CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tổng kết 05 năm thi hành Luật Phá sản năm 2014 và Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 trong ngành Kiểm sát nhân dân

18/05/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 18/5/2020, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm thi hành Luật Phá sản năm 2014 và Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự, chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, nối từ điểm cầu VKSND tối cao đến các đơn vị trong toàn Ngành. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có đồng chí Lê Thành Dương, Kiểm sát viên VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo, công chức một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội; Kiểm sát viên, công chức Viện 4 thuộc VKSND cấp cao tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo Viện và Kiểm sát viên, công chức một số đơn vị thuộc VKSND thành phố Hà Nội. Tại các điểm cầu thuộc hệ thống tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Viện và lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức các phòng nghiệp vụ liên quan thuộc VKSND cấp tỉnh và tương đương.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Phan Văn Tâm, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10) VKSND tối cao trình bày Báo cáo tổng kết 05 năm thi hành Luật Phá sản năm 2014 và Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Pháp lệnh số 09) trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Theo Báo cáo tổng kết 05 năm thi hành Luật Phá sản năm 2014, từ khi Luật Phá sản có hiệu lực thi hành đến nay, VKSND các cấp đã tổ chức triển khai phổ biến đầy đủ, kịp thời và quán triệt thi hành nghiêm túc các quy định của Luật Phá sản đến từng Kiểm sát viên, công chức được phân công thực hiện khâu công tác bằng nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, góp phần bảo đảm việc xem xét yêu cầu mở thủ tục phá sản đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nội dung theo quy định của pháp luật.

VKSND tối cao đã triển khai đồng bộ việc thực hiện Luật Phá sản trong toàn Ngành, kịp thời phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật; giải đáp vướng mắc, khó khăn cho Viện kiểm sát địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. VKSND cấp cao, cấp tỉnh và cấp huyện đã kịp thời quán triệt, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên được phân công làm công tác này triển khai các quy định của pháp luật, quy định của Ngành.

Đồng chí Phan Văn Tâm, Vụ trưởng Vụ 10 VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị

Về tổng kết 05 năm thực hiện Pháp lệnh số 09, VKSND tối cao đã triển khai, phổ biến, quán triệt kịp thời các quy định của Pháp lệnh và các văn bản pháp luật có liên quan đến các đơn vị trong toàn Ngành từ khi Pháp lệnh có hiệu lực thi hành. Đã phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh số 09 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012,…; đồng thời, thực hiện chú trọng giải đáp những vướng mắc, khó khăn, thống nhất về nhận thức, áp dụng pháp luật cho VKSND địa phương.

Kết quả tập huấn, sơ kết, tổng kết, thông báo rút kinh nghiệm của VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh về công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đạt chất lượng, hiệu quả tích cực. Cán bộ, công chức trong toàn Ngành kịp thời nắm bắt và áp dụng quy định của Pháp lệnh số 09 cùng các văn bản pháp luật có liên quan để thực thi tốt nhiệm vụ kiểm sát, góp phần bảo đảm việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân kịp thời, có căn cứ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao các đơn vị trong toàn Ngành trong việc quán triệt, triển khai thi hành Luật Phá sản năm 2014 và Pháp lệnh số 09 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời nhấn mạnh, Pháp lệnh số 09 có ý nghĩa, vai trò quan trọng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người.

Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, Pháp lệnh số 09 quy định nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Đây là nhiệm vụ mới được bổ sung trong chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND. Việc thực hiện tốt khâu công tác này góp phần quan trọng đảm bảo trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND được công khai, minh bạch, có căn cứ và đúng quy định pháp luật.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn đề nghị, thời gian tới,  Viện kiểm sát các cấp chú trọng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; quán triệt đến từng Kiểm sát viên, công chức nghiên cứu, nắm chắc Luật Phá sản năm 2014; Pháp lệnh số 09; Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan để triển khai, thực hiện hiệu quả trong toàn Ngành. Lãnh đạo VKSND các cấp có sự chỉ đạo quyết liệt đối với công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu cho công chức, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, nhằm thực hiện hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận, đơn vị nghiệp vụ trong từng cấp kiểm sát, giữa VKSND cấp trên với VKSND cấp dưới trong công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

TG
Tìm kiếm