CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

​Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ

21/05/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Chiều ngày 20/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Chiều ngày 20/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường nghe trình bày báo cáo

thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Pháp luật thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Nội dung dự thảo Luật về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực hiện Hiệp định CPTPP theo đúng lộ trình thực hiện các cam kết liên quan đến bảo hiểm và sở hữu trí tuệ, phù hợp với nội dung được xác định tại Phụ lục 3 của Nghị quyết số 72/2018/QH14, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm hướng đến mở cửa thị trường dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Về phần sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các quy định của dự thảo Luật như về phạm vi dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và quy định xử lý đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới phát sinh về cơ bản là phù hợp, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa để thực hiện cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo Hiệp định CPTPP và Phụ lục 3 của Nghị quyết số 72/2018/QH14.

Về nội dung cụ thể, Ủy ban Pháp luật tán thành việc xác định dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và sự cần thiết sửa đổi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục 4 của Luật Đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số nội dung để hoàn chỉnh dự thảo luật. Cụ thể, dự thảo Luật chỉ yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp mà không quy định rõ cơ chế thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thì sẽ không bảo đảm ý nghĩa thực tiễn của yêu cầu về bảo đảm tài chính của chủ thể kinh doanh. Do đó Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể về thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật 

Một số thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định về điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có trình độ đại học hoặc trên đại học (trình độ chuyên môn cao) hoặc chứng chỉ đào tạo (chỉ có tính chất bồi dưỡng chuyên môn trong một thời gian ngắn) là chưa bảo đảm sự tương xứng về yêu cầu trình độ chuyên môn; đồng thời, việc quy định có bằng trên đại học là không cần thiết vì Luật chỉ cần xác định tiêu chuẩn tối thiểu là đủ. Do đó, đề nghị chỉnh lý lại tiêu chuẩn văn bằng, chứng chỉ đào tạo cho phù hợp với yêu cầu chuyên môn của việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Nội luật hóa quy định của CPTPP về sở hữu trí tuệ trong luật

Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ. Các quy định của dự thảo Luật đã nội luật hóa các cam kết liên quan đến sở hữu trí tuệ trong Hiệp định CPTPP được xác định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 về ngoại lệ đối với tính mới, trình độ sáng tạo của sáng chế; nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo hệ thống nộp đơn trực tuyến; xác định chỉ dẫn địa lý là tên gọi chung của hàng hóa tại Việt Nam; đơn đề nghị quốc tế về chỉ dẫn địa lý, hiệu lực pháp lý của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, căn cứ tính mức bồi thường trong tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, nghĩa vụ cung cấp thông tin cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ của cơ quan hải quan.

Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc quy định mở rộng ngoại lệ đối với trình độ sáng tạo của sáng chế để nội luật hóa quy định tại Điều 18.38 của Hiệp định CPTPP về trường hợp ngoại lệ đối với trình độ sáng tạo của sáng chế. Tán thành với quy định bên thua kiện phải thanh toán cho bên thắng kiện chi phí hợp lý để thuê luật sư, bồi thường thiệt hại do hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để nội luật hóa cam kết tại Điều 18.74.10, Điều 18.74.15 của Hiệp định CPTPP.Song Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định nguyên tắc xác định hành vi lạm dụng thủ tục hoặc giải thích thuật ngữ “lạm dụng thủ tục” làm cơ sở cho Tòa án nhân dân xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chi phí hợp lý thuê luật sư trong trường hợp này.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm: (i) hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, (ii) hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, và (iii) hàng hóa sao chép lậu. Như vậy, có thể hiểu quy định sửa đổi tại khoản 1 Điều 218 áp dụng đối với cả 3 loại hàng hóa nêu trên. Trong khi đó, Hiệp định CPTPP (Điều 18.76.4) quy định việc kiểm soát biên giới chỉ áp dụng đối với hai trường hợp hàng hóa bị nghi ngờ là (i) hàng giả mạo nhãn hiệu hoặc (ii) hàng hóa sao lậu quyền tác giả. Do đó, đề nghị chỉnh sửa lại quy định này phù hợp với phạm vi đã cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Ngay sau phiên họp toàn thể, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật này vào chiều cùng ngày.

Bảo Yến

(quochoi.vn)

Tìm kiếm