(Kiểm sát) –Vừa qua, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tương trợ tư pháp hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2013....
Tập huấn công tác tương trợ tư pháp hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân
Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn phát biểu kết luận
(Kiểm sát) –Vừa qua, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tương trợ tư pháp hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2013.Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Đỗ Thị Hoà, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đến dự và phát biểu chào mừng Hội nghị. Đến dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc VKSNDTC, VKSND các tỉnh từ Quảng Bình trở ra, đại diện VKSQS Trung ương, VKSQS bộ đội biên phòng. Đại diện Bộ Tư pháp, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Văn phòng Interpol tại Việt Nam, các đơn vị C44, A92 Bộ Công an cùng tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tương trợ tư pháp về hình sự là việc các quốc gia giúp đỡ, hỗ trợ phối hợp với nhau trong việc điều tra, truy tố hoặc các thủ tục tố tụng khác trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có tổ chức xuyên quốc gia thông qua Cơ quan trung ương của mỗi quốc gia trên cơ sở Điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương mà các nước ký kết hoặc trên nguyên tắc có đi có lại.
Tại Việt Nam, Luật Tương trợ tư pháp hình sự được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong tương trợ tư pháp. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định tương trợ tư pháp song phương và tham gia hàng chục các Điều ước quốc tế đa phương.
Theo quy định tại Việt Nam, Cơ quan Trung ương về tiếp nhận tương trợ tư pháp hình sự là Viện kiểm sát nhân dân tối cao, mà cụ thể là Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp hình sự. Tương trợ tư pháp được thực hiện theo hai chiều. Đối với yêu cầu tương trợ tư pháp do nước ngoài gửi đến, VKSNDTC đã tiếp nhận gần 250 hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp do các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trực tiếp gửi hoặc thông qua ngoại giao chuyển đến. Nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp chủ yếu là xác minh lý lịch tư pháp, chuyển giao để truy cứu trách nhiệm hình sự, tống đạt tài liệu, thu thập, cung cấp chứng cứ, yêu cầu cam kết không áp dụng hình phạt tử hình để chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự. Các tương trợ tư pháp hình sự ngày càng đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nghiêm trọng như Tội giết người, mua bán ma tuý, tội phạm tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền. Đối với yêu cầu tương trợ tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gửi cho nước ngoài, VKSNDTC đã tiếp nhận trên 100 hồ sơ. Nội dung chủ yếu là tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, thu thập và cung cấp chứng cứ, xác minh nhân thân, lý lịch, yêu cầu dẫn độ tội phạm liên quan đến công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam. Trong quá trình tiếp nhận và xử lý các yêu cầu tương trợ đi, VKSNDTC thường xuyên hướng dẫn các cơ quan tiến hành tố tụng về cách lập hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp cũng như nội dung cần thể hiện trong yêu cầu để đảm bảo đúng quy định của Luật Tương trợ tư pháp, giúp cho việc thực hiện được nhanh chóng và hiệu quả. Do có sự đổi mới về quy trình tiếp nhận và chuyển giao các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự nên thời gian gần đây, việc quản lý của VKSNDTC được triển khai thực hiện có hiệu quả, nhiều hồ sơ được giải quyết nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp có nội dung phức tạp như cam kết không áp dụng hình phạt tử hình, các yêu cầu tương trợ tư pháp liên quan đến viên chức ngoại giao đã được VKSNDTC chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế yêu cầu để thực hiện yêu cầu tương trợ một cách nhanh chóng, đúng pháp luật.
Đồng chí Đỗ Thị Hòa tặng hoa chúc mừng Hội nghị
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã được, trong thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp hình sự gặp không ít khó khăn, vướng mắc như cơ sở pháp lý cho viêc thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp của nước ta chưa hoàn thiện, một số quy định chỉ mang tính nguyên tắc. Văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tương trợ tư pháp còn thiếu. Để khắc phục tình trạng trên, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã đưa ra một số giải pháp sau:
- VKSNDTC cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tương trợ tư pháp hình sự cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân để nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Quan tâm làm tốt công tác hướng dẫn VKSND các cấp thực hiện công tác này.
- Tăng cường nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước trên thế giới, trước mắt ưu tiên những nước có đông người Việt Nam sinh sống, các nước trong khu vực, các nước láng giềng.
- Bổ sung quy định về vai trò Cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp hình sự của VKSNDTC, chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp hình sự của VKSND các cấp trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).
- Xem xét việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng có những quy định riêng về thẩm quyền, thời hạn giải quyết đối với những vụ án có yếu tố nước ngoài.
- Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tương trợ tư pháp quy định cụ thể về một số hoạt động tương trợ tư pháp như hợp tác quốc tế trong việc tịch thu, xử lý tài sản do phạm tội mà có; trình tự, thủ tục phong tỏa, kê biên, thu giữ, tịch thu và trả lại tài sản; trình tự thủ tục dẫn giải người đang chấp hành hình phạt tù để cung cấp chứng cứ và hỗ trợ điều tra ở nước ngoài.
- VKSNDTC và VKSND các tỉnh cần quan tâm kiện toàn tổ chức, bộ máy, tăng cường đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết yêu cầu tương trợ tư pháp. Xây dựng đội ngũ cán bộ đàm phán Hiệp định chuyên nghiệp ở VKSNDTC. Thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ làm công tác tương trợ tư pháp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu cũng như chất lượng của các tham luận tại Hội nghị. Đồng chí Phó Viện trưởng nhấn mạnh, kể từ khi Luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực, công tác tương trợ tư pháp hình sự tại Việt Nam đã đi vào hoạt động một cách bài bản và chất lượng.Để thực hiện có hiệu quả công tác tương trợ tư pháp hình sự trong thời gian tới, đồng chí Phó Viện trưởng đề nghị các đơn vị trực thuộc VKSNDTC tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan tư pháp trong việc xây dựng các văn bản pháp luật về tương trợ tư pháp, đặc biệt là việc xây dựng một kế hoạch tổng thể xây dựng các Hiệp định tương trợ tư pháp về các lĩnh vực chuyên biệt giữa các cơ quan tố tụng của Việt Nam với nước ngoài. Với tư cách là đơn vị được Quốc hội giao chủ trì xây dựng Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự, các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân nghiêm túc chuẩn bị các nội dung liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế trong tương trợ tư pháp hình sự, đồng thời đề xuất kinh phí để đảm bảo hoạt động tương trợ tư pháp hình sự ngày càng có hiệu quả và chất lượng hơn.
Trần Tùng