Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành kiến nghị đối với Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên có biện pháp chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tài chính để phòng ngừa những vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực này; Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo...
Viện kiểm sát kiến nghị cơ quan bảo hiểm xã hội khắc phục vi phạm trong quản lý kinh tế, tài chính
Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành kiến nghị đối với Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên có biện pháp chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tài chính để phòng ngừa những vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực này; Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Ngành bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên đã thực hiện việc quản lý thu, chi cho các đối tượng bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện tốt chế độ, chính sách bảo hiểm cho tổ chức, cá nhân tham gia đóng bảo hiểm; đơn vị đã tổ chức định kỳ kiểm tra phát hiện sai phạm, kịp thời thu hồi tài sản cho nhà nước; tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý kinh tế, tài chính trong thời gian qua còn có những sơ hở để một số cá nhân lợi dụng chiếm đoạt gây thiệt nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Thông qua giải quyết vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Bảo hiểm xã hội huyện Sơn Hòa, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên rút ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm kiến nghị đồng chí Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên có biện pháp chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tài chính phòng ngừa những vi phạm tội phạm trong thời gian tới. Cụ thể:
Chiếm đoạt bằng hình thức nâng, lập séc khống rút tiền: Năm 2009, 2010 Nguyễn Kim T là kế toán Bảo hiểm xã hội huyện S lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao đã lập 19 tờ séc rút tiền mặt với số tiền 1.084.000.000 đồng rồi kẹp vào các tập chứng từ tài liệu khác của cơ quan Bảo hiểm xã hội S trình ông Phạm Xuân Tr, giám đốc ý duyệt 18 séc với số tiền là 1.069.000.000 đồng và ông Phan Trường Q, phó Giám đốc ký duyệt 1 séc với số tiền 15.000.000 đồng. Vì tin tưởng, ông Tr và ông Q không kiểm tra kỹ nên ký các séc trên. Sau khi các tờ séc ký duyệt, giao cho bà Nguyễn Thị Đ, thủ quỹ rút tiền tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện S để về nhập quỹ. Khi định tin tưởng và đồng ý giao tiền cho T, sổ sách quản lý quỹ tiền mặt bà Đ làm theo sự hướng dẫn và theo sổ kế toán của T; khi tiến hành làm sổ sách bà Đ có hỏi T về số tiền đã mượn nộp trả lại quỹ tiền mặt chưa, T nói đã nộp trả lại quỹ rồi nhưng thực chất là T chỉ lập phiếu thu đưa vào quỹ số tiền 755.000.000 đồng còn lại 329.000.000 đồng không nộp vào ngân hàng mà chiếm đoạt tiều xài cá nhân.
Chiếm đoạt bằng hình thức ủy nhiệm chi khống: Năm 2009, 2010 T lập 8 UNC khống số tiền 170 triệu đồng chuyển cho người nhận là Nguyễn Thị Phương T (vợ T) số tài khoản 4605205002899 Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện S, nội dung chi trả tiền mua hàng hóa, vật tư, thai sản cho T rồi kẹp chung vào các tài liệu khác trình Giám đốc Phạm Xuân Tr ký duyệt, ông Tr tin tưởng T đã không kiểm tra lại theo đúng quy định đã ký 9 ủy nhiệm chi trên. Sau đó T dùng thẻ ATM của vợ rút 170 triệu đồng sử dụng chi tiêu cá nhân.
Để hợp thức hóa số tiền chiếm đoạt T đưa số tiền chiếm đoạt vào báo cáo quyết toán quý I năm 2011, kê tăng chi phí khám chữa bệnh cho Bệnh viện đa khoa huyện S từ 2.400.000.000 đồng lên 2.898.995.700 đồng và lập 02 ủy nhiệm chi khống chuyển cho Bệnh viện huyện S số tiền 493.995.700 đồng và ngày 15/01/2011 và số tiền 5 triệu đồng vào ngày 15/02/2011 đưa cho bà Từ Thị Y, kế toán Ngân hàng Nông nghiệp phát triển Nông thôn huyện S ký xác nhận.
Số tiền chiếm đoạt của Cơ quan Bảo hiểm xã hội S, T trả nợ cho ngân hàng 170 triệu còn lại 329 triệu T mua sắm tài sản, chi tiêu cá nhân và gia đình T, đầu tháng 5 năm 2011 sự việc bị phát hiện
Nguyên nhân của những sai phạm trên là do các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội chưa được hướng dẫn cụ thể; Công tác kiểm tra, xét duyệt quyết toán theo định kỳ chưa thực hiện chặt chẽ, chưa có sự phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, không kiểm tra đối chiếu số lượng tiền luân chuyển trong kỳ nên việc phát hiện vi phạm không kịp thời để sự việc kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng; Ban giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm không kiểm tra kỹ trước khi ký duyệt thu chi tài chính; Cán bộ thủ quỹ trình độ hạn chế, cán bộ kế toán vì tư lợi cá nhân đã lợi dụng sơ hở trong quản lý, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao đã nhiều lần chiếm đoạt tài sản, hợp thức chứng từ che giấu hành vi sai phạm.
Để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tài chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được chặt chẽ và thực hiện đúng quy định của Nhà nước, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong thời gian tới Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên kiến nghị Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên:
- Chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội huyện S và cơ quan bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã trong tỉnh quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các văn bản pháp luật quy định về quản lý kinh tế, tài chính nói chung, trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội nói riêng. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ cần tăng cường công tác kiểm tra chứng từ, kiểm tra quỹ tiền mặt và phối hợp chặt chẽ với chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định tại văn bản liên ngành số 5399 ngày 14/10/2010 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam để đảm bảo việc thực hiện công tác bảo hiểm đúng pháp luật.
- Chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội huyện S tổ chức kiểm điểm làm rõ nguyên nhân vi phạm của các cá nhân có liên quan trong vụ án trên để rút kinh nghiệm chung và có biện pháp khắc phục vi phạm và phòng ngừa sai phạm trong thời gian tới.