Ngày 17/9/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học.
Thông tư nêu rõ, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nhằm mục tiêu hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học, góp phần phát hiện và bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ tài năng, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao. Ngoài ra, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp góp phần tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Theo đó, khi tham gia nghiên cứu khoa học, sinh viên được hưởng những quyền lợi sau:
- Được đề xuất, đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.
- Được tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị sẵn có của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện hoạt động nghiên cứu.
- Được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học theo định mức quy định của cơ sở giáo dục đại học.
- Được công bố, hỗ trợ công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu, các ấn phẩm khoa học và công nghệ khác trong và ngoài nước theo quy định.
- Được hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu theo quy định hiện hành.
- Được xem xét ưu tiên cộng điểm học tập, điểm rèn luyện; ưu tiên xét cấp học bổng và các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của cơ sở giáo dục đại học;
- Được hưởng các quyền lợi khác theo quy định.
Bên cạnh quyền lợi, sinh viên phải có trách nhiệm thực hiện các nghiên cứu khoa học một cách trung thực, nghiêm túc; chịu trách nhiệm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên; tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, diễn đàn, các hoạt động khoa học và công nghệ khác trong các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, hoạt động khoa học và công nghệ và các quy định khác của pháp luật hiện hành.
Thông tư số 26/2021/T-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 02/11/2021 và thay thế Thông tư số 19/2012/TT-BGDĐT.