CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung) và Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác tư pháp

25/01/2013
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 23-1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị quyết số 37/2012/QH của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân, công tác thi hành án năm 2013. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung) và Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác tư pháp
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị
Ngày 23-1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị quyết số 37/2012/QH của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân, công tác thi hành án năm 2013. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các thành viên của Ủy ban Tư pháp và các Ủy ban khác của Quốc hội; đại diện các ngành, cơ quan tư pháp gồm: đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cùng tham dự có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành khác,…
 
Đ/c Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc hội nghị
Hội nghị đã nghe các ngành báo cáo về tình hình việc triển khai thực hiện Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị quyết số 37/2012/QH của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân, công tác thi hành án năm 2013; trong đó tập trung vào việc chỉ đạo quán triệt, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng; việc quán triệt và các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện được các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết 37/2012/QH13 đã giao cho mỗi ngành.
 
Đ/c Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại hội nghị
Tại Hội nghị đã có 09 ý kiến về báo cáo và công tác triển khai, thực hiện nhiệm vụ của các ngành, đều đánh giá cao sự quan tâm, trách nhiệm của các ngành trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có báo cáo đầy đủ, phụ lục chi tiết, văn bản đầy đủ kèm theo thể hiện sự quyết tâm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật cùng với những nhiệm vụ, chỉ tiêu trong Nghị quyết 37/2012/QH13 giao cho ngành Kiểm sát nhân dân.
Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo rõ thêm một số việc về việc triển khai thực hiện Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng; Bộ Công an báo cáo cụ thể hơn về việc thực hiện yêu cầu của Quốc hội về chuản bị thi hành án tử hình; Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ chống bỏ lọt tội phạm trong năm 2013 và thời gian tới.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã, đang khẩn trương chỉ đạo, toàn Ngành đã triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Nghị quyết 37/2012/QH13 giao cho ngành Kiểm sát nhân dân. Về thực hiện nhiệm vụ chống bỏ lọt tội phạm, ngành Kiểm sát đã quán triệt, có nhiều biện pháp và phân công trách nhiệm, thời gian thực hiện cụ thể trong Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương tổ chức thực hiện. Cụ thể như: xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn giải quyết và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; Thông tư hướng dẫn áp dụng Điều 25 Bộ luật hình sự; nghiên cứu sửa đổi những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về việc giải quyết, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; yêu cầu lãnh đạo các đơn vị xử lý nghiêm minh những cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai, bỏ lọt và báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao,... 
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh mục đích, nội dung cốt lõi của Nghị quyết 37/2012/QH13 là tạo cho được chuyển biến tích cực, rõ rệt ngay trong năm 2013; đó chính là yêu cầu của cử tri, của nhân dân cả nước đối với các cơ quan tư pháp; thực hiện tốt Nghị quyết góp phẩn đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng, lãng phí đảm bảo cuộc sống bình yên, tốt đẹp hơn cho nhân dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Qua tròn 2 tháng ban hành Nghị quyết, các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng, khẩn trương phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong ngành, xây dựng kế hoạch nghiêm túc, kịp thời; có các nhóm giải pháp, thời gian thực hiện cụ thể; công tác phối hợp được chú trọng để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Nghị quyết 27/2012/QH13 đã giao cho mỗi ngành tư pháp phải thực hiện và trách nhiệm của mỗi ngành là phải triển khai, thực hiện đạt kết quả tốt. Quốc hội sẽ tăng cường công tác giám sát, Ủy ban Tư pháp sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết này tại các ngành, các đại phương; Hội đồng nhân dân các cấp, các đoàn đại biểu các tỉnh thực hiện nhiệm vụ giám sát thực hiện Nghị quyết này tại địa phương để báo cáo Quốc hội. Giữa năm các cơ quan của Quốc hội sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết tại Trung ương và địa phương, cuối năm sẽ thẩm tra để báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Thời gian đến kỳ họp thứ 6 không còn dài, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các ngành phải khẩn trương hơn nữa để chỉ đạo, thực hiện tốt Nghị quyết.
Đối với việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải khẩn trương có giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này, phúc đáp sự mong đợi và đòi hỏi của cử tri và nhân dân cả nước. Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương trong việc tổ chức lại Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để sớm đi vào hoạt động, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả chung.
Phúc Long
Tìm kiếm