CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn giám sát trọng điểm hội chứng cúm

02/12/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Trước tình hình các chủng vi rút cúm có tỷ lệ đột biến cao và tạo ra một chủng cúm mới, đe dọa cho sức khỏe con người, có thể gây dịch lớn và đại dịch trong những năm gần đây , Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn giám sát trọng điểm hội chứng cúm (HCC) (kèm theo Quyết định số 4962/QĐ-BYT).

Trên thế giới, một số phân týp cúm A đã gây nên các đại dịch cúm như H2N2, H3N8, H3N2, H1N1... gần đây nhất là đại dịch cúm A(H1N1) năm 2009, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như: H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3 và H5N8. Từ năm 2006, hệ thống giám sát cúm quốc gia của Việt Nam gồm 15 điểm giám sát được thành lập, hiện nay tiếp tục duy trì 8 điểm giám sát. Kết quả giám sát trọng điểm HCC đã cung cấp nhiều thông tin về dịch tễ học, vi rút học cần thiết cho việc lập kế hoạch, hướng dẫn, định hướng cho các hoạt động và chính sách phòng chống bệnh cúm tại Việt Nam.

Theo đó, ngày 27/11/2020, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn giám sát trọng điểm hội chứng cúm (HCC) nhằm mục tiêu mô tả đặc điểm dịch tễ các trường hợp cúm theo các yếu tố thời gian, địa điểm và con người; xác định đặc tính kháng nguyên, tính kháng thuốc, đặc điểm di truyền của các chủng vi rút cúm lưu hành và phát hiện sớm các chủng vi rút cúm mới; và cung cấp thông tin cho việc đánh giá gánh nặng bệnh cúm, dự báo dịch bệnh cúm và chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát cúm toàn cầu.

Trường hợp hội chứng cúm cho giám sát là trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính với các tiêu chuẩn sau: Sốt ≥ 38°C; ho; và khởi phát trong vòng 10 ngày.

05 bước thực hiện giám sát trọng điểm hội chứng cúm (HCC)

Bước 1: Lựa chọn trường hợp hội chứng cúm

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sàng lọc và ghi nhận tất cả các trường hợp HCC phù hợp định nghĩa trường hợp hội chứng cúm cho giám sát được phát hiện hàng ngày từ Thứ 2 đến Thứ 6 hàng tuần.

Đảm bảo lựa chọn 10 bệnh nhân HCC/tuần để điều tra và lấy mẫu xét nghiệm. Ưu tiên lựa chọn những trường hợp HCC đầu tiên trong ngày, tốt nhất lấy 2 mẫu/ngày, nếu không đủ 2 mẫu có thể lấy bù vào ngày tiếp theo hoặc có thể lấy nhiều hơn 2 mẫu/ngày nhưng không quá 5 mẫu/ngày. Nếu đến hết Thứ 6 mà không đủ 10 mẫu thì dừng lại và không thực hiện lấy bù trong ngày Thứ 7, Chủ nhật và tuần tiếp theo.

Bước 2: Điều tra, lấy mẫu và báo cáo

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiến hành điều tra, lấy mẫu và báo cáo như sau:

- Thực hiện điều tra thông tin theo Phiếu điều tra trường hợp HCC.

- Thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp HCC được lựa chọn và điền phiếu lấy mẫu bệnh phẩm trường hợp hội chứng cúm.

- Thực hiện báo cáo hoạt động giám sát hàng tuần theo Báo cáo tuần.

Bước 3. Đóng gói, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm

- Đóng gói, bảo quản mẫu bệnh phẩm: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện đóng gói và bảo quản mẫu bệnh phẩm.

- Vận chuyển mẫu bệnh phẩm: Mẫu bệnh phẩm phải được vận chuyển từ tỉnh triển khai giám sát về Viện Vệ sinh dịch tễ (VSDT), Viện Pasteur khu vực đảm bảo ít nhất 1 lần/tuần để thực hiện xét nghiệm hàng tuần.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vận chuyển mẫu bệnh phẩm về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh, thành phố hoặc Viện VSDT, Viện Pasteur khu vực. Trung tâm KSBT tỉnh, thành phố vận chuyển mẫu bệnh phẩm về Viện VSDT, Viện Pasteur khu vực.

Khi bàn giao mẫu bệnh phẩm, bên giao và bên nhận phải ký xác nhận vào “Sổ giao nhận bệnh phẩm - Phiếu điều tra trường hợp HCC - Báo cáo tuần”.

Bước 4. Tiếp nhận mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm và trả lời kết quả xét nghiệm

- Viện VSDT, Viện Pasteur tiếp nhận mẫu bệnh phẩm, tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm trước Thứ 5 hàng tuần để đảm bảo kết quả xét nghiệm được gửi đến các đơn vị liên quan đúng thời gian quy định.

- Viện VSDT, Viện Pasteur trả kết quả xét nghiệm cho các đơn vị gửi mẫu và Trung tâm KSBT tỉnh, thành phố cùng địa bàn của đơn vị gửi mẫu trước 16h00 Thứ 6 hàng tuần.

Trong trường hợp khẩn cấp cần xác nhận lại kết quả để phục vụ công tác điều trị, phòng chống dịch ... thì Viện VSDT, Viện Pasteur sẽ thông báo cho các điểm giám sát ngay khi có kết quả.

- Đối với các tác nhân cúm gia cầm như A(H5N1), A(H5N6), A(H7N9)..., tác nhân cúm không phân týp được, tác nhân gây bệnh truyền nhiễm gây bệnh mới nổi phải được thông báo ngay theo quy định hiện hành. Đối với các tác nhân cúm A không phân týp được, các Viện gửi mẫu bệnh phẩm đến các phòng xét nghiệm tham chiếu để xác định.

- Viện VSDT, Viện Pasteur hàng tháng thực hiện giải trình tự gen tất cả các chủng vi rút cúm phát hiện được thông qua giám sát HCC (bao gồm cả những chủng vi rút cúm A không phân týp được) và không quá 5 mẫu cho một chủng vi rút cúm.

Bước 5. Lưu mẫu và hủy mẫu bệnh phẩm

Viện VSDT, Viện Pasteur thực hiện lưu mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Thời gian lưu mẫu bệnh phẩm ít nhất 1 năm. Sau đó nếu hủy mẫu thì phải tuân theo quy trình hủy mẫu và lưu hồ sơ theo quy trình của đơn vị.

Quyết định số 4962/QĐ-BYT có hiệu lực kể từ ngày 27/11/2020.

NTH
Tìm kiếm