CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

31/08/2018
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 05/7/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 57/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền...

Ngày 05/7/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 57/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Dưới đây Trang tin điện tử VKSND tối cao giới thiệu một số quy định đối với tài sản do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân các cấp ra quyết định tịch thu.

Việc chuyển giao, tiếp nhận, bảo quản tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Việc chuyển giao, tiếp nhận, bảo quản tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được quy định tại Điều 3 Thông tư này. Theo đó, đối với tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và đã có quyết định thi hành án của cơ quan có thẩm quyền và tài sản là vật chứng vụ án do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân các cấp ra quyết định tịch thu, đơn vị chủ trì quản lý tài sản quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP chịu trách nhiệm bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp phải chuyển giao cho cơ quan chuyên ngành bảo quản theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

 Lập, phê duyệt phương án xử lý tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án tịch thu

- Đối với tài sản do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân các cấp ra quyết định tịch thu thuộc thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định tịch thu có hiệu lực pháp lý, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đề xuất phương án xử lý (kèm theo 01 bản quyết định tịch thu - bản sao), báo cáo cơ quan cấp trên (nếu có), trình Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản đề nghị Bộ Tài chính phê duyệt theo thẩm quyền. Căn cứ đề nghị của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công thuộc Bộ Tài chính lập phương án xử lý, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền.

- Đối với tài sản thuộc thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 19 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP:

Đối với tài sản do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân các cấp ra quyết định tịch thu xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý, sử dụng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định tịch thu có hiệu lực pháp lý, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đề xuất phương án xử lý (kèm theo 01 bản quyết định tịch thu - bản sao) gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch báo cáo Sở Tài chính (đối với tài sản do cơ quan thi hành án, Viện kiểm sát cấp huyện quyết định tịch thu) hoặc gửi Sở Tài chính (đối với tài sản do cơ quan thi hành án, Viện kiểm sát cấp tỉnh quyết định tịch thu) lập phương án xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý, sử dụng, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền thuộc cấp tỉnh được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 19 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP phê duyệt theo quy định (đối với trường hợp tài sản do người có thẩm quyền thuộc cấp tỉnh phê duyệt phương án xử lý). Trường hợp tài sản do người có thẩm quyền thuộc cấp huyện phê duyệt phương án xử lý theo phân cấp thì Phòng Tài chính - Kế hoạch lập phương án xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của cấp huyện, trình người có thẩm quyền thuộc cấp huyện phê duyệt theo quy định.

Đối với tài sản do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân các cấp ra quyết định tịch thu xử lý theo các hình thức còn lại quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lập phương án xử lý tài sản, báo cáo cơ quan cấp trên (nếu có), lấy ý kiến của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công thuộc địa phương, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền thuộc cấp tỉnh được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 19 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP phê duyệt (đối với trường hợp tài sản do người có thẩm quyền thuộc cấp tỉnh phê duyệt phương án xử lý) hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền. Trường hợp tài sản do người có thẩm quyền thuộc cấp huyện phê duyệt phương án xử lý theo phân cấp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lập phương án xử lý tài sản, lấy ý kiến của Phòng Tài chính - Kế hoạch, trình người có thẩm quyền thuộc cấp huyện phê duyệt theo quy định.

Xử lý chuyển tiếp

Đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân trước ngày Nghị định số 29/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (trừ tài sản quy định tại khoản 2 Điều 14) nhưng chưa được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý thì thực hiện việc quản lý, xử lý theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP và Thông tư này (trong đó đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang tổ chức thực hiện bán, thanh lý, tiêu hủy theo quy định của pháp luật tại thời điểm Nghị định số 29/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì phải bổ sung quyết định phê duyệt phương án để thực hiện các bước tiếp theo).

Trường hợp tài sản đã có quyết định phê duyệt phương án xử lý đang thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị định số 29/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành nhưng chưa hoàn thành việc thực hiện xử lý thì tiếp tục thực hiện các bước xử lý chưa hoàn thành và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP và Thông tư này.

Các quy định bị bãi bỏ

Thông tư này bãi bỏ các quy định sau:

- Thông tư số 159/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập, quyền sở hữu của Nhà nước.

- Khoản 3 Điều 4; điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 5; Điều 7 và Điều 8 Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

- Điều 13, 14, 15, 16, 17, 18 và 19 Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2018.

Xem toàn văn Thông tư số 57/2018/TT-BTC tại đây.

Thanh Hằng

(Giới thiệu)

 

Tìm kiếm