Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có 03 điều luật quy định cụ thể về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, trong đó đã mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát tại phiên tòa dân sự sơ thẩm (Điều 21, Điều 58; Điều 262). Theo quy định của BLTTDS năm 2015...
BẢN PHÁT BIỂU CỦA KIỂM SÁT VIÊN TẠI PHIÊN TÒA SƠ THẨM THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2015
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có 03 điều luật quy định cụ thể về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, trong đó đã mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát tại phiên tòa dân sự sơ thẩm (Điều 21, Điều 58; Điều 262). Theo quy định của BLTTDS năm 2015, Viện kiểm sát không chỉ phát biểu về việc chấp hành PLTT của Thẩm phán, HĐXX và những người TGTT khác mà còn phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thư ký Tòa án và quan điểm về việc giải quyết vụ án. Đây là điểm khác biệt và mới so với quy định tại BLTTDS năm 2004 (Điều 21; Điều 234) Do vậy, cần phải hiểu và áp dụng đúng quy định của pháp luật về việc phát biểu Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm.
Tại Điều 262 BLTTDS năm 2015 quy định: "Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án". Như vậy BLTTDS năm 2015 đã có những điểm mới quy định về phạm vi và giới hạn tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm so với BLTTDS cũ. Theo quy định nêu trên khi kiểm sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng, ngoài việc kiểm sát việc CHPL đối với các chủ thể là Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên còn phải kiểm sát việc chấp hành pháp luật của cả Thư ký Tòa án (Việc chấp hành pháp luật về thủ tục phiên tòa, việc ghi chép diễn biến phiên tòa..) có đúng quy định của pháp luật không. Ngoài ra, theo quy định của BLTTDS năm 2015, khi tham gia phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên ngoài việc phát biểu về việc chấp hành pháp luật tố tụng thì còn phải phát biểu cả quan điểm giải quyết về nội dung vụ án, để HĐXX xem xét, quyết định trước khi tuyên án. Để thực hiện tốt công tác tham gia phiên tòa sơ thẩm, Bản phát biểu Kiểm sát viên cần tập trung vào những nội dung chính sau đây:
* Về kiểm sát việc chấp hành pháp luật tố tụng
- Về việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán: Việc chấp hành các quy định của BLTTDS quy định tại Điều 48 BLTTDS về thẩm quyền thụ lý, việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp; xác định tư cách pháp lý và mối quan hệ giữa những người tham gia tố tụng, về thu thập chứng cứ; áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; thời hạn chuẩn bị xét xử; quyết định đưa vụ án ra xét xử; thời hạn gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu; việc cấp, tống đạt các văn bản tố tụng cho VKS và người tham gia tố tụng.
- Về việc chấp hành pháp luật của Hội đồng xét xử: Nhận xét về việc chấp hành nguyên tắc xét xử, thành phần HĐXX; các trường hợp phải thay đổi người tiến hành tố tụng; việc giải quyết thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố của những người tham gia tố tụng và thủ tục phiên tòa.
- Việc chấp hành pháp luật của thư ký Tòa án: Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thư ký quy định tại Điều 51 BLTTDS.
- Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng, cụ thể: Nguyên đơn (Điều 71); Bị đơn (Điều 72); Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Điều 73).
- Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng khác: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự (Điều 76); Người làm chứng (Điều 78); Người giám định (Điều 80); Người phiên dịch (Điều 84); người đại diện (Điều 86).
Lưu ý: Trong thời gian qua, việc thực hiện xây dựng Bản phát biểu kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm của một số đơn vị chất lượng còn chưa cao. Bản phát biểu thường dập khuôn theo mẫu, đơn điệu, hình thức, chưa có tính sáng tạo, chủ động. Phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng thường là liệt kê việc chấp hành pháp luật đúng hay không đúng quy định tại các điều luật của Bộ luật tố tụng. Bản phát biểu không nêu được việc thực hiện đó bao gồm những nội dung gì; việc thực hiện đó đúng và không đúng như thế nào. Về đối tượng thực hiện việc tuân theo pháp luật tố tụng, Bản phát biểu không nêu rõ ai chỉ nêu chung theo từng nhóm, dẫn đến việc nhận xét chỉ mang tính hình thức. Bản phát biểu KSV mới chỉ dừng lại ở việc nhận xét việc chấp hành pháp luật tố tụng của các chủ thể tố tụng, chưa đánh giá được việc thu thập chứng cứ vụ án có đúng không, có đầy đủ để làm căn cứ giải quyết vụ án hay không; chưa nêu được mối quan hệ và sự liên quan giữa chứng cứ với việc giải quyết nội dung vụ án, nên chưa thuyết phục được HĐXX. Việc thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị của Kiểm sát viên còn chưa được triệt để. Vị trí, vai trò, hình ảnh của Viện kiểm sát trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành tại phiên tòa dân sự sơ thẩm còn mờ nhạt. Trong thời gian tới, khi thực hiện quy định của BLTTDS năm 2015 chúng ta cần phải khắc phục những tồn tại nêu trên để thực hiện tốt thẩm quyền của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sư; đảm bảo cho việc xét xử của Tòa án có căn cứ và đúng pháp luật.
* Về việc phát biểu quan điểm giải quyết vụ án
Yêu cầu đối với nội dung này là phải nắm chắc hồ sơ, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi tại phiên tòa. Lập luận phải chặt chẽ, nội dung phải thống nhất với việc phát biểu tại phần chấp hành pháp luật tố tụng, tránh trường hợp phần tố tụng nêu chưa đủ tài liệu chứng cứ giải quyết vụ án, nhưng đến phần nội dung lại đề xuất việc giải quyết vụ án. Phần phát biểu về nội dung phải ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề chính cần phải giải quyết theo đơn yêu cầu của đương sự, tránh dài dòng, lan man và trùng lặp. Việc đề xuất giải quyết vụ án phải có căn cứ, đúng pháp luật, đủ sức thuyết phục HĐXX và những người tham dự phiên tòa.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải kịp thời và linh hoạt bổ sung các diễn biến tại phiên tòa vào bản phát biểu. Muốn thực hiện tốt nội dung này KSV cần nghiên cứu kỹ hồ sơ; lập sẵn đề cương xét hỏi và dự kiễn tòa huống phát sinh tại phiên tòa; phải chú ý quan sát diễn biến phiên tòa; có kỹ năng phân tích, nhận định chính xác, đầy đủ diễn biến phiên tòa để củng cố hoặc điều chỉnh kịp thời quan điểm giải quyết vụ án. Tại bản phát biểu Kiểm sát viên cần thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát đối với các lời khai, yêu cầu của đương sự và lời trình bày của luật sư tại phiên tòa. Phải khẳng định những yêu cầu và lời bày đó có căn cứ hay không có căn cứ, viện dẫn điều luật làm căn cứ giải quyết vụ án. Tạo cho bài phát biểu sát, đúng, có sức sống động và thống nhất với quan điểm đề xuất về đường lối giải quyết đối với vụ án, giúp cho HĐXX ra 01 bản án, quyết định có căn cứ và đúng pháp luật.
Về nội dung KSV phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án: Theo quy định tại Điều 262 BLTTDS năm 2015, Bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án cần làm rõ và xử lý 02 vấn đề: Một là, phải xác định được bản chất quan hệ tranh chấp, các căn cứ để giải quyết tranh chấp. Hai là, đề nghị hướng giải quyết vụ án. Để làm rõ quan hệ tranh chấp KSV phải nắm vững các điểm cơ bản sau: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu vấn đề gì; quan hệ pháp luật tranh chấp phát sinh theo yêu cầu của nguyên đơn là quan hệ gì, tính chất và nội dung tranh chấp tranh chấp như thế nào, Tòa án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, tư cách tham gia tố tụng của đương sự có đúng không; đã đưa đầy đủ người vào tham gia tố tụng chưa; bị đơn có yêu cầu phản tố không; người có QLNVLQ có yêu cầu độc lập không; quá trình giải quyết vụ án có đương sự nào thay đổi nội dung hoặc yêu cầu khởi kiện không; những tài liệu, chứng cứ gì mà các đương sự đã xuất trình; tính có căn cứ và hợp pháp của những tài liệu, chứng cứ đó; việc đánh giá và sử dụng chứng cứ vào việc giải quyết vụ án. Chỉ khi nào giải quyết được các vắn đề nêu trên, Kiểm sát viên mới có thể đề xuất quan điểm việc giải quyết vụ án một cách đúng đắn.
Lưu ý, theo quy định tại Điều 262 BLTTDS năm 2015 thì ngay sau khi kết thúc phiên tòa, KSV phải gửi văn bản phát biểu ý kiến ngay cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án. Đây là việc làm rất khó khăn, vì với quy định như vậy, KSV sẽ không có điều kiện để chỉnh sửa, bổ sung bản phát biểu. Do vậy, cần dự thảo sẵn các phương án sát nhất có thể xảy ra tại phiên tòa để lựa chọn việc sử dụng bản phát biểu. Yêu cầu đặt ra đối với bản phát biểu KSV là các nội dung yêu cầu, kiến nghị và đề xuất phải sát, đúng với thực tế và quy định của pháp luật, có căn cứ, thuyết phục. Hạn chế những trường hợp, do chưa nắm chắc hồ sơ vụ án và căn cứ pháp luật giải quyết, KSV Viện kiểm sát sơ thẩm phát biểu việc chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán, HĐXX đúng; đề xuất quan điểm giải quyết vụ án trùng với kết quả xét xử sơ thẩm của Tòa án, nhưng sau đó lại bị Viện KSND cấp trên kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm.
* Về bố cục của Bản phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm
Ngoài việc phải tuân theo mẫu theo quy định của VKSND tối cao, Bản phát biểu Kiểm sát viên phải thể hiện được 02 nội dung chính sau đây:
- Thứ nhất, về kiểm sát việc chấp hành pháp luật tố tụng: Phải đánh giá được toàn bộ quá trình chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án cho đến khi xét xử sơ thẩm. Nhận xét về việc chấp hành pháp luật của HĐXX, thư ký Tòa án tại phiên tòa sơ thẩm, theo quy định của BLTTDS như đã nêu trên. Nếu phát hiện vi phạm KSV thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị để khắc phục vi phạm. Lưu ý, kết thúc phần nhận xét về việc chấp hành pháp luật, Kiểm sát viên phải nêu rõ được 02 nội dung: Việc thu thập chứng cứ vụ án của Thẩm phán có đúng không, có đủ để làm căn cứ giải quyết vụ án không. Từ đó mới chuyển sang nhận xét, đánh giá về phần nội dung.
- Thứ hai, về phát biểu quan điểm giải quyết đối với nội dung vụ án: KSV phải tóm tắt được nội dung vụ án, trong đó nêu những yêu cầu, quan điểm và các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn, bị đơn, người có QLNV liên quan trong vụ án xuất trình. Căn cứ vào đó Kiểm sát viên cần phân tích, đánh giá chứng cứ để xác định yêu cầu của đương sự có hay không có căn cứ chấp nhận. Việc nêu phân tích, đánh giá phải lập luận chặt chẽ, thống nhất, bám sát vào quy định của pháp luật nội dung để viện dẫn khi đề xuất quan điểm giải quyết vụ án. Đây là một nội dung rất quan trọng, là cơ sở đối chiếu quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát và Tòa án, làm căn cứ để quyết định việc kháng nghị hay không kháng nghị.
Tóm lại: Bản phát biểu KSV là một văn bản pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát trong toàn bộ quá trình điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, Bản phát biểu Kiểm sát viên là một công cụ quan trọng để Viện kiểm sát thể hiện quan điểm về toàn bộ việc chấp hành PLTT của Thẩm phán, HĐXX, thư ký và những người gia tố tụng. Ngoài ra, còn thể hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát đối với những vi phạm của Tòa án, đảm bảo việc ra bản án, quyết định của Tòa án có căn cứ và đúng pháp luật. Thông qua bản phát biểu Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm, khẳng định vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự. Bản phát biểu là nguồn tài liệu quan trọng để HĐXX tham khảo, xem xét ra một bản án có căn cứ và đúng pháp luật. Do vậy, cần phải hiểu và thực hiện đúng quy định về bản phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát và vị thế của Viện kiểm sát tại phiên tòa dân sự sơ thẩm.