CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 – 2021

13/03/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Chiều ngày 12/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp...

Chiều ngày 12/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất tới nay, các đơn vị hành chính đã có nhiều lần thay đổi lớn. Đó là giai đoạn hợp nhất (1976 - 1986) và giai đoạn chia, tách, thành lập mới các đơn vị hành chính của 3 cấp tỉnh, huyện, xã từ cuối những năm 80, đầu thập kỷ 90 và kéo dài cho đến năm 2013 (khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành). Đối với đơn vị hành chính nói chung và các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nói riêng, sự biến động thường xuyên các đơn vị hành chính đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân.

Quá trình chia, tách, thành lập mới đơn vị hành chính các cấp, bên cạnh một số kết quả trước mắt đạt được như việc quản lý của chính quyền gần dân hơn, sau khi chia tách được sự đầu tư từ ngân sách nhà nước nên có những thay đổi nhất định về kinh tế - xã hội, thì việc chia, tách đơn vị hành chính cũng phát sinh không ít hạn chế, đó là sự chia nhỏ đơn vị hành chính dẫn đến phân tán các nguồn lực, tiềm năng phát triển của các địa phương, làm cho bộ máy nhà nước thêm cồng kềnh, tăng biên chế công chức, viên chức, gây lãng phí ngân sách cho đầu tư xây dựng trụ sở làm việc…

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình

Để khắc phục những bất cập, hạn chế của việc chia, tách các đơn vị hành chính trong thời gian qua, dẫn đến hiện nay có rất nhiều đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định; đồng thời để thực hiện chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 là cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết gồm 03 chương và 18 điều, quy định về Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; số lượng lãnh đạo, quản lý và biên chế công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi thực hiện sắp xếp…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra

Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày, các thành viên Ủy ban Pháp luật đã góp nhiều ý kiến về các nội dung chính và từng điều khoản cụ thể của dự thảo Nghị quyết, trong đó tập trung vào 5 nội dung: (1) đề nghị phân biệt rõ các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải tiến hành sắp xếp với các đơn vị hành chính chưa thực hiện sắp xếp do có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính được khuyến khích thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021; (2) xác định cụ thể các nguyên tắc, căn cứ sắp xếp đơn vị hành chính và các điều kiện, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp; (3) xác định một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính ở nông thôn vào đơn vị hành chính ở đô thị liền kề; (4) đơn giản hóa trình tự, thủ tục, thời hạn trong việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính nhưng vẫn phù hợp với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; (5) việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và số lượng lãnh đạo, quản lý, biên chế công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đơn vị,…

Những nội dung này cơ bản đều đã được Chính phủ phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu và được chỉnh lý, hoàn thiện như đã thể hiện trong dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật thống nhất với những nội dung tiếp thu của Chính phủ như trong dự thảo Nghị quyết mới.

Cho ý kiến về các nội dung này, đa số các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã quán triệt được tinh thần của Trung ương; Bộ Nội vụ cùng Ủy ban Pháp luật đã làm việc khẩn trương, thống nhất cơ bản các nội dung của dự thảo. Các ý kiến cũng nhất trí việc ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn, thông qua tại một Kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng, sau khi ban hành, trong lộ trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phải báo cáo kịp thời với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một số ý kiến cho rằng, Nghị quyết này không có Phạm vi điều chỉnh. Tên của Nghị quyết là về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 – 2021, nhưng tại Chương I- Quy định chung lại đi thẳng vào đối tượng áp dụng luôn, do đó cần phải bổ sung, ghi rõ Nghị quyết quy định về cái gì. Các đại biểu cũng cho rằng, tại Khoản 2 Điều 9 có quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục, số lượng vị trí việc làm và tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước và phù hợp với thực tế. Chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành thì số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định”. Vậy sau 5 năm cũng có thể là 6, 7 năm, do đó nên chăng đổi thành “không quá 5 năm”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết

về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, về lộ trình tổ chức thực hiện từ nay đến 2021, yêu cầu trong năm 2019 cơ bản sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Năm 2020, 2021 thì sắp xếp các đơn vị còn lại. Nghị quyết lần này chỉ tập trung giải quyết những vấn đề của năm 2019 này đối với những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt cả 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, phải cân nhắc, tính toán đến cả những yếu tố như đặc thù về lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, điều kiện địa lý tự nhiên, cộng đồng dân cư và yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Về vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, Nghị quyết không quy định rõ mà sẽ có một văn bản của Đảng Đoàn Quốc hội để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Việc tổ chức bộ máy ở đây không chỉ có bộ máy của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn mà cả hệ thống chính trị trên đơn vị hành chính đó.

Về chế độ chính sách với cán bộ, phải linh hoạt nhưng đồng thời, phải có nguyên tắc. Khi nhập vào, số lượng cấp phó và số lượng cán bộ công chức sẽ dôi lên so với quy định chuẩn hiện nay nhưng đưa ra lộ trình trong thời hạn 5 năm phải bảo đảm quay lại theo đúng quy định. Trước mắt phải tạm dừng việc bổ nhiệm, bầu các đơn vị mới trừ trường hợp các đơn vị nào thiếu.

Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao lại cho Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị quyết và chuẩn bị báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội về tổ chức bộ máy để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Biểu quyết tại phiên thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ có mặt đồng tình với dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Vân Ngọc - Trọng Quỳnh

(quochoi.vn)

Tìm kiếm