Hòa chung không khí tưng bừng phấn khởi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tổ chức kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước trong năm 2010 và hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngành Kiểm sát nhân dân đã tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (26/7/1960 - 26/7/2010). Một trong những hoạt động đó là VKSNDTC tổ chức Liên hoan văn nghệ ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ IV. Trong 2 ngày 18 và 19/6/2010, tại thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum)
Liên hoan văn nghệ ngành KSND lần thứ IV
Khu vực miền Trung – Tây Nguyên:
Đa dạng, dàn dựng công phu, chất lượng nghệ thuật cao
Tiết mục Tính cCa Ba Na của VKSND Gia Lai
Hòa chung không khí tưng bừng phấn khởi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tổ chức kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước trong năm 2010 và hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngành Kiểm sát nhân dân đã tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (26/7/1960 - 26/7/2010). Một trong những hoạt động đó là VKSNDTC tổ chức Liên hoan văn nghệ ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ IV. Trong 2 ngày 18 và 19/6/2010, tại thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), báo Bảo vệ pháp luật, VKSNDTC đã tổ chức Liên hoan văn nghệ ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ IV năm 2010, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mở đầu cho Liên hoan văn nghệ ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ IV. Dự và chỉ đạo Liên hoan văn nghệ có Thiếu tướng Trần Phước Tới - Phó Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKSQS Trung ương. Cùng dự có đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; đồng chí Hoàng Văn Phước, Viện trưởng VKSND tỉnh Kon Tum và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Kon Tum... Ngay trước khi diễn ra Liên hoan, Lãnh đạo VKSNDTC, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Lãnh đạo UBND cùng lãnh đạo VKSND tỉnh Kon Tum các trưởng đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm các chiến sỹ của Sư đoàn 10 đã hy sinh trong cuộc chiến tranh. Phát biểu khai mạc Liên hoan văn nghệ, đồng chí Trần Phước Tới đã biểu dương tinh thần trách nhiệm, ý thức tham gia và sự cố gắng tập luyện của các đơn vị trong toàn Ngành để mang tới Liên hoan văn nghệ những tiết mục đặc sắc. Đồng chí Phó Viện trưởng nhấn mạnh: Kể từ khi Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định tổ chức Liên hoan văn nghệ ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ IV, các đơn vị trong toàn Ngành đã tích cực chuẩn bị, sáng tác và luyện tập các tiết mục văn nghệ của đơn vị mình. Cũng trong dịp này, nhiều tác phẩm mới về ngành Kiểm sát nhân dân đã được sáng tác.
Tiết mục đoạt giải Nhất của VKSND tỉnh Bình Thuận
Lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ các đơn vị trong toàn Ngành vừa công tác chuyên môn, vừa tập luyện để có các tiết mục thuộc nhiều thể loại, có chất lượng nghệ thuật cao tham dự Liên hoan văn nghệ ở các khu vực. Liên hoan văn nghệ lần này là điều kiện thuận lợi để các đơn vị giao lưu, học tập kinh nghiệm; đồng thời động viên, khích lệ, giáo dục truyền thống cho cán bộ, công chức ngành Kiểm sát nhân dân. Theo Kế hoạch, Liên hoan văn nghệ ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ IV sau khi tổ chức Khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Kon Tum sẽ tiếp tục tổ chức Khu vực phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (ngày 23 và 24/6/2010) và Khu vực phía Bắc tại thành phố Nam Định (ngày 01 và 02/7/2010). Sau 2 ngày hội diễn, Ban giám khảo đã chọn ra được 25 tiết mục đạt giải Nhất, 10 tiết mục đạt giải Nhì, 10 tiết mục đạt giải Ba và 7 tiết mục đạt giải Khuyến khích. Qua đánh giá của Ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan văn nghệ ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ IV khu vực miền Trung - Tây Nguyên được chuẩn bị chu đáo, dàn dựng công phu, đạt chất lượng nghệ thuật cao. Các tiết mục tập trung khai thác về đề tài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, sáng tác về ngành Kiểm sát nhân dân, đặc biệt phản ánh đời sống tinh thần nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Trung - Tây Nguyên. Phát biểu bế mạc hội diễn, đồng chí Phạm Xuân Chiến - Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật, Trưởng Ban tổ chức phấn khởi: “Liên hoan văn nghệ ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ IV năm 2010, khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã thành công tốt đẹp. Căn cứ kết quả đạt được trong Liên hoan văn nghệ, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn các tiết mục xuất sắc tham gia vòng Chung kết Liên hoan văn nghệ ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ IV năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 50 năm xây dựng, trưởng thành, đón nhận Huân chương Sao vàng và Đại hội thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ IV, được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7 tới”.
Miền Trung Ảnh: Bùi Quang Thanh
Ngày hội của sắc màu và âm thanh
Tây Nguyên đón chúng tôi bằng cái nắng vàng rực rỡ và trong trẻo đến lạ kỳ. Trời xanh mây trắng hòa cùng nắng gió và những sắc màu tươi mới của Tây Nguyên khiến cho lòng người về dự hội càng thêm háo hức, thêm mong đợi… Cuộc hội ngộ của 18 đoàn văn nghệ đến từ 18 đơn vị Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên với gần 400 diễn viên – đồng nghiệp thật sự đã trở thành một ngày hội của sắc màu và thanh âm. Sân khấu của Nhà văn hóa Sư đoàn 10 trong 2 ngày 18-19/6/2010 trở nên rực rỡ, sinh động hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên thành phố Kon Tum đón tiếp một lượng lớn khách “nghệ thuật” không chuyên của ngành Kiểm sát nhân dân, dù có bỡ ngỡ ban đầu nhưng thân thương, mà ấm cúng. Qua 52 tiết mục được trình diễn, có thể thấy các cán bộ, KSV ngành Kiểm sát nhân dân khu vực Miền Trung – Tây Nguyên đã gần như để lại hết những vẻ khô khan, cứng rắn, nghiêm nghị thường ngày; tạm quên hết những mệt mỏi căng thẳng, những áp lực nặng nề của công việc bấy lâu để “hóa thân” thành những chàng trai trẻ trung, những cô gái xinh tươi lộng lẫy; để thả hồn thăng hoa theo từng điệu múa lời ca… cống hiến hết mình cho sân khấu, cho khán giả dù chỉ trong vài ngày ngắn ngủi. Những ngày này, ở Kon Tum rất nắng, tiết trời khá oi bức nhưng bên trong hội trường Nhà văn hóa Sư đoàn 10 vẫn chật cứng người. 300 chỗ ngồi cho khán giả là quá ít, rất nhiều người phải đứng ngoài hành lang, ngoài ban công để nhìn vào sân khấu. Mọi chỗ trống như 3 cửa ra và, các cửa sổ, cầu thang, ban công gác 2… đều được chêm kín người khiến trong hội trường không khí càng oi bức. Thế nhưng, chút trở ngại nhỏ ấy cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng buổi diễn. Diễn viên vẫn say mê biểu diễn,
Tiết mục đoạt giải Nhất của VKSND tỉnh Bình Thuận
Ban giám khảo và Ban Thư ký làm việc hết công suất, và khán giả thì vẫn say mê, hào hứng cổ vũ. Trong rừng cánh tay giơ lên vỗ, thấy có thêm rất nhiều cây… quạt giấy. Sau tiết mục mở màn hoành tráng: hát múa Lá cờ Đảng của đoàn Gia Lai là tiết mục múa đầy cảm xúc của đội chủ nhà Kon Tum: Sáng mãi tên anh người Kiểm sát viên nhân dân. Tiết mục múa tự biên thể hiện ý chí trung kiên của người Kiểm sát trong thời bình nghiêm trị tội phạm và trong những cơn nguy biến hạn hán, lũ lụt đã hy sinh thân mình để cứu giúp đồng bào; trong cơn bão số 9 năm 2009, anh đã ngã xuống nhưng tấm gương anh dũng còn sáng mãi trong lòng nhân dân, tiết mục múa làm cho khán giả vô cùng xúc động. Đoàn Kom Tum cũng đã thể hiện rất tốt vai trò của “đội chủ nhà” khi mang đến cho Liên hoan những bài hát và những nhạc cụ đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, họ tự hào về truyền thống văn hóa và nêu cao tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đây có lẽ cũng là cảm hứng chủ đạo của Liên hoan văn nghệ Ngành KSND khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần này khi có đến hơn 20/52 tiết mục biểu diễn có chủ đề về các dân tộc miền núi Tây Nguyên. Những đội có bề dày thành tích qua các lần Liên hoan văn nghệ của Ngành KSND như Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng… năm nay vẫn giữ vững được phong độ vốn có với lực lượng diễn viên hùng hậu trên 20 người/đoàn, lần lượt khẳng định mình qua nhiều tiết mục hoành tráng, công phu đến không ngờ như: Hợp ca “Quảng Nam quê hương tôi”, Tốp ca “Ngành Kiểm sát 50 năm chặng đường vinh quang” của VKSND Quảng Nam; Múa “Tiếng trống gọi mùa”, Tốp ca “Kuk kon protop bremai - (Trên đường lên rẫy - Dân ca Bana)” của VKSND Gia Lai; Múa “Dệt một niềm tin”, Tốp ca “Tuy Hòa yêu thương” của VKSND Phú Yên…
Tiết mục tham dự của VKSND tỉnh Gia Lai
Những tiết mục này đã lần lượt chiếm được điểm số cao nhất của Ban giám khảo. Đến cả vị giám khảo cho điểm “khó tính” nhất trong liên hoan văn nghệ ngành KSND khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần này là Nhạc sỹ - Nhà nghiên cứu nghệ thuật Phạm Cao Đạt, Hội viên hội Nhạc sỹ Việt Nam cũng phải thừa nhận: “Các tiết mục múa của đội Gia Lai, Phú Yên rất tốt, được đầu tư dàn dựng rất công phu và có nghề…”. Đây quả thực là một lời khen rất đáng quý, một điều rất đáng mừng cho phong trào văn nghệ của các đơn vị trong ngành KSND. Bên cạnh các đơn vị có truyền thống, nhiều đơn vị mới tham gia lần đầu tiên như Viện Phúc thẩm 2, Đắk Lắk, Bình Thuận, Đăk Nông… hay lần thứ 2 góp mặt như Ninh Thuận cũng đã tạo được những dấu ấn riêng cho mình trong liên hoan lần này. Nếu như tiết mục múa Chăm “Huyền thoại Mỹ Sơn” của “đàn chị” Đà Nẵng hoành tráng, rực rỡ khiến người xem có phần choáng ngợp thì phần biểu diễn “Hồn đá” của các nàng vũ nữ Apsara đến từ đội Ninh Thuận lại cuốn hút người xem một cách lạ kỳ bởi sự sâu lắng đầy hoài cảm của mình. Bình Thuận với màn múa “Sức trẻ K’Ho” đã chinh phục người xem bởi một không khí sinh động, trẻ trung, tươi vui đầy hứng khởi và những bộ trang phục rất lạ và đẹp mắt. Đoàn Viện phúc thẩm 2 trình làng những tiết mục tự biên tự diễn mang phong cách rất riêng như: song ca “Tình ca Tây Bắc”, Tốp ca “Viện phúc thẩm vang bài ca tự hào” của tác giả Phan Văn Sơn – Viện trưởng Viện Phúc thẩm 2… đã gây ấn tượng tốt đẹp cho cả Ban giám khảo lẫn khán giả. Liên hoan văn nghệ Ngành KSND khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ IV, năm 2010 cũng chính là dịp để các đơn vị có cơ hội được giao lưu, được thể hiện chính mình một cách tự do nhất, đa dạng và đầy đủ nhất. Bởi thế, trong suốt cả liên hoan luôn ngập tràn những sắc màu và âm thanh vô cùng rộn ràng, sinh động, phong phú. Những người lên từ biển thì được dịp thoả sức ngây ngất với màu sắc và âm điệu của núi rừng Tây Nguyên hoang dại mà mạnh mẽ; người Tây Nguyên lại được dịp chiêm ngưỡng vẻ uyển chuyển gợi cảm của các nàng vũ nữ Apsara, nét phóng khoáng của biển khơi bao la và sâu thẳm, sự dịu dàng ngọt ngào của những nàng thôn nữ vùng đồng bằng… Tuy nhiên, để có được những giây phút cống hiến đầy thăng hoa đó, ít người hình dung được các diễn viên - Kiểm sát viên đã phải tranh thủ từng phút từng giây rảnh rỗi ngoài công việc để tập luyện, cố gắng vất vả biết nhường nào. Các đoàn Quảng Nam, Phú Yên để có được những tiết mục công phu hoành tráng cống hiến cho Liên hoan, các diễn viên đã phải khổ công rèn luyện suốt 3 tháng trời dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của những nghệ sỹ có tiếng. Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam - Đinh Xuân Thảo cho biết: Từ khi có thông báo của Viện kiểm sát tối cao, chúng tôi đã phát động phong trào trong các VKS quận, huyện của toàn tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Ngành, chúng tôi tham gia 3 tiết mục văn nghệ cùng ý nghĩa tự hào về Ngành, về ý chí cách mạng trung kiên của người Kiểm sát đã góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc… Còn anh Ngô Đệ - Chánh văn phòng VKSND tỉnh Bình Thuận tâm sự: Đây là lần đầu tiên Bình Thuận tham gia Liên hoan nên có rất nhiều khó khăn. Để thành lập được đội múa, chúng tôi đã động viên anh em ở các huyện tham gia luyện tập. Vì địa bàn tỉnh khá rộng và nghèo, giao thông cách trở, huyện gần nhất là 30 cây số, huyện xa nhất là 100 cây số, lực lượng trẻ lại ít nên chúng tôi phải kêu gọi 4 Viện kiểm sát huyện cùng với Viện tỉnh tập hợp anh em sau những giờ làm việc phải luyện tập ngày đêm và hôm nay thì họ đã thể hiện hết sức mình… Viện kiểm sát Gia Lai, với tinh thần ý chí của tỉnh lân cận tỉnh Kon Tum, ngoài đội văn nghệ thì tập thể lãnh đạo và cán bộ Kiểm sát viên của Viện đã tranh thủ thời gian, công việc vượt 50 cây số đến cổ vũ, động viên đội nhà và các đội bạn. Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai - Nguyễn Đình Quang cho biết: Riêng tiết mục hát tốp ca “Kuk kon protop bremai - (Trên đường lên rẫy - Dân ca Bana)”, tất cả các diễn viên đều phải vừa hát vừa tự đệm nhạc. Để sử dụng được các nhạc cụ của dân tộc Bana này, anh chị em trong đoàn Viện KSND tỉnh Gia Lai đã phải dành 1 tháng ròng rã tập luyện mới có thể biểu diễn một cách thuần thục như vậy. Và những cố gắng của họ đã thật sự được đền đáp bởi sự cổ vũ hết mình của khán giả và những đánh giá rất cao từ phía Ban giám khảo. Đồng chí Ngô Xuân Thắng - Vụ trưởng Vụ 11 VKSNDTC - Trưởng Ban giám khảo cho biết: 52 tiết mục được trình diễn đã để lại một dư vị ngọt ngào sâu lắng cho người xem. Rất nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, nhiều diễn viên được tập luyện kỹ càng và biểu diễn với tinh thần trách nhiệm cao, đầy nhiệt huyết… Nhiều đoàn đã đem đến Kon Tum nhiều tiết mục mới lạ, đặc sắc, tiêu biểu cho phong trào văn nghệ ngành KSND, được Ban giám khảo và khán giả đánh giá rất cao. Điều đó thể hiện một ý thức trách nhiệm rất cao với Ngành mình… Liên hoan kết thúc bằng một đêm tiệc chia tay bên bờ sông Đakbla lộng gió. Các diễn viên - Kiểm sát viên đến từ nhiều đoàn khác nhau cùng khoác vai nhau cất tiếng hát giã từ. Không còn Ban giám khảo, không còn khán giả, chỉ còn tình nghĩa anh em, đồng nghiệp đầy thân thiết, đầy gắn bó sẻ chia: “Vườn hoa pơ-mú thắm vàng Nương rẫy ngô lúa mênh mang Tiếng chim protop gọi ai Đường đi lên rẫy sớm mai Nghe chim protop gọi nhau Lòng vui em nghĩ đến anh…” (Lời bài hát “Kuk kon protop bremai” - Trên đường lên rẫy - Dân ca Bana) Tạm biệt Kon Tum thân thương và rất mến khách, tạm biệt núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ để rồi ngày mai lại trở về với công việc, với từng trang hồ sơ, bản án nhưng lòng vẫn còn mãi vấn vương đến một lần hẹn sau…
Hà Xuyên Khê
Ảnh: Bùi Quang Thanh
Diễn... hết mình
A Líp tự tin sau khi hoàn thành phần dự thi
Đa số diễn viên của các đoàn miền Trung lần đầu tiên lên Tây Nguyên tham gia liên hoan văn nghệ nên rất nhiều người “say xe bí tỷ” vì không quen với những cung đường khúc khuỷu, đèo dốc của Tây Nguyên. Chứng kiến cảnh nhiều chị em, đặc biệt là các đoàn của VKS Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận, Ninh Thuận... vượt quãng đường từ 500km đến hơn 600km nên khi đặt chân xuống Kon Tum phải nhờ đến sự giúp đỡ của đồng nghiệp mới xuống nổi xe, thế mà họ vẫn cố gắng lên sân khấu chạy chương trình để hôm sau vào diễn chính thức... Đặc biệt nhất là trường hợp của A Líp - KSV huyện Tu Mơrông, sau khi chạy chương trình thì bị “xỉu” nhưng hôm sau vẫn tham gia đủ cả 3 tiết mục của đoàn chủ nhà Kon Tum.
Diễn viên lớn tuổi và trẻ tuổi nhất
Ba diễn viên lớn tuổi nhất hội diễn
Người lớn tuổi nhất của hội diễn năm nay đã 53 tuổi, đó là anh Lê Minh Hùng của đoàn Viện Phúc thẩm II. Hai người nữa cũng chỉ kém anh Hùng chút đỉnh về tuổi tác là anh Vi Mạnh Hà cũng của đoàn Viện Phúc thẩm II và anh Nguyễn Văn Sơn của đoàn VKS Quảng Nam - đều hơn 50 tuổi. Đoàn Viện Phúc thẩm II là đoàn có độ tuổi lớn nhất hội diễn, người trẻ nhất đoàn cũng đã bước tuổi 36... Diễn viên đoàn VKSND tỉnh Quảng Nam - Võ Thị Kiều Trang (SN 1989), cán bộ của VKSND tỉnh Quảng Nam là người trẻ tuổi nhất hội diễn và cũng là một trong những diễn viên chính của đoàn Quảng Nam.
Lần đầu tham dự hội diễn
Đoàn Bình Thuận 1 trong 5 đoàn lần đầu tiên tham dự hội diễn
Dù đây là lần liên hoan văn nghệ ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ 4 nhưng trong 18 đoàn tham gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên thì có đến 5 đoàn lần đầu tiên tham dự, đó là các đoàn: Viện Phúc thẩm II; VKS Quảng Ngãi; VKS Đăk Lăk; VKS Đăk Nông và VKS Bình Thuận.
Đông nhất và ít nhất
7 diễn viên của đoàn Thừa Thiên Huế
Rất ngạc nhiên khi đội chủ nhà Kon Tum không phải là đội có số lượng diễn viên đông nhất mà con số này lại thuộc về Quảng Nam (25 người) và Gia Lai (24) người. Cổ động viên đông nhất cũng không phải thuộc về Kon Tum bởi đoàn láng giềng Gia Lai chiếm ưu thế vượt trội khi có hơn 50 cán bộ, nhân viên đến cổ vũ cho đội nhà. Ở cực ngược lại, dù có “đông” hơn lần trước song đoàn Thừa Thiên - Huế vẫn là đoàn đến với hội diễn ít người nhất - chỉ với 7 diễn viên...
Tin và ảnh: Đức Bình