CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội

14/06/2013
Cỡ chữ:   Tương phản
(Kiểm sát) - Sáng nay, Thứ Sáu, ngày 14/6/2013, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, tại phiên họp toàn thể, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII, dưới sự chủ trì, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng...
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội
 
(Kiểm sát) - Sáng nay, Thứ Sáu, ngày 14/6/2013, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, tại phiên họp toàn thể, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII, dưới sự chủ trì, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Sự kiện này thu hút sự chú ý đặc biệt của cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân và của cử tri cả nước, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, người đứng đầu ngành Kiểm sát nhân dân trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.
 
Toàn cảnh phiên họp
Sau phần giới thiệu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu cảm ơn Quốc hội, cảm ơn cử tri cả nước đã quan tâm theo dõi, giám sát, tạo điều kiện cho hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong thời gian qua; Viện trưởng chú ý lắng nghe và trả lời các câu hỏi của các vị Đại biểu Quốc hội.
 
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình lắng nghe chất vấn của Đại biểu Quốc hội
Tiếp đó, trong hơn 2 giờ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã lần lượt lắng nghe, ghi chép và trả lời đầy đủ các câu hỏi được nêu lên qua 20 lượt ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, gồm: Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng), Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh), Đại biểu Trương Thái Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang), Đại biểuTrương Thị Huệ (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên), Đại biểu Lê Đình Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương), Đại biểu Nguyễn Văn Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên), Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên), Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình), Đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên), Đại biểu Hà Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai), Đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh), Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình), Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai). Hầu hết nội dung các câu hỏi đặt ra với đồng chí Viện trưởng VKSNDTC đều đề cập đến những vấn đề lớn, đề cập khá toàn diện, trên các mặt, các lĩnh vực trong hoạt động tư pháp và về tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân như: Việc thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp, việc thực hiện Nghị quyết số 37 ngày 23/11/2012 của Quốc hội khóa XIII, vấn đề đổi mới tổ chức bộ máy, cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực của ngành Kiểm sát; vấn đề thống kê tội phạm, phân tích, đánh giá tình hình tội phạm, việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; về chất lượng, hiệu quả, tiến độ giải quyết các vụ án hình sự, nhất là về đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, chức vụ, tội phạm tham nhũng; về nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự; về kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế; về giải quyết đơn thư khiếu tố, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự, dân sự, hành chính; về hoạt động của Cơ quan điểu tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về công tác kiểm sát thi hành án hình sự, kiểm sát thi hành án dân sự; công tác đào tạo cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân. Ngoài ra, một số câu hỏi còn đề cập đến những vấn đề lớn như về quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, về nguyên tắc hoạt động của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự, về sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự...
Đề cập đến các biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện kiểm sát các cấp, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC cho biết: Trong thời qua qua, ngành Kiểm sát nhân dân đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ theo các quy định mới của pháp luật và khối lượng công việc tăng cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đề nghị và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tăng thêm biên chế để bổ sung cho các Viện kiểm sát cấp huyện, là cấp đang thụ lý giải quyết phần lớn các vụ việc theo lộ trình tăng thẩm quyền; bổ sung cán bộ cho những khâu công tác có khối lượng công việc tăng lên khi thực hiện các quy định mới của pháp luật; đồng thời triển khai hàng loạt các biện pháp để đề cao trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiệp vụ như sắp xếp lại bộ máy, bố trí lại lực lượng, tăng cường cán bộ có chức danh tư pháp, thực hiện biện pháp thông khâu nghiệp vụ, tổ chức thường xuyên việc rút kinh nghiệm nghiệp vụ, nhất là qua việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội để chủ động về đào tạo nguồn nhân lực của Ngành...
Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong năm 2013. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức quán triệt Nghị quyết 37 trong toàn Ngành, đến từng cán bộ, Kiểm sát viên; ban hành các Chỉ thị công tác; sửa đổi, bổ sung hệ thống các chỉ tiêu nghiệp vụ; tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp để tổ chức thực hiện, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện để báo cáo với Quốc hội, phản ánh một cách đầy đủ hơn, toàn diện hơn về các mặt hoạt động tư pháp.
Đồng chí Viện trưởng VKSNDTC cũng đã trả lời, làm rõ các nguyên nhân, nêu các giải pháp để khắc phục tình trạng tiến độ giải quyết một số vụ án kinh tế, chức vụ, án tham nhũng còn chậm, việc sửa án ở cấp trên còn khá nhiều, tình trạng một số bản án có nội dung không rõ ràng, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án, nhất là trong thi hành án dân sự, về giải quyết vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án tử hình, về cơ chế giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm... Và trả lời về việc giải quyết một số vụ án cụ thể mà Đại biểu Quốc hội chất vấn.
Cũng trong phiên trả lời chất vấn của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã phát biểu, giải trình, làm rõ thêm một số nội dung có liên quan đến trách nhiệm của Cơ quan điều tra và Tòa án nhân dân mà Đại biểu Quốc hội nêu lên.
Phát biểu tổng kết phần trả lời chất vấn của Viện trưởng VKSNDTC, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những câu hỏi chất vấn của các Đại biểu Quốc hội và phần trả lời của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Nội dung phần chất vấn và trả lời là rất phong phú, bao trùm gần như toàn bộ các hoạt động tư pháp từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án. Viện trưởng VKSNDTC đã trả lời rõ ràng, cụ thể từng vấn đề. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các cơ quan tư pháp nói chung, trong đó có VKSND, trong thời gian qua đã nỗ lực, có nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc ổn định xã hội, phục vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ quan tư pháp cũng còn nhiều tồn tại; yêu cầu của nhân dân và yêu cầu của chính mỗi ngành tư pháp cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân cần tập trung thực hiện tốt một số yêu cầu:
Một là, Viện kiểm sát nhân dân cần thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, thực hiện kiểm sát 100% án hình sự ngay từ khi khởi tố, kiểm sát chặt quá trình điều tra, kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra, chống bỏ lọt tội phạm, kiểm sát chặt chẽ, phòng, chống tiêu cực trong các hoạt động tư pháp.
Hai là, nâng cao chất lượng truy tố, đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, không để án tồn đọng tại Viện kiểm sát.
Ba là, VKSND phải đảm bảo việc truy tố bị can phải đúng tội, phấn đấu không để xảy ra sai sót; chủ động, tích cực, nêu cao vai trò của Kiểm sát viên tranh tụng tại phiên tòa.
Bốn là, nâng cao chất lượng kháng nghị của Viện kiểm sát; phấn đấu 100% các kháng nghị của Viện kiểm sát được Tòa án chấp nhận.
Năm là, thực hiện các đề án theo yêu cầu cải cách tư pháp, sớm khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, phải đảm bảo số lượng cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ.

 

 

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội
Sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, Viện kiểm sát phải chuẩn bị khẩn trương BLTTHS sửa đổi, bổ sung, Luật tổ chức VKSND sửa đổi, trình Quốc hội thảo luận, thông qua để thực hiện. Trong năm 2013, ngành Kiểm sát và các cơ quan tư pháp cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Quốc hội yêu cầu Viện trưởng VKSNDTC báo cáo đầy đủ tình hình vi phạm trong hoạt động tư pháp. Báo cáo này sẽ được thảo luận, báo cáo riêng vào cuối năm.
Có thể nói, phần trả lời chất vấn của Viện trưởng VKSNDTC tại hội trường Quốc hội sáng nay đã nhận được sự quan tâm chú ý theo dõi của cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân cũng như cử tri cả nước. Dư luận đều đánh giá cao chất lượng trả lời chất vấn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tin: Như Nguyễn, Huy Chiêu, Hồng Thiện
Ảnh: Doãn Tần (TTXVN)
Tìm kiếm