Vừa qua, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Nghiệp vụ) đã tổ chức Hội thảo “Kỹ năng tham gia phiên tòa dân sự, hành chính theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm của Kiểm sát viên”. Đồng chí Nguyễn Văn Khoát, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì Hội thảo.
Tham dự buổi Hội thảo có đồng chí Phan Văn Tâm, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10); đồng chí Nguyễn Thị Kiều Diễm, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9); đại diện lãnh đạo VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3); đại diện lãnh đạo VKSND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam; các đồng chí trong Ban Giám hiệu Trường Nghiệp vụ; lãnh đạo các phòng, khoa cùng toàn thể giảng viên Nhà trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, đảm bảo việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật của Tòa án kịp thời, đúng quy định của pháp luật chính là mục đích hoạt động của VKSND trong tố tụng hành chính, tố tụng dân sự. Khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự; kiểm sát về thủ tục khai mạc phiên tòa, thủ tục hỏi tại phiên tòa, tranh luận, nghị án và tuyên án. Kiểm sát viên tham gia hỏi, phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của những người tham gia tố tụng, phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án và kiểm việc ghi biên bản của Thư ký phiên tòa.
Trong những năm qua, công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự trong ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được những kết quả tích cực, kịp thời phát hiện nhiều vi phạm của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự và đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham gia phiên tòa hành chính, phiên tòa dân sự của Kiểm sát viên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vì vậy, việc tổ chức Hội thảo lần này là cần thiết.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe được 11 ý kiến tham luận về việc nhận diện các vi phạm của Tòa án và khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự và vụ án hành chính; những kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn. Đồng thời, đưa ra các giải pháp thiết thực, kiến nghị phù hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; từ đó, giải quyết những vấn đề còn tồn tại, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự và hành chính trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tham luận tại Hội thảo:
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ thay mặt Nhà trường gửi lời cảm ơn đến các đại biểu khách mời đã trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, qua đó giúp đội ngũ giảng viên Nhà trường có thêm kiến thức thực tế để thực hiện tốt hơn công tác nghiên cứu khoa học, viết và hoàn thiện giáo trình tài liệu, phục vụ tốt các nhiệm vụ của Ngành giao cho. Đồng thời, đây là cơ sở giúp Nhà trường tổng hợp, bổ sung hoàn thiện tài liệu giáo trình, các chuyên đề, đề tài khoa học, nhằm phục vụ có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm nói riêng.
=