CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

05/11/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 161/NQ-CP về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, khẩn trương, kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương, kịp thời ban hành quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có các DNNN nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua còn chậm, chưa đạt kết hoạch đề ra; việc phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử gặp khó khăn, vướng mắc. Việc phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành, địa phương; việc triển khai Đề án cơ cấu lại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng phê duyệt chậm, đặc biệt là nội dung thoái vốn, cổ phần hóa. Trong thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn phát sinh một số vướng mắc. Tốc độ tăng trưởng có tăng lên nhưng việc thu hút vốn vốn đầu tư phát triển mới thấp hơn doanh nghiệp ngoài nhà nước và các doanh nghiệp khu vực FDI…

Trước tình hình đó, Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Cụ thể như sau:

Tận dụng tối đa cơ hội, lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mới

Nghị quyết đã đưa ra các nhiệm vụ quan trọng đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN, khẳng định vai trò của các doanh nghiệp này trong nền kinh tế thị trường, như:

- Khẩn trương nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực.

- Đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới phát triển công nghệ. Mỗi Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo. Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị, tiên phong trong việc thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

- Chủ động hơn nữa trong hội nhập, vươn ra thị trường quốc tế; lấy thị trường nội địa làm trọng tâm, làm bàn đạp để vươn mình hội nhập, kết nối với chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu.

- Phát huy sức mạnh đoàn kết, tăng cường liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ giữa các DNNN và các doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần kinh tế khác, tạo ra các chuỗi liên kết, cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài.

- Chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng tận dụng cơ hội, lợi thế của các FTAs mới để chuyển hướng, tạo chuỗi giá trị mới, củng cố và mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thế giới.

- Nâng cao vai trò kiến tạo tại những địa bàn khó khăn, quan tâm đầu tư đến những lĩnh vực, địa bàn tư nhân không muốn đầu tư, những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng; xây dựng tiêu chí cụ thể, toàn diện để đánh giá hiệu quả đúng hơn nữa của DNNN trong nền kinh tế.

- Góp phần tích cực trong cơ cấu lại nền kinh tế, giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh cho nền kinh tế (an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường...).

- Tiếp tục phát huy vai trò, đổi mới mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể trong quá trình cơ cấu lại DNNN.

Đề nghị tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ công chức, viên chức

Nghị quyết số 161/NQ-CP còn đưa ra nhiều chỉ đạo đối với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, trong đó, đáng chú ý là nội dung Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ thực hiện tách người quản lý DNNN khỏi chế độ công chức, viên chức. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ có trách nhiệm nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi cơ chế chính sách để gắn kết quả của việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu, tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN.

NTH
Tìm kiếm