pháp bảo lĩnh; biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo; thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp; việc phê chuẩn bắt khẩn cấp; về căn cứ tạm giam; việc hủy bỏ biện pháp tạm giam trong gia đoạn điều tra; các biện pháp cưỡng chế tố tụng khác.

Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo về các quy định đề xuất sửa đổi, bổ sung của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003 (sửa đổi). Có 09 ý kiến của các đại biểu đều tập trung phân tích rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiêm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình. Xác định rõ căn cứ tạm giam; hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số loại tội phạm; thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp tạm giam.

 
Các đại biểu dự hội thảo khoa học

Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Nghĩa Mai ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học đối với việc xây dựng “Hoàn thiện chế định biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự” nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập qua thực tiễn 10 năm thi hành Bộ luật TTHS năm 2003. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực nhấn mạnh, việc xây dựng, hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật TTHS cần tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm tố tụng hình sự (TTHS) các nước, phù hợp với đặc điểm cụ thể mô hình tố tụng hình sự ở nước ta. Bảo đảm việc giải quyết mang tính kế thừa, tôn trọng, có tư tưởng tiến bộ, thu hẹp thẩm quyền của người ký lệnh biện pháp ngăn chặn bắt khẩn cấp, để hạn chế đối tượng tạm giam trong giai đoạn điều tra; nghiên cứu các chế định có giá trị về thực tiễn như: Cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đảm bảo bằng tiền. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực đề nghị thành viên Ban soạn thảo tiếp tục tham gia xây dựng Bộ luật TTHS dựa trên NQ49/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực tin tưởng trong thời gian tới với tinh thần trách nhiệm cao tập trung trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong việc xây dựng, hoàn thiện Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử; coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp, từng bước xã hội hóa một số hoạt động tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh và hiệu lực cao.

Quốc Hưng
Tìm kiếm