Ngày 25/9/2024, Đoàn công tác của VKSND tối cao đã tổ chức Hội nghị khảo sát, lấy ý kiến về các Đề án của Trung ương tại tỉnh Đắk Lắk. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao và đồng chí Trần Phú Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị, về phía Đoàn khảo sát có Lãnh đạo Vụ 1, 3, 5, 9, 10, 14, Văn phòng VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng; về phía tỉnh Đắk Lắk có đại diện Lãnh đạo Ban Pháp chế của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Thanh Tra tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Hội Luật gia tỉnh.
Tại buổi khảo sát, VKSND tối cao đã đề nghị đại biểu thắng thắn, trách nhiệm, khách quan để góp ý 3 Đề án của Trung ương giao VKSND tối cao chủ trì thực hiện. Đây là các đề án về quy phạm pháp luật với rất nhiều nội dung có tính đổi mới, trọng tâm, cụ thể hoá một số nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo đó, Hội nghị đã có 5 ý kiến tham luận, góp ý, tập trung vào các nội dung chính: Thực tiễn liên quan trong thực hiện các cơ chế tại địa phương, những ưu điểm, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân trong thời gian qua; giải pháp, kiến nghị, nhất là những đề xuất đổi mới, hoàn thiện các cơ chế để nâng cao vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan (trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân) trong cơ chế khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện; cơ chế khởi kiện vụ án hành chính để đưa ra Tòa án phán quyết đối với trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước; cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật và xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng và những vấn đề quan trọng, còn có nhiều ý kiến, phương án đề xuất khác nhau.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao nội dung 3 đề án do VKSND tối cao chủ trì thực hiện và thống nhất cho rằng đây là những vấn đề mang tính đột phá, đổi mới, giúp hoàn thiện thể chế.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, tham luận. Đây sẽ là căn cứ để VKSND tối cao có những điều chỉnh, bổ sung hợp lý, đầy đủ, phù hợp và bám sát thực tiễn, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo yêu cầu của Trung ương.