CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Từ 01/2018: 17 tội danh không còn thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra

28/08/2017
Cỡ chữ:   Tương phản
(Kiemsat.vn) - Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự có hiệu lực từ 01/01/2018, đã có sửa đổi, bổ sung quan trọng về thẩm quyền điều tra, có 17 tội không còn thuộc thẩm quyền của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh...

 Từ 01/2018: 17 tội danh không còn thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra

 
(Kiemsat.vn) - Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự có hiệu lực từ 01/01/2018, đã có sửa đổi, bổ sung quan trọng về thẩm quyền điều tra, có 17 tội không còn thuộc thẩm quyền của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.
Theo quy định tại Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự: Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh tiến hành điều tra các vụ án hình sự về tội phạm quy định tại Chương XI, Chương XXIV và các tội phạm quy định tại các điều: 180, 221, 222, 223, 230, 231, 232, 236, 264, 274, 275 của Bộ luật Hình sự 1999 khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Như vậy đối với những vụ án thuộc 11 tội phạm nói trên khi có khung hình phạt từ 15 năm tù trở lên sẽ thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh. Còn khi những vụ án đó có khung hình phạt dưới 15 năm tù sẽ do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện tiến hành điều tra.
 
Quy định như trên sẽ xảy ra trường hợp cùng một loại tội phạm nhưng cả hai cơ quan điều tra (Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra) cùng có thẩm quyền điều tra, dẫn tới việc phân định thẩm quyền không được thống nhất, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện phát hiện vụ án thuộc 11 tội phạm nói trên nhưng vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện vẫn có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can sau đó mới chuyển vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh và ngược lại.
Để khắc phục tình trạng này Điều 17 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự đã quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của  Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh: Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) và các tội phạm quy định tại các điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật Hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.
Ngoài ra Cơ quan An ninh điều tra còn tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để đảm bảo khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.
Như vậy, đối với 17 tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, khi tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân (không kể Tòa án nhân dân cấp tỉnh, hay Tòa án nhân dân cấp huyện) đều thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh. Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ không còn thẩm quyền tiến hành điều tra vụ án đối với 17 tội phạm đó nữa, trong trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, hoặc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm đối với 17 tội phạm kể trên thì phải chuyển ngay cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh để tiến hành giải quyết theo thẩm quyền.
Sau khi Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh kết thúc điều tra vụ án, đề nghị truy tố sẽ chuyển đến VKSND cấp tỉnh, khi đó VKSND dân cấp tỉnh căn cứ vào thẩm quyền xét xử của Tòa án để ra quyết định truy tố, nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, thì VKSND cấp tỉnh ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Nguyễn Hữu Sơn
Tìm kiếm