Ngày 14/2/2022, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao tham dự Diễn đàn Hợp tác tư pháp về hình sự khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Crim-AP) lần thứ nhất bằng hình thức trực tuyến. Cùng dự có lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao.
Tham dự Diễn đàn có các đại biểu đến từ 18 quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại phiên họp toàn thể, các đoàn đại biểu lần lượt trình bày bài phát biểu về việc tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng thay mặt đoàn đại biểu nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gửi lời cảm ơn đến Bộ Tư pháp Nhật Bản và Văn phòng Liên hợp quốc về phòng chống ma túy và tội phạm vì những nỗ lực không ngừng để có thể tổ chức Diễn đàn trong bối cảnh vô cùng phức tạp của đại dịch Covid-19. Nhân dịp này, Đồng chí gửi lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất đến toàn thể đại biểu tham dự Diễn đàn tại các điểm cầu trên thế giới.
Từ khi Tuyên bố Kyoto được thông qua tại Đại hội Liên hợp quốc lần thứ 14 về phòng chống tội phạm và tư pháp về hình sự vào tháng 3/2021, thế giới đã trải qua một năm vô cùng khó khăn. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và khiến thế giới phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề về con người cũng như sự gián đoạn, bất ổn về kinh tế - xã hội, hoạt động phòng chống tội phạm của các quốc gia cũng bị ảnh hưởng. Sự an toàn của người dân đang bị đe dọa do các đối tượng phạm tội đang lợi dụng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để thực hiện hành vi phạm tội. Phạm tội không chỉ trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia, một khu vực mà đã diễn tiến theo phương thức xuyên biên giới, xuyên quốc gia, xuyên khu vực, đặc biệt là các loại tội phạm trên không gian mạng. Hậu quả mà tội phạm gây ra cho các cá nhân, tổ chức, chính phủ các nước ngày càng nghiêm trọng và đang là thách thức cho mỗi quốc gia.
Để đối phó với những khó khăn trên, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm được xem là hoạt động cốt lõi và nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết của các quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Việc thiết lập mạng lưới hợp tác và liên kết giữa các quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin, phối hợp hoạt động và tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật của mỗi nước.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh, Diễn đàn là cơ hội để các nước tái khẳng định cam kết đối với Tuyên bố Kyoto. Theo đó, các nước phải nâng cao trách nhiệm và tinh thần hợp tác để đạt được những mục tiêu chung nhằm phòng chống tội phạm và đối phó có hiệu quả đối với những thách thức trong tình hình mới. Việt Nam đã, đang và sẽ là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tuân thủ nghiêm chỉnh những quy định và đã đạt được những thành công bước đầu trong việc hiện thực hóa những cam kết của mình. Việt Nam đang nỗ lực để thu hẹp và tiến tới hài hòa hóa về sự khác biệt giữa pháp luật của quốc gia với pháp luật các nước thông qua việc tăng cường ký kết các hiệp định với các quốc gia. Gần đây, VKSND tối cao đã đàm phán và ký kết thành công Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Nhật Bản vào tháng 11/2021. Việt Nam luôn khẳng định những cam kết của mình trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC), Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tham những (UNCAC) và tích cực làm việc với UNODC cũng như với các cơ quan thực thi pháp luật của các đối tác chiến lược.
Với tư cách là thành viên mới của Mạng lưới thu hồi tài sản châu Á – Thái Bình Dương và Mạng lưới hợp tác tư pháp khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cam kết tích cực hợp tác, hỗ trợ các đối tác với nỗ lực cao nhất của mình để cùng các nước đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm xuyên quốc gia. Không dừng lại ở đó, Việt Nam cũng không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia và cải cách hệ thống tư pháp dưới sự hỗ trợ của các đồng nghiệp quốc tế để đối mặt với những thách thức mới.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao tin rằng, việc tái khẳng định những cam kết của các quốc gia tại Diễn đàn quan trọng này sẽ là tiền đề để phát triển cùng nhau, là thông điệp chính trị pháp lý mang tính toàn cầu và sẽ là kim chỉ nam hành động cho các nhà thực thi pháp luật của các nước trên chặng đường phía trước.
Diễn đàn Hợp tác tư pháp về hình sự khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất diễn ra trong hai ngày 14, 15/2/2022. Trong những buổi làm việc tiếp theo, đại biểu từ các quốc gia sẽ làm việc theo hai nhóm, đó là: Nhóm làm việc về tương trợ tư pháp về hình sự và nhóm làm việc về đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Đoàn đại biểu VKSND tối cao sẽ làm việc trong nhóm tương trợ tư pháp về hình sự với các nội dung như sau:
- Tìm hiểu về hoạt động của các cơ quan trung ương, chia sẻ những nguyên tắc và thực tiễn tốt để tăng cường hiệu quả của hoạt động tương trợ tư pháp.
- Xây dựng yêu cầu tương trợ tư pháp và hoạt động trao đổi liên hệ, phối hợp trước khi gửi yêu cầu chính thức.
- Xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài.