Tiếp tục ngày làm việc thứ 14 của Kỳ họp thứ 7, trong phiên họp buổi sáng 5-6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)...
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)
Tiếp tục ngày làm việc thứ 14 của Kỳ họp thứ 7, trong phiên họp buổi sáng 5-6, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn Thái Bình phát biểu ý kiến
Trong phiên họp buổi sáng đã có 26/41 đại biểu Quốc hội đăng ký được phát biểu tại hội trường. Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi là dự án luật mới trình Quốc hội lần đầu, nên đại biểu đã tập trung thảo luận sâu các vấn đề về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân; mô hình tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban kiểm sát; tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân và về nội dung liên quan đến chức danh kiểm sát viên.
Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) có 7 chương, 13 mục và 107 điều, trong đó sửa đổi 73 điều, bổ sung 34 điều mới, đặc biệt không có điều nào được giữ nguyên, điều đó thể hiện Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 được sửa đổi căn bản và toàn diện.
Nhìn chung các ý kiến phát biểu đều cơ bản đồng tình với dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), tuy nhiên vẫn còn có các nhóm ý kiến khác nhau. Một số đại biểu đề nghị giữ nguyên ngạch kiểm sát viên như luật hiện hành, chỉ có 3 ngạch: kiểm sát viên, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp.
Các ý kiến khác tán thành thì cho rằng, việc cơ cấu 4 ngạch kiểm sát viên sẽ tạo sự phân cấp thứ bậc và nhiệm vụ của kiểm sát viên tương ứng với nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm ở mỗi cấp kiểm sát, tạo động lực rèn luyện, phấn đấu không ngừng cho đội ngũ kiểm sát viên ở mỗi ngạch nếu muốn phát triển đi lên ngạch cao hơn.
Còn trong điều 66, có nhóm ý kiến thì tán thành phương án 1: Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao được bổ nhiệm không thời hạn, các ngạch kiểm sát viên khác như kiểm sát viên cao cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên sơ cấp được bổ nhiệm lần đầu là 5 năm, bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thời hạn 10 năm.
Có nhóm ý kiến thì cho rằng, công tác bổ nhiệm kiểm sát viên theo nhiệm kỳ nhiều vướng mắc, như thủ tục bổ nhiệm mang tính hình thức, bổ nhiệm lại không kịp thời, v.v... có nơi kiểm sát viên đã hết nhiệm kỳ nhưng chưa được bổ nhiệm lại nên đã để một khoảng trống thời gian không thực hiện được nhiệm vụ, trong khi công việc tồn đọng rất nhiều nên đề nghị Điều 66 dự thảo luật nên quy định thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bổ nhiệm kiểm sát viên lần đầu là 5 năm, bổ nhiệm lại là không thời hạn.
Có ý kiến đề nghị kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao được bổ nhiệm không kỳ hạn, còn kiểm sát viên các ngạch khác được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn 10 năm.
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town); Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town); Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town).
Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê trang thiết bị tàu bay, qua đó mang lại lợi ích kinh tế cho các hãng hàng không của Việt Nam góp phần tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn của thị trường vận tải hàng không Việt Nam, có lợi cho người tiêu dùng, giảm chi phí kinh doanh và tạo điều kiện cho hệ thống pháp luật của Việt Nam tiệm cận với pháp luật kinh doanh thương mại quốc tế.
Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Hoa Hạ