Tại Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 13/02, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều thành viên Ủy ban nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của điều chỉnh địa giới, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, xã là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa.
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk, Trà Vinh và của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã có 10 Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, nhập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính thuộc các tỉnh nêu trên.
Trong thời gian qua, các đơn vị hành chính của các tỉnh nêu trên đều có sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm chủ yếu và ngày càng tăng; thu ngân sách hằng năm đạt và vượt kế hoạch. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, nhiều tuyến đường giao thông, công trình công cộng được nâng cấp và xây mới, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện...
Về phân loại đô thị để thành lập thành phố, thị xã thuộc tỉnh: Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã công nhận thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đạt tiêu chuẩn của đô thị loại III vào năm 2018; huyện Thuận Thành và huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn của đô thị loại IV vào năm 2020 (Thuận Thành) và năm 2022 (Quế Võ); huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đạt tiêu chuẩn của đô thị loại IV vào năm 2018 để làm cơ sở thành lập thành phố, thị xã thuộc tỉnh.
Về cơ sở hạ tầng đối với các xã, thị trấn đề nghị thành lập phường thuộc thị xã và thành phố thuộc tỉnh: Toàn bộ 34 xã, thị trấn đề nghị thành lập phường của các địa phương nêu trên, gồm: 21 xã, thị trấn đề nghị thành lập phường thuộc 02 thị xã Thuận Thành và Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; 07 xã, thị trấn đề nghị thành lập phường thuộc thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang; 05 xã đề nghị thành lập phường thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và xã Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đều đã được Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá đạt về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng quy định đối với phường thuộc thị xã, thành phố.
Về phân loại đô thị để thành lập thị trấn và nhập xã vào thị trấn: Theo thẩm quyền, Chủ tịch UBND các tỉnh Đắk Lắk, Vĩnh Phúc, Bến Tre, Quảng Nam, An Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn đã công nhận đạt tiêu chuẩn của đô thị loại V đối với các xã để làm cơ sở thành lập thị trấn và nhập xã vào thị trấn thuộc huyện, cụ thể là: xã Pơng Drang thuộc huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk (năm 2014); xã Kim Long thuộc huyện Tam Dương, xã Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc (năm 2015 và năm 2014); xã Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành, xã An Thủy thuộc huyện Ba Tri, xã Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre (năm 2022); xã Quế Trung thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam (năm 2017); xã Đa Phước thuộc huyện An Phú, xã Hội An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (năm 2018 và năm 2017); xã Hóa Thượng thuộc huyện Đồng Hỷ, khu vực thị trấn Quân Chu mở rộng thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (năm 2019 và năm 2021) và xã Vân Tùng thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn (năm 2013).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: Căn cứ vào vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của các đơn vị hành chính nêu trên thì việc thành lập, nhập các đơn vị hành chính đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, quy hoạch, xây dựng, giao thông, bảo vệ môi trường,… trên địa bàn là cần thiết; đáp ứng nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương.
Thay mặt cơ quan Thẩm tra các Đề án thành lập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tại 10 tỉnh nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định: Thực hiện chương trình công tác và theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong các ngày 08/01/2023 và ngày 07/2/2023, Ủy ban Pháp luật đã họp 02 phiên toàn thể để thẩm tra các Đề án thành lập các đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tại 10 tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk và Trà Vinh theo các Tờ trình của Chính phủ. Ngày 03/02/2023 và ngày 10/02/2023, Ủy ban Pháp luật đã có 10 Báo cáo thẩm tra riêng đối với từng Đề án nêu trên gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập 01 thành phố (Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương), 03 thị xã (Thuận Thành và Quế Võ thuộc tỉnh Bắc Ninh, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang), 34 phường (thuộc thành phố, thị xã của các tỉnh Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc) và 11 thị trấn (thuộc các huyện của các tỉnh An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk) cũng như việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và việc điều chỉnh địa giới của 02 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Trà Vinh với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Việc thành lập 04 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện và 45 đơn vị hành chính đô thị cấp xã tại 09 tỉnh nêu trên sẽ làm tăng tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc lên thêm 0,47%, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45% theo yêu cầu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Không cần làm lại căn cước công dân sau khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành và đánh giá cao Chính phủ, các địa phương đã chuẩn bị hồ sơ, tờ trình rất chu đáo, cẩn thận. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tập trung cho ý kiến vào việc liệu có phải làm lại thẻ căn cước công dân sau khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính hay không; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước khi điều chỉnh địa giới, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, xã…
Đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chủ trương phát triển đô thị ở nước ta chưa bao giờ đặt ra mạnh mẽ như hiện nay, nhất là sau khi trở thành điểm sáng của thế giới trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, chuyển sang thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Nội dung này lần đầu tiên đã được chính thức đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Lần đầu tiên ở cấp Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển đô thị, là Nghị quyết số 06 - NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhấn mạnh việc thành lập đơn vị hành chính là tất yếu để các địa phương phát triển, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các địa phương cần căn cứ vào các mục tiêu, quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, các tiêu chuẩn, điều kiện, tiêu chí mới của Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để phấn đấu, đạt kết quả tốt nhất, nhất là trong thực hiện công tác quy hoạch. Đặc biệt, trong kế hoạch triển khai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương phải bám sát định hướng “phát triển đô thị phải gắn với kinh tế đô thị” được Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị đưa ra, chú ý phát triển kinh tế số, thực hiện chuyển đổi số.
Để bảo đảm nguồn lực thực hiện các tiêu chuẩn, điều kiện đô thị mới theo Nghị quyết số 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Nội vụ cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát quy định pháp luật về tài chính, đầu tư công… Qua đó, nếu thấy quy định nào cần thiết sẽ đưa trực tiếp vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện quá trình nâng cấp đô thị trên địa bàn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của điều chỉnh địa giới, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, xã là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa.
Băn khoăn về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đối với việc làm lại thẻ căn cước công dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề về thực hiện quy định của Luật Cư trú trong cập nhật điều chỉnh thông tin liên quan đến địa chỉ, nơi cư trú của người dân trong cơ sở dữ liệu về cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia trong trường hợp điều chỉnh địa giới hành chính, tên của đơn vị hành chính. Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt câu hỏi liệu có phải thay đổi căn cước công dân gắn chíp không, cách làm thế nào?
Giải trình vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng, việc thành lập các đơn vị hành chính nêu trên là cần thiết, bảo đảm các quy định, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc này cũng nhằm tạo thêm nguồn lực thuận lợi để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quản lý nhà nước về hành chính, cư trú. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, khi thành lập các đơn vị hành chính cũng phát sinh một số yếu tố tác động, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lực lượng công an cơ sở đang thực hiện theo tinh thần đúng, đủ, sạch, sống. Dữ liệu được thu thập, dữ liệu được làm sạch và được cập nhật thường xuyên. Do đó, khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các dữ liệu này sẽ được lực lượng công an cơ sở cập nhật, bổ sung.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, nếu như chưa kịp thay đổi căn căn cước công dân thì trong cơ sở dữ liệu đã thể hiện địa giới hành chính - nội dung này được cập nhật thường xuyên. Căn cước công dân của chúng ta gắn chíp nên sẽ không ảnh hưởng, được đồng bộ ngay lập tức.
Đề cập rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các đại biểu Quốc hội khi đi tiếp xúc cử tri, nếu người dân hỏi thì giải thích rõ, theo đó, trên căn cước công dân đã gắn chip, mặc dù chữ in là xã nhưng trên con chip đã chuyển thành phường. Do đó, người dân có mang căn cước đi đâu thì cũng là phường. Nếu trường hợp người dân thích đổi thành phường trên căn cước thì làm thủ tục, không bắt buộc đổi lại hết.
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến vào các nội dung: Định mức, đầu tư cho các địa phương khi chuyển thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 10 tỉnh; việc xây dựng trụ sở công an phường, ban chỉ huy quân sự của phường…
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua xem xét các Tờ trình, Đề án, Báo cáo thẩm tra và thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 địa phương đã bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Quá trình thẩm tra cũng được tiến hành hết sức chặt chẽ, nghiêm túc.
Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ đề nghị, các địa phương tập trung nguồn lực, có kế hoạch, lộ trình giải pháp cụ thể để đầu tư nâng cấp chất lượng đô thị, khắc phục các tiêu chuẩn phân loại đô thị còn thấp hơn mức tối thiểu theo quy định, bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch cư trú, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Các địa phương rà soát các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số ở mức thấp, chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định và thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2030 để chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp theo yêu cầu tại Kết luận 48 của Bộ Chính trị. Bộ Nội vụ cần đặc biệt lưu ý có rà soát, kiểm tra và hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát và kết hợp thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính những nơi đang có bất cập về địa lý, địa hình, chia cắt không thuận lợi cho đời sống của nhân dân về công tác quản lý trên địa bàn; không lấy lý do vì có đơn vị hành chính mới được thành lập để không thực hiện việc sắp xếp đối với các đơn vị này trong giai đoạn tới.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 54 về phạm vi cử tri được lấy ý kiến, đáp ứng yêu cầu của triển khai thực hiện Luật Thực hành dân chủ cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, cơ quan có liên quan bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương và các điều kiện bảo đảm hỗ trợ địa phương theo đúng thẩm quyền để thực hiện việc quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống đô thị của địa phương, của quốc gia theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an kịp thời có hướng dẫn các địa phương, công an địa phương có liên quan chủ động cập nhật, điều chỉnh thông tin liên quan về địa chỉ nơi cư trú của người dân trong cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo nội dung mà Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, để thực hiện đúng quy định của Luật Cư trú và tạo thuận lợi cho người dân, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương.
Trên cơ sở Kết luận số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 595/2022/UBTVQH15 về giám sát việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021, đề nghị Chính phủ khẩn trương soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2030, tương tự như Nghị quyết 653 của giai đoạn cũ, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương tiến hành rà soát, xây dựng phương án sắp xếp trong giai đoạn tới./.
** Một số hình ảnh tại Phiên họp: