CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương

14/09/2018
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 31/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2018/NĐ-CP quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các...

 

Ngày 31/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2018/NĐ-CP quy định về ngày thành lập, ngày truyền thng, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2018, bãi bỏ Điều 17 Chương 4 Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ.

Nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống

Nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống được quy định bao gồm:

- Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức;

- Chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền;

- Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn. Trường hợp bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm;

- Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.

Công nhận ngày truyền thống

Điều kiện công nhận ngày truyền thống là: Có tài liệu lịch sử thể hiện ngày cụ thể đánh dấu bằng sự kiện đáng ghi nhớ; ngày diễn ra sự kiện đáng ghi nhớ phải cách thời điểm đề nghị công nhận ít nhất là 10 năm; có tính giáo dục truyền thống lịch sử và ý nghĩa đối với bộ, ngành, địa phương.

Hồ sơ đề nghị công nhận ngày truyền thống bao gồm: Công văn đề nghị công nhận ngày truyền thống; bản thuyết minh sự cần thiết, tính giáo dục, ý nghĩa của việc công nhận ngày truyền thống; bản chụp các tài liệu chứng minh sự ra đời hoặc ngày diễn ra sự kiện đáng ghi nhớ; văn bản thẩm định của cơ quan thẩm định; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ công nhận ngày truyền thống. Hồ sơ phải đảm bảo các tiêu chí: Sự đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ; tính chính xác của các tài liệu chứng minh; tính hợp lý, sự cần thiết của việc công nhận ngày truyền thống. Trình tự công nhận ngày truyền thống của bộ, ngành, cấp tỉnh được quy định chi tiết tại Điều 8 Nghị định này.

Tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống

Đối với những năm tròn, Bộ, ngành, cấp tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trong đó xác định về thời gian, địa điểm, chương trình, thành phần của lễ kỷ niệm. Bộ trưởng, người đứng đầu ngành cơ quan trung ương phê duyệt kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm của bộ, ngành. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm của cấp tỉnh và tại địa phương. Người đứng đầu bộ, ngành, cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống theo kế hoạch đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm về việc tổ chức lễ kỷ niệm bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

Đối với những năm khác, Bộ, ngành, cấp tỉnh chỉ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua, hội thảo, tọa đàm và các hoạt động thiết thực khác kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, không tổ chức lễ kỷ niệm.

Kinh phí tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống được cân đối bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của các cơ quan, địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Khánh tiết, trang trí lễ kỷ niệm, trang phục của người tham dự, đại biểu, khách mời và nghi thức lễ kỷ niệm được quy định từ Điều 10 đến 13 Nghị định này.

Điều kiện, yêu cầu tổ chức ngày hưởng ứng

Cơ quan, tổ chức, đơn vị được tổ chức ngày hưởng ứng khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Do Việt Nam tham gia các Điều ước quốc tế hoặc những sự kiện được cộng đồng quốc tế kêu gọi tham gia;

- Chủ đề của ngày hưởng ứng có tính cần thiết, đáp ứng yêu cầu ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương.

Kế hoạch tổ chức ngày hưởng ứng phải thể hiện rõ quy mô, thời gian, địa điểm, hình thức, nội dung chương trình. Ngày hưởng ứng quy mô quốc gia do bộ quản lý ngành, lĩnh vực phê duyệt. Ngày hưởng ứng quy mô cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Tổ chức ngày hưởng ứng phải đảm bảo các yêu cầu: Bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả và sử dụng nguồn lực từ hoạt động xã hội hóa; chương trình tổng thể, nội dung, hình thức của các thông điệp tuyên truyền phải bảo đảm phù hợp chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam; các sự kiện mít tinh, diễu hành, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của ngày hưởng ứng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường an toàn xã hội.

Ngày truyền thống các Ban của Đảng và các ngành đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác thì không áp dụng quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự công nhận quy định tại Nghị định này, nhưng phải thực hiện các quy định về tổ chức hoạt động kỷ niệm tại Nghị định này. Đối với ngày thành lập, ngày truyền thống đã được các cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc quyết định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không phải thực hiện các trình tự, thủ tục để công nhận lại.

Xem toàn văn Nghị định số 111/2018/NĐ-CP tại đây.

Thanh Hằng

(Giới thiệu)

 

 

 

 

 

Tìm kiếm