CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ bí mật Nhà nước

14/11/2017
Cỡ chữ:   Tương phản
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 13/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và dự án Luật An ninh mạng. ​

 Hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ bí mật Nhà nước

 

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 13/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và dự án Luật An ninh mạng. ​
 
Đại biểu Ngô Minh Châu (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ, chiều 13/11 (Ảnh: Bích Liên)
 Hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ bí mật Nhà nước
Theo Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa X thông qua ngày 28/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2001 (sau đây gọi là Pháp lệnh). Triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác bảo vệ bí mật Nhà nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng, ý thức trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước của các cấp, các ngành, của cán bộ, nhân dân được nâng cao; các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đã xây dựng danh mục bí mật Nhà nước, quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước và tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước; các cơ quan chức năng đã được kiện toàn về tổ chức, làm tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn nhiều âm mưu, hoạt động thu thập bí mật Nhà nước của các thế lực thù địch. Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ bí mật Nhà nước và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong gia đoạn hiện nay.  Bởi vậy, việc sửa đổi và  xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết.
Thảo luận ở tổ, đa số đại biểu tán thành với Tờ trình dự án Luật và cho rằng, dự án Luật đã tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật Nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung dự án Luật cho phù hợp với thực tiễn hiện nay như: Xác định lại phạm vi điều chỉnh và đối tượng, các khái niệm bảo vệ bí mật Nhà nước; quy định thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương trong quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước…
Theo đại biểu Dương Ngọc Hải (TP. Hồ Chí Minh), bí mật Nhà nước là những thông tin quan trọng, thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công khai, nếu bị lộ, mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là cơ sở phân biệt giữa bí mật Nhà nước với các loại bí mật khác, như bí mật công tác, bí mật đời tư.
Nhằm bảo đảm tính khả thi, thống nhất chủ thể được giao lập danh mục bí mật Nhà nước, dự thảo Luật quy định chủ thể lập danh mục bí mật Nhà nước, gồm: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng…
Theo đại biểu, quy định như trên chưa chặt chẽ. “Nếu quy định không rõ sẽ dẫn đến trường hợp có những thông tin bản chất không phải là mật vẫn đưa vào là tài liệu mật, ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin. Bởi vậy, cần quy định rõ ràng cụ thể hơn về nội dung này”, đại biểu đề xuất.
Về thời hạn và việc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước, dự thảo Luật quy định cụ thể thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước: Tuyệt mật: 30 năm; Tối mật: 20 năm; Mật: 10 năm. Thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước được gia hạn nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Về vấn đề này, đại biểu cũng cho rằng, thực tế có những tài liệu mật được bảo vệ suốt đời, chứ không phải 10, 20, 30 năm…Bởi vậy, cần phải bổ sung cơ sở nào quy định các thời hạn 10 năm, 20 năm, 30 năm? Thời hạn gia hạn bao nhiêu lần?
Cũng theo đại biểu Dương Ngọc Hải, dự thảo Luật cần phải bổ sung rõ hơn về cán bộ thực hiện bảo vệ bí mật Nhà nước có những điều kiện, tiêu chuẩn gì được Chính phủ quy định? Đây là nội dung quan trọng phải đưa vào dự thảo Luật.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) góp ý, phạm vi điều chỉnh và một số khái niệm trong dự thảo Luật chưa rõ ràng. Theo đại biểu, Luật cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh, các khái niệm, bổ sung thêm những tài liệu nước ngoài và những điều ước Quốc tế chuyển giao cho Việt Nam. Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị, cần có điều luật quy định tiêu chuẩn  người quản lý bí mật Nhà nước. Vì thời gian qua nhiều hoạt động về vấn đề này còn vướng mắc như: hoạt động báo chí, công tác xuất bản, các bài viết lưu bút…
Làm rõ khái niệm, quy định, tránh trùng lặp với luật hiện hành
Về dự án Luật An ninh mạng (ANM), theo Tờ trình dự án Luật,  quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi, xâm phạm, đe dọa đến quốc phòng, ANQG, trật tự an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Trong khi đó hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nước ta chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở. Do đó, việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết.
Nhiều đại biểu băn khoăn dự thảo Luật có những nội dung chưa tách bạch rõ ràng giữa an ninh mạng với an toàn thông tin mạng và trùng lặp với quy định của Luật khác. Bởi vậy, cần tiếp tục rà soát, đối chiếu dự thảo Luật với các luật khác có liên quan, không để có sự trùng lặp trong hệ thống pháp luật.
Cho ý kiến về dự án Luật ANM, đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, việc quản lý hoạt động mạng hiện có nhiều bất cập. Nhiều quy định trong dự án Luật có sự chồng chéo, giẫm chân từ đối tượng điều chỉnh đến chức năng nhiệm vụ với các Luật trước đây như: Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin…Bởi vậy, Ban soạn thảo cần rà soát lại những nội dung này cho phù hợp, tránh chồng chéo với các Luật khác.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), vấn đề an ninh mạng là vấn đề cấp bách. Bởi vậy, cần sửa đổi, bổ sung lại để Việt Nam theo kịp bước tiến của thế giới, phát huy quyền tự do dân chủ, sáng tạo của người sử dụng mạng.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung làm sao tạo ra được không gian pháp lý, hành lang pháp lý để người dân hiểu và sử dụng an toàn.Ở một khía cạnh khác, đại biểu Ngô Minh Châu cho biết, tình hình an ninh mạng ở Việt Nam trong thời gian qua diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, nhất là các cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp lớn, làm ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Vấn đề sử dụng không gian mạng thực hiện các hành vi chống đối, âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” có chiều hướng gia tăng. Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng không gian mạng để hoạt động chống phá, đăng tải các video, thông tin, bài viết sai trái, xuyên tạc tình hình đất nước... gây mất ổn định về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh.
Bên cạnh đó, việc sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội trong thời gian qua cũng gia tăng, nhất là tình hình đối tượng tấn công mạng, xâm nhập cơ sở dữ liệu của các ngân hàng, doanh nghiệp bán hàng, thanh toán trực tuyến…
Trước sự phức tạp trên, đại biểu đề nghị, việc xây dựng dự án Luật phải được xem như một bộ lọc, bảo đảm được các vấn đề an ninh, chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội… Việc xây dựng dự án Luật phải bảo đảm phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ mất an ninh mạng, khắc phục được những tồn tại, hạn chế liên quan đến an ninh mạng. Đặc biệt, các quy định trong Luật phải phù hợp với Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân và phù hợp với thông lệ của quốc tế./.
Bích Liên

 (Theo dangcongsan.vn)

Tìm kiếm