(BVPL) - Chiều ngày 07/11, tại phiên thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao; về công tác thi hành án; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội...
Tăng cường công tố, chống oan và chống bỏ lọt tội phạm
PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND tối cao
(BVPL) - Chiều ngày 07/11, tại phiên thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao; về công tác thi hành án; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND tối cao đã có bài phát biểu ghi nhận những góp ý của các Đại biểu Quốc hội.
“Trước hết, tôi xin thay mặt cán bộ, viên chức ngành Kiểm sát xin cảm ơn các đại biểu Quốc hội về những ghi nhận của các đại biểu đối với nỗ lực của các cơ quan tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết 37 để đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống. Chúng tôi cũng rất cảm ơn những chia sẻ của các đại biểu Quốc hội về những khó khăn và những rủi ro mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã phải đương đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm. Chúng tôi tiếp thu và sẽ bổ sung vào kế hoạch công tác của mình những kiến nghị, những giải pháp mà các đại biểu Quốc hội đã gợi mở, đã phát biểu trong ngày hôm nay và những tồn tại, hạn chế các đại biểu chỉ ra, Viện kiểm sát cũng sẽ có giải pháp để nỗ lực khắc phục”.
Về những giải pháp để tăng cường công tố, chống oan và chống bỏ lọt tội phạm trong đấu tranh chống tội phạm thì 2 yêu cầu được đặt ra ngang nhau là phải “chống oan”, đồng thời chống cả “lọt”. Trong thời gian vừa qua, kể cả trong xây dựng pháp luật cũng như thực thi pháp luật, chúng ta đã quan tâm rất nhiều đến việc chống oan, sai nhưng quan tâm đến chống bỏ lọt tội phạm vẫn còn đang mức độ, kể cả luật thực định cũng như thực thi.
Về giải pháp, Viện kiểm sát cũng đã có kế hoạch rất chu đáo để thực hiện Nghị quyết quan trọng của Quốc hội, đã tham mưu cho nhiều cấp ủy Đảng và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để ban hành các nghị quyết của từng địa phương về thực hiện nghị quyết này. Viện kiểm sát đã đổi mới hệ thống chỉ tiêu, công tác của Ngành với yêu cầu cao hơn và đặc biệt quán triệt các chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho ngành Kiểm sát. Viện kiểm sát đã có chỉ thị về tăng cường kháng nghị phúc thẩm đối với cả án hình sự và án dân sự, hành chính. Bên cạnh đó, đã phối hợp với Tòa án, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ký thông tư về giải quyết tin báo tội phạm và việc ban hành Thông tư này đã tháo gỡ rất nhiều cho việc kiểm sát ngay từ đầu tin báo tội phạm và góp phần chống bỏ lọt tội phạm.
Trong kiểm sát điều tra đã yêu cầu kiểm sát ngay từ đầu tất cả các vụ án từ khi khởi tố và tăng cường ban hành các yêu cầu điều tra, đặc biệt là đối với các yêu cầu điều tra để chống “oan” và chống “lọt”. Cũng tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý cán bộ và đào tạo bồi dưỡng, đặc biệt là đào tạo qua thực tiễn. Theo đó, yêu cầu mỗi Kiểm sát viên một năm phải có ít nhất một phiên tòa rút kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng tranh tụng tại Tòa. Trên thực tế, số lượng các phiên tòa rút kinh nghiệm này khi phối hợp với Tòa án thì đã tăng lên như đã báo cáo với Quốc hội.
Đối với việc sửa bộ luật liên quan thuộc trách nhiệm mà Quốc hội giao cho Viện kiểm sát, có những khoảng trống làm giảm khả năng kiểm sát tin báo tội phạm, xác minh, điều tra, Viện kiểm sát cố gắng đưa vào luật để có thể khắc phục được những thiếu sót này một cách lâu dài, một cách căn bản. Đây là những giải pháp để chống “oan”, chống “lọt” và tăng cường trách nhiệm tranh tụng.
Về thi hành án tử hình, tôi cũng thấy là rất cần thiết phải có một nghị quyết cho phép tồn tại song song hai hình thức thi hành án tử hình. Cách đây 2 năm, tôi cũng đề nghị điều này, khi đó số án tử hình là 400, trung bình lượng án tử hình tăng lên mỗi năm khoảng hơn 100, cho đến nay là hơn 600. Nếu chúng ta để chậm hơn nữa thì con số nó sẽ nhiều lên. Về định hướng lâu dài, cũng cần phải xem xét việc sửa đổi Luật hình sự, kể cả sửa đổi Luật thi hành án.
Còn Hiệp định tương trợ tư pháp, Việt Nam cũng đã có hiệp định mẫu về tương trợ tư pháp để ký với các quốc gia, nhưng không phải quốc gia nào cũng đồng ý ký với chúng ta về tương trợ tư pháp. Vậy nên, những yêu cầu về tương trợ tư pháp của Việt Nam đối với những quốc gia mà có phát sinh những vấn đề về tội phạm thì không giải quyết được, làm cho vụ án có yếu tố nước ngoài kéo dài. Ví dụ như cộng đồng EU chẳng hạn, ký với các quốc gia này rất khó, bởi vì ký với một quốc gia thì họ phải tham khảo các quốc gia còn lại trong khối.
Không những vậy, đối với những quốc gia mà không có án tử hình thì họ luôn luôn từ chối việc ký tương trợ tư pháp đối với nước ta. Với những quốc gia này thì điều kiện gần như kiên quyết là khi nào mà Việt Nam bỏ án tử hình trong Luật hình sự thì họ mới ký. Viện kiểm sát rất tích cực đi đàm phán nhưng cũng gặp nhiều khó khăn dẫn đến khó khăn trong ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp. Điều này, dẫn đến những khó khăn của từng vụ án cụ thể, nếu có yếu tố nước ngoài ở trong tương trợ tư pháp.