(Kiemsat.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 3, sáng 20/9 Ủy ban thường vụ quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội
thảo luận Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)
(Kiemsat.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 3, sáng 20/9 Ủy ban thường vụ quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp thứ 3 UBTVQH
Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật bồi thường Nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long cho biết việc sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009 là nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thông qua đó, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) có 9 chương, 84 điều quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án bao gồm: quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước…
Một trong những vẫn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm là Cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2009 chỉ quy định một loại cơ quan là Cơ quan có trách nhiệm bồi thường, còn dự thảo Luật mới xây dựng mô hình ba trong một. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường chính là cơ quan gây thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường, đồng thời cũng là cơ quan ra quyết định bồi thường.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị giữ mô hình cơ quan giải quyết bồi thường như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan cấp trên trong việc hướng dẫn tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết bồi thường.
Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành với mô hình cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo Luật. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước tập trung như kinh nghiệm của một số nước (thành lập một cơ quan chuyên trách giải quyết việc bồi thường nhà nước) để bảo đảm tính chuyên nghiệp, thống nhất.
Liên quan đến quy định về thủ tục giải quyết bồi thường và cơ quan đại diện Nhà nước tham gia tố tụng trong dự thảo luật còn có nhiều ý kiến khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh một số trường hợp bị oan phải bồi thường được dư luận xã hội chú ý trong thời gian qua như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận....Qua những trường hợp trên cho thấy để nhận được bồi thường thì mất rất nhiều thời gian và trải qua nhiều thủ tục phức tạp, khó thực hiện.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào cũng cho rằng luật hiện hành chưa quy định cụ thể về xác định thiệt hại bồi thường nên thực hiện rất khó.
Đ/c Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại phiên họp
Đồng nhất quan điểm với các đại biểu, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cũng cho rằng: “cái khó nhất là quy định chưa rõ về nội dung bồi thường, do đó cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người được bồi thường chưa thống nhất với nhau”. Ông đề nghị cần quy định rõ nội dung bồi thường, trường hợp nào thì phải bồi thường; thủ tục bồi thường và cần có cách tính mức độ thiệt hại về tinh thần và vật chất; ai là người có trách nhiệm bồi hoàn…
Thu Hiền - kiemsat.vn