Vừa qua, Tòa phúc thẩm tại Hà Nội đưa vụ án Nguyễn Hồng Minh phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ra xét xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Đây là vụ án có nhiều sai phạm trong hoạt động điều tra, vi phạm tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; Trang thông tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để các địa phương tham khảo, rút kinh nghiệm...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao rút kinh nghiệm
vụ án hình sự bị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại
Vừa qua, Tòa phúc thẩm tại Hà Nội đưa vụ án Nguyễn Hồng Minh phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ra xét xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Đây là vụ án có nhiều sai phạm trong hoạt động điều tra, vi phạm tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; Trang thông tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để các địa phương tham khảo, rút kinh nghiệm:
Nội dung vụ án:
Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2009 đến tháng 3/2010, Nguyễn Hồng M chiếm đoạt của 17 bị hại với tổng số tiền là 15.766.600.000 đồng bằng các hành vi sau:
- Làm giả hồ sơ nhà đất để chứng minh mình là chủ sở hữu của lô biệt thư tại các khu đô thị, sau đó bán biệt thự cho ông Vũ Ngọc K và ông Trương Tuấn N chiếm đoạt 5.116.600.000 đồng, bán cho ông Nguyễn Thanh T chiếm đoạt 2.600.000.000 đồng.
- Tự nhận là giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị, có khả năng mua được đất ở các dự án, bằng thủ đoạn nhận mua hộ đất, bị cáo chiếm đoạt của 14 người bị hại 8.050.000.000 đồng.
Với hành vi trên, bị cáo bị Tòa sơ thẩm xử phạt tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Điểm a, Khoản 4, Điều 139 Bộ luật hình sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt, 9/17 bị hại kháng cáo đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm do bỏ lọt người đồng phạm Nguyễn Thị H (vợ của bị cáo); xem xét lại việc cơ quan điều tra không thực hiện việc kê biên tài sản dẫn đến bị cáo tẩu tán tài sản, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người bị hại. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát tối cao thực hành quyền công tố đã đề nghị hủy án sơ thẩm điều tra lại và được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Những vi phạm trong quá trình điều tra:
- Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm: Tài liệu điều tra thể hiện bị cáo cùng vợ là Phạm Thị H tham gia hầu hết các giao dịch mua bán nhà ở, cụ thể: H trực tiếp nhận của bị hại Vũ Ngọc K 1.950.000.000 đồng vào ngày 10/3/2010 và 2.500.000.000 đồng vào ngày 6/4/2010, nhận của Nguyễn Thanh T 2.600.000.000 đồng vào ngày 27/3/2010 là các khoản tiền bán biệt thự. Ngoài ra, tại phiên tòa phúc thẩm, một số bị hại còn xuất trình “Giấy biên nhận đặt cọc” có chữ kí của H. H còn tham gia kí hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng ủy quyền, kí biên bản bàn giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (không có thật) cho Vũ Ngọc K, Trương Tuấn N, Vũ Thanh T. Số tiền nhận được, có khoản H giao ngay cho chồng, có khoản cùng chồng đi mua đất (nhận từ Vũ Ngọc K 2,5 tỉ đồng vào ngày 6/4/2010, thì ngay hôm sau H đã cùng chồng mua 50,3m2 đất của anh K, tài sản đứng tên H). Bị cáo M bằng nhiều lời khai cũng khẳng định H là người trực tiếp nhận tiền từ các bị hại. Ngoài các hành vi như đã nêu trên, khi M đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam, H còn chủ động cùng M tẩu tán các tài sản có được từ tiền chiếm đoạt của bị hại. Như vậy có cơ sở xác định việc cơ quan tố tụng ở cấp sơ thẩm không xem xét xử lý đối với H là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Không áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với người phạm tội: Bị cáo Nguyễn Hồng M bị bắt khẩn cấp ngày 07/5/2010, bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can ngày 14/5/2010. Tại bản tường trình ngày 6/5/2010, (trước khi bị bắt) bị cáo khai: Số tiền lừa đảo tôi đã mua đất của anh K. Các lời khai sau này bị cáo liên tục thừa nhận tiền lừa đảo bị cáo đã mua đất, nếu cơ quan công an yêu cầu sẽ bán để trả lại tiền cho bị hại. Ngày 22/6/2010, bị hại K và N đã có đơn yêu cầu cơ quan điều tra kê biên mảnh đất 50,3m2 bị cáo mua của anh K. Tuy nhiên cơ quan điều tra đã không tiến hành kê biên tài sản mà còn trích xuất can phạm tạo điều kiện thuận lợi cho Công chứng viên và đồng nghiệp vào trại tạm giam cho bị cáo kí vào bên chuyển nhượng hợp đồng công chứng số 10980 ngày 2, 3/8/2010 với nội dung: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất 50,3 m2 cho người mua Trần Minh T.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Bản chất của đối tượng phạm tội là không thành khẩn, chối tội, đổ lỗi cho người khác nếu có cơ hội nhằn trốn tránh pháp luật. Do vậy để xác minh được một người có hành vi phạm tội hay không cần phải xem xét một cách toàn diện các yếu tố, đặc biệt là hành vi khách quan, là cái biểu hiện ra bên ngoài của ý thức chủ quan. Trong vụ án trên, Phạm Thị H tham gia một loạt hành vi khách quan như kí vào các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng ủy quyền… trực tiếp nhận tiền mặt trong hầu hết các thương vụ lừa đảo của bị cáo. Nếu không có sự tham gia của H vào các hợp đồng thì chắc chắn bị hại sẽ không tin tưởng giao tiền cho bị cáo bởi pháp luật dân sự quy định rất chặt chẽ về thủ tục mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong đa số trường hợp phải có chữ kí của vợ khi quan hệ hôn nhân đang tồn tại. H khai với cơ quan điều tra thấy M kí vào hợp đồng chuyển nhượng biệt thự cho ông K thì H cũng kí vào mà không đọc nội dung là phi lý, bởi H là người có đầy đủ năng lực hành vi, không có nhà nhưng kí “bừa” vào hợp đồng bán nhà buộc H phải hình dung ra hậu quả xảy ra. H lại là người được hưởng lợi từ việc kí các hồ sơ mua bán, chuyện nhượng giả đó thì không thể nói H “vô can”. Đặc biệt là hành vi kí hợp đồng chuyển nhượng 50,3m2 đất cho bà T sau khi M đã bị bắt, khởi tố nhằm tẩu tán tài sản, là có dấu hiệu của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Viện kiểm sát và Tòa án đã có nhiều văn bản trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện nghiêm túc các yêu cầu điều tra dẫn đến bỏ lọt tội phạm, và cùng với sai sót này là việc Cơ quan điều tra “tạo điều kiện” để bị cáo kí hợp đồng chuyển nhượng tài sản, gâu thiệt hại quyền lợi của người bị hại, khiến cho 9/17 bị hại kháng cáo nghi ngờ về tính không minh bạch, thiếu trung thực trong hoạt động điều tra, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Sai sót nghiêm trọng trên đã được cấp phúc thẩm khắc phục bằng việc hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại là cần thiết, là có căn cứ.