CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn dự Hội nghị triển khai công tác tại Viện kiểm sát các tỉnh Đồng bằng sông Hồng

30/01/2013
Cỡ chữ:   Tương phản
Chỉ thị công tác năm 2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định năm 2013 tiếp tục là năm “Đổi mới, Chất lượng, kỷ cương, Hướng về cơ sở”, trong các ngày 21, 22, 23, 28 và 29/01/2013 đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác năm 2013 của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên và Bắc Ninh...
Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn dự
Hội nghị triển khai công tác tại Viện kiểm sát các tỉnh Đồng bằng sông Hồng
Chỉ thị công tác năm 2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định năm 2013 tiếp tục là năm “Đổi mới, Chất lượng, kỷ cương, Hướng về cơ sở”, trong các ngày 21, 22, 23, 28 và 29/01/2013, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác năm 2013 của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên và Bắc Ninh. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn ghi nhận và biểu dương kết quả công tác của Viện kiểm sát các tỉnh đạt được trong năm 2012. Năm 2012, mặc dù trong nước có nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, tội phạm gia tăng và diễn biến phức tạp nhưng với nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chúng ta đã vượt qua những thách thức đó; nền kinh tế tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của đất nước trên trường quốc tế được tăng cường. Trong tình hình chung của nước ta, với chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”, Viện kiểm sát các tỉnh các tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả nổi bật ở các mặt công tác sau: Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp được nâng cao, nhiều chỉ tiêu công tác nghiệp vụ đạt cao hơn nhiều so với năm 2011; làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy địa phương; tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật được tập trung chỉ đạo nhanh hơn nên huy động được trí tuệ của toàn Ngành. Đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, đổi mới trong giao ban, công tác kiểm tra được đẩy mạnh, tăng cường việc đi cơ sở; Ban cán sự đảng Viện kiểm sát các tỉnh đã hoàn thành việc kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, qua kiểm điểm đã chỉ ra những khuyết điểm và nguyên nhân để khắc phục trong thời gian tới; triển khai thực hiện toàn diện cụ thể với nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên; tăng cường kỷ cương, kỷ luật nghiệp vụ…
Năm 2012, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên và Bắc Ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, kết quả có 02 đơn vị được tặng Cờ thi đua Chính phủ (Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình); 05 đơn vị được tặng Cờ thi đua Ngành Kiểm sát nhân dân (Viện kiểm sát các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình).
Đạt được kết quả nêu trên ngoài sự nỗ lực phấn đấu của tập thể Lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát còn có sự quan tâm, giúp đỡ của Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; sự phối kết hợp của các sở, ban, ngành để Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên và Bắc Ninh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2012. Đồng chí Trần Công Phàn thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi lời cảm ơn chân thành tới Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên và Bắc Ninh và mong rằng trong năm 2013 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp tốt hơn nữa của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Về nhiệm vụ công tác năm 2013 đồng chí Phó Viện trưởng nhấn mạnh: Năm 2013, là năm bản lề thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết của cấp ủy địa phương, là năm có nhiều hoạt động xây dựng Hiến pháp và pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ngành; các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013 đã được ghi rõ trong Chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng chí Phó Viện trưởng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị cần thảo luận kỹ và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch công tác năm 2013 của đơn vị mình. Đặc biệt, năm 2013 Đảng và Nhà nước đẩy mạnh cải cách tư pháp, là năm có sự khác biệt lớn về công tác tư pháp đó là việc ra đời của Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013. Nghị quyết này đặt ra nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đòi hỏi Ngành kiểm sát phải thực hiện trong năm 2013. Chính vì vậy những chỉ tiêu trong Nghị quyết và Hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản của Ngành phải được quán triệt trong Kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị, phải đề ra những biện pháp để thực hiện hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đồng chí Phó Viện trưởng cũng biểu dương các Viện kiểm sát các tỉnh đã kịp thời đưa vào Kế hoạch công tác của đơn vị các chỉ tiêu của Nghị quyết 37, trong đó có một số tỉnh đã mạnh dạn nêu ra một số chỉ tiêu cao như: Viện kiểm sát tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam… Đồng chí lưu ý, từ năm 2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải báo, đánh giá đầy đủ tình hình vi phạm pháp luật trong các hoạt động tư pháp; thống kê, phân tích tội phạm và đề xuất các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân. Để thực hiện yêu cầu này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải có đầy đủ số liệu tổng hợp, đánh giá, phân tích tình hình vi phạm, tội phạm thuộc trách nhiệm của VKS từ cấp huyện, cấp tỉnh, các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao chính xác, đầy đủ. Đề nghị lãnh đạo các đơn vị lưu tâm chỉ đạo thực hiện việc báo cáo, thống kê của đơn vị mình đúng quy định.
Trong giải quyết án hình sự phải thực hiện nghiêm túc chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Yêu cầu chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm cần phải được đặt ra và chấp hành nghiêm ngặt ngang nhau. Không để trường hợp nào bị khởi tố sau phải đình chỉ vì không có tội, VKS truy tố bị Tòa án tuyên vô tội.
Đối với hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, cần khẳng định nguyên tắc mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện và xử lý, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, đảm bảo việc kết luận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm có căn cứ, đúng pháp luật. Qua việc nắm đầy đủ tố giác, tin báo tội phạm được khởi tố hình sự, số tố giác tin báo chưa được làm rõ, số tội phạm ẩn, các cơ quan tiến hành tố tụng mới có thể làm rõ bức tranh tổng thể về tình hình tội phạm xảy ra trên địa bàn quản lý để tham mưu chính xác với Đảng, Nhà nước về chiến lược đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần lưu ý quản lý chặt chẽ các vụ án đình chỉ điều tra, án tạm đình chỉ điều tra. Việc xây dựng hồ sơ án tạm đình chỉ phải đảm bảo đầy đủ, đúng pháp luật vì có những vụ án sau nhiều năm mới có thể phục hồi điều tra. Nếu không xây dựng hồ sơ chặt chẽ ngay từ đầu thì việc khắc phục vi phạm, thiếu sót rất khó thực hiện hoặc không thể thực hiện được như đã xảy ra trên thực tế.
Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Trong đó lưu ý trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa. KSV phải nghiên cứu đánh giá đầy đủ, toàn diện chứng cứ trước khi truy tố, đảm bảo các vụ án truy tố có căn cứ, đúng người, đúng tội, hạn chế thấp nhất các trường hợp phải thay đổi, rút quyết định truy tố hoặcTA xử khác tội danh. KSV phải chủ động, tích cực tranh luận, đối đáp tại phiên tòa. VKS cần tiếp tục phối hợp với TA tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm về kỹ năng thẩm vấn, tranh luận của KSV tại phiên tòa. Nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo các kháng nghị có căn cứ, đúng pháp luật.
Trong công tác xây dựng Ngành đồng chí Phó Viện trưởng lưu ý: Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992 vừa qua, có rất nhiều ý kiến đề nghị chuyển Viện kiểm sát  thành Viện công tố, chỉ thực hiện chức năng công tố, không kiểm sát hoạt động tư pháp. Với trách nhiệm đối với Ngành, Ban cán sự, Lãnh đạo VKSNDTC đã thực hiện rất nhiều biện pháp khoa học, quyết liệt, phù hợp để bảo vệ chức năng của Ngành. Lãnh đạo VKSND tối cao đã mời đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, đồng chí Chủ tịch Quốc hội sang nghe Lãnh đạo VKSND tối cao, các đơn vị nghiệp vụ VKSTC báo cáo để  Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội hiểu về Ngành. Sau khi nghe báo cáo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội đã rất ủng hộ việc Viện kiểm sát tiếp tục thực hiện 2 chức năng công tố và kiểm sát tư pháp. Đồng thời, Lãnh đạo VKSND tối cao đã có văn bản yêu cầu Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp tỉnh trực tiếp báo cáo với tỉnh ủy, thành ủy, các đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh ủy, thành ủy và các Đoàn đại biểu Quốc hội. Cũng cần phải khẳng định, Nghị quyết Đại hội  lần thứ XI đã khẳng định Viện kiểm sát vẫn thực hiện 2 chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, đây là cơ sở quan trọng để Viện kiểm sát thực hiện việc bảo vệ chức năng của Ngành. Cho tới thời điểm này, Nghị quyết TW 5 và Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã xác định Viện kiểm sát giữ nguyên 2 chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Đồng chí Phó Viện trưởng cũng nhấn mạnh một số vấn đề như: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49 và Kết luận 79 của Bộ Chính trị về thành lập Viện kiểm sát khu vực; Về công tác đào tạo cán bộ, tuyển dụng cán bộ, về thành lập trường Đại học kiểm sát, đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, về vấn đề kinh phí hoạt động của Ngành. Đặc biệt, đồng chí Phó Viện trưởng lưu ý cần đẩy mạnh, hoạt động tuyên truyền đã hiệu quả hơn, bám sát vào các hoạt động của Ngành hơn, khẩn trương thực hiện việc thành lập và kiện toàn Tổ tuyên truyền; nếu có điều kiện thì lập trang Website của đơn vị mình để làm diễn đàn thông tin, trao đổi cho cán bộ, Kiểm sát viên.
Tại các hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng Trần Công Phàn trao Cờ thi đua Chính phủ và của Ngành Kiểm sát nhân dân tặng Viện kiểm sát nhân dân cùng các danh hiệu thi đua khác cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2012.
Nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Quý Tỵ năm 2013, đồng chí Phó Viện trưởng gửi lời chúc mừng đến cán bộ, công chức ngành KSND các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên và Bắc Ninh năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác năm 2013 và những năm tiếp theo.
Một số hình ảnh đồng chí Phó Viện trưởng trao
Cờ thi đua cho Viện kiểm sát các tỉnh:
 
Đ/c Trần Công Phàn trao Cờ thi đua Chính phủ cho tập thể Lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh
 
Đ/c Trần Công Phàn trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân cho tập thể VKSND tỉnhThái Bình
 
Tập thể Lãnh đạo VKSND tỉnh Thái Bình nhận Cờ thi đua Chính phủ
 
Đ/c Trần Công Phàn trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát cho tập thể Lãnh đạo VKSND tỉnh Ninh Bình
 
Đ/c Trần Công Phàn trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát  cho tập thể Lãnh đạo VKSND tỉnh Hưng Yên
 
Đ/c Trần Công Phàn trao Cờ thi đua ngành kiểm sát cho tập thể Lãnh đạo VKSND tỉnh Bắc Ninh
 
Đ/c Trần Công Phàn trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát cho tập thể Lãnh đạo VKSND tỉnh Nam Định
Tìm kiếm