CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nghị định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

25/09/2018
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 11/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nghị định này gồm 3 chương, 18 Điều, áp dụng đối với:...

Ngày 11/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nghị định này gồm 3 chương, 18 Điều, áp dụng đối với: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp sau:

- Việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà thông tin đó thuộc danh mục bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

- Việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

- Việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho cơ quan, tổ chức, cá nhân để sử dụng vào mục đích phòng, chống rửa tiền; phòng, chống khủng bố được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống khủng bố.

Nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng

- Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng khi truy cập các dịch vụ ngân hàng bao gồm mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập của khách hàng, thông tin xác thực khách hàng khác cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng đó.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân chỉ được yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích khi yêu cầu cung cấp thông tin và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu đối với thông tin khách hàng, hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, việc giao nhận thông tin khách hàng.

Việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan nhà nước

Hình thức yêu cầu, cung cấp thông tin khách hàng

Có 2 hình thức yêu cầu, cung cấp thông tin khách hàng là:

- Hình thức gián tiếp: yêu cầu, cung cấp thông tin khách hàng được thực hiện thông qua các tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính hoặc thông qua phương tiện điện tử, hệ thống mạng viễn thông và mạng máy tính. Việc yêu cầu, cung cấp thông tin khách hàng thông qua phương tiện điện tử, hệ thống mạng viễn thông, mạng máy tính phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, hướng dẫn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và phù hợp với điều kiện kỹ thuật của các bên;

- Hình thức trực tiếp: yêu cầu, cung cấp thông tin khách hàng được thực hiện tại trụ sở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và thông qua người đại diện của các bên.

Cách thức giao nhận thông tin khách hàng:

- Đối với hình thức gián tiếp thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính: việc giao, nhận bưu gửi chứa thông tin khách hàng phải theo hình thức bảo đảm, vào sổ ghi nhận, theo dõi việc giao, nhận bưu gửi chứa thông tin khách hàng giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính. Đối với hình thức gián tiếp thông qua phương tiện điện tử, hệ thống mạng viễn thông và mạng máy tính: việc truyền, nhận, cung cấp, lưu trữ thông tin khách hàng phải bảo đảm an toàn thông tin và tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, an toàn thông tin mạng, hướng dẫn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Đối với hình thức trực tiếp: việc giao nhận thông tin khách hàng phải được lập thành biên bản, có con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền theo phân cấp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và chữ ký của người đại diện nhận thông tin khách hàng.

Thời hạn cung cấp thông tin khách hàng

- Trường hợp pháp luật liên quan có quy định cụ thể về thời hạn cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan nhà nước thì thời hạn cung cấp thông tin khách hàng là thời hạn quy định tại pháp luật liên quan đó kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

- Trường hợp pháp luật liên quan không quy định cụ thể về thời hạn cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan nhà nước thì thời hạn cung cấp thông tin khách hàng thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và cơ quan nhà nước hoặc theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng tối đa không quá thời hạn sau đây: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo quy định tại Nghị định này đối với trường hợp thông tin khách hàng đơn giản, có sẵn; 25 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo quy định tại Nghị định này đối với trường hợp thông tin khách hàng phức tạp, không có sẵn.

Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin khách hàng

Khi cần thông tin khách hàng, cơ quan nhà nước gửi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo quy định tại Nghị định này.

Khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện như sau:

- Trường hợp hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng đầy đủ theo quy định tại Nghị định này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu thập và cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan nhà nước theo đúng yêu cầu và thời hạn quy định tại Điều 7 Nghị định này.

Trường hợp cung cấp trực tiếp cho người đại diện của cơ quan nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải yêu cầu người đại diện xuất trình chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu để đối chiếu khớp đúng với văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng trước khi giao nhận thông tin khách hàng.

- Trường hợp hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng chưa đầy đủ theo quy định tại Nghị định này, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu cơ quan nhà nước hoặc người đại diện bổ sung đầy đủ thông tin và tài liệu cần thiết theo đúng quy định tại Nghị định này.

- Trường hợp từ chối cung cấp thông tin khách hàng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định này hoặc chậm cung cấp thông tin khách hàng do nguyên nhân bất khả kháng, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có văn bản thông báo gửi cơ quan nhà nước trong đó nêu rõ lý do từ chối hoặc chậm cung cấp thông tin khách hàng.

Hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng

Điều 9 quy định văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng do cá nhân có thẩm quyền quy định tại Điều 10 Nghị định này ký và có nội dung sau đây: Căn cứ pháp lý cụ thể quy định thẩm quyền được yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng; lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng trong đó nêu rõ mối liên quan của khách hàng với mục đích yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng; nội dung, phạm vi thông tin khách hàng, thời hạn cung cấp; hình thức yêu cầu, cung cấp thông tin khách hàng; hình thức văn bản cung cấp thông tin (bản sao, bản in, bản mềm và các hình thức khác theo quy định của pháp luật); họ và tên; số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu; địa chỉ, số điện thoại của người đại diện nhận thông tin khách hàng đối với trường hợp cung cấp thông tin theo phương thức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định này; nội dung yêu cầu khác (nếu có).

Tài liệu do cấp có thẩm quyền ban hành và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan để chứng minh lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng (quyết định thanh tra, quyết định kiểm tra, quyết định kiểm toán, quyết định khởi tố, bản án, quyết định thi hành án, quyết định truy tố, quyết định cưỡng chế, quyết định xử phạt vi phạm hoặc văn bản tương đương khác).

Tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này không áp dụng đối với yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng của cơ quan nhà nước cho mục đích thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bảo vệ an ninh quốc gia; phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định.

Thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng

Thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng được quy định tại Điều 10 Nghị định này. Theo đó, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Viện kiểm sát quân sự các cấp theo quy định của pháp luật về kiểm sát nhân dân được quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018. Nghị định này thay thế Nghị định số 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000 của Chính phủ về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng. Đối với yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cung cấp thông tin khách hàng theo quy định pháp luật tại thời điểm yêu cầu cung cấp thông tin.

Xem toàn văn Nghị định số 117/2018/NĐ-CP tại đây.

Thanh Hằng

(Giới thiệu)

 

Tìm kiếm