Thông qua kết quả xét xử giám đốc thẩm vụ kinh doanh thương mại giữa nguyên đơn Ngân hàng X và bị đơn ông Nguyễn Đình H, Chủ Doanh nghiệp Nguyễn Đình H (gọi tắt là Công ty Y). VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm việc áp dụng pháp luật trong công tác kiểm sát giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” như sau:
1. Nội dung vụ án
Ngày 17/4/2013, ông Nguyễn Đình H, Chủ Công ty Y ký Hợp đồng tín dụng số 0037/HDDTD2 với Ngân hàng X, số tiền vay là 2.000.000.000 đồng với thời gian 12 tháng, lãi suất 11,6%/năm và được điều chỉnh mỗi tháng 1 lần cộng biên độ giao động là 4,7%/năm; tài sản đảm bảo cho khoản vay là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 3701071 do UBND tỉnh B cấp ngày 23/01/2013. Ngân hàng X đã giải ngân cho Công ty Y tổng số tiền 6.418.958.000 đồng với 29 khế ước nhận nợ từ ngày 17/4/2013 đến ngày 04/4/2014 theo hình thức thu nợ - giải ngân để đảm bảo dư nợ tại bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn hiệu lực hợp đồng không vượt quá hạn mức 2.000.000.000 đồng.
Đến ngày 24/5/2014, Công ty Y đã tất toán tổng cộng 24 khế ước nhận nợ từ số 01 đến 24 và còn dư nợ tại 05 khế ước nhận nợ tính đến ngày 10/6/2014 với tổng nợ gốc và lãi là 1.303.386.044 đồng, cụ thể: Khế ước nhận nợ số 25 dư nợ gốc 391.600.000 đồng và nợ lãi 3.911.649 đồng; Khế ước nhận nợ số 26 dư nợ gốc 200.000.000 đồng và nợ lãi 1.997.778 đồng; Khế ước nhận nợ số 27 dư nợ gốc 196.500.000 đồng và nợ lãi 443.216 đồng; Khế ước nhận nợ số 28 dư nợ gốc 293.900.000 đồng và nợ lãi 2.097.666 đồng; Khế ước nhận nợ số 29 dư nợ gốc 210.000.000 đồng và nợ lãi 2.097.666 đồng.
Các ngày 03/6/2014 và 10/6/2014, Công ty Y đã tất toán 05 Khế ước nhận nợ 25, 26, 27, 28, 29 cho Ngân hàng X và ngày 11/4/2014 Ngân hàng X đã tất toán tất cả các hợp đồng, trả lại tài sản thế chấp cho ông Nguyễn Đình H.
Sau đó, đến ngày 10/7/2014, Ngân hàng X làm đơn khởi kiện yêu cầu ông Nguyễn Đình H phải trả số tiền của Khế ước số 27 là 119.070.752 đồng (trong đó nợ gốc là 196.500.000 đồng, nợ lãi trong hạn là 1.899.500 đồng và nợ lãi quá hạn là 671.252 đồng tạm tính đến ngày 09/7/2014).
Lý do, theo Ngân hàng X: Do lỗi tác nghiệp của nhân viên Ngân hàng X và lỗi hệ thống mạng internet nội bộ, nên tại thời điểm ngày 10/6/2014, Công ty Y đến tất toán gốc lãi các khoản vay chỉ hiển thị số liệu của 04 Khế ước 25, 26, 28, 29 với tổng dư nợ là 1.106.442.828 đồng và thiếu số liệu của Khế ước số 27. Nhân viên Ngân hàng X vì quá tin tưởng vào hệ thống dữ liệu, nên đã không kiểm tra hồ sơ thực tế dẫn đến nhầm lẫn trong việc thông báo dư nợ còn lại của Công ty Y và làm Biên bản thanh lý hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng X và Công ty Y vào ngày 11/6/2014.
2. Quá trình giải quyết vụ án
2.1. Bản án kinh doanh thương mại (viết tắt là KDTM) sơ thẩm số 58/2015/KDTM-ST ngày 29/9/2015, TAND thành phố Q quyết định:
“1. Không chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng X yêu cầu ông Nguyễn Đình H trả số tiền: 196.500.000 đồng, nợ lãi trong hạn 1.899.500 đồng, lãi quá hạn 43.535.000 đồng. Tổng cộng 241.934.000 đồng.
2. Không chấp nhận lời khai của Ngân hàng X yêu cầu Toà án tuyên Biên bản thanh lý Hợp đồng tín dụng ký ngày 11/6/2014 giữa Ngân hàng X và Công ty Y để thanh lý HĐTD số 0037/HDDTD vô hiệu do nhầm lẫn”.
2.2. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 42/2016/KDTM-PT ngày 25/3/2016 TAND tỉnh B đã sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng X buộc ông Nguyễn Đình H trả cho Ngân hàng số tiền 196.943.216 đồng.
2.3. TAND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 02/2017/KN-KDTM ngày 20/12/2017 đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 04/2016/KDTM-PT ngày 25/3/2016 của TAND tỉnh B; đề nghị Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Q xét xử sơ thẩm lại vụ án.
2.4. Quyết định giám đốc thẩm số 07/2017/KDTM-GĐT ngày 10/5/2017 của Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng quyết định huỷ toàn bộ Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Q giải quyết sơ thẩm lại.
2.5. Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 46/2018/KDTM-ST ngày 01/11/2018, TAND thành phố Q quyết định: Không chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng X yêu cầu ông Nguyễn Đình H trả tổng số tiền 342.571.550 đồng bao gồm cả nợ gốc, nợ lãi trong hạn và nợ lãi quá hạn. Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng về việc tuyên bố “Biên bản thanh lý hợp đồng tín dụng ký ngày 11/6/2014 giữa Ngân hàng X và Công Y để thanh lý hợp đồng tín dụng số 0037/HDDTD” vô hiệu do nhầm lẫn.
2.6. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 04/2019/KDTM-PT ngày 09/4/2019, TAND tỉnh B quyết định sửa bản án phúc thẩm với nội dung: Tuyên bố Biên bản thanh lý hợp đồng tín dụng số 0037/HDDTD giữa Ngân hàng X và ông Nguyễn Đình H vô hiệu toàn bộ do nhầm lẫn. Buộc ông Nguyễn Đình H phải có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng X số tiền 196.943.216 đồng (bao gồm cả nợ gốc và nợ lãi).
2.7. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 88/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 24/9/2019 đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 04/2019/KDTM-PT ngày 09/4/2019 của TAND tỉnh B; đề nghị Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm huỷ toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 04/2019/KDTM-PT ngày 09/4/2019 của TAND tỉnh B, giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 46/2018/KDTM-ST ngày 01/11/2018 của TAND thành phố Q.
Quyết định giám đốc thẩm số 03/2020/KDTM-GĐT của TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên: Chấp nhận toàn bộ Quyết định kháng nghị số 88/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 24/9/2019 của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng.
3. Vấn đề cần rút kinh nghiệm
Thứ nhất, Toà án các cấp chưa xác minh, làm rõ nơi cư trú của người liên quan trong vụ án để lấy lời khai và cho tiến hành đối chất với bị đơn cùng những người làm chứng là thiếu sót trong việc thu thập chứng cứ.
Sau khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lần thứ nhất, các bản án này đã bị Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm giao hồ sơ về giải quyết sơ thẩm lại với các vấn đề mấu chốt đặt ra nên cần xem xét, giải quyết như: Toà án 2 cấp xét xử lần một đã không làm rõ cũng như không tiến hành xác minh, đối chất những vấn đề như lý do Bảng kê Chi tiết tài khoản khách hàng của Công ty Y do Ngân hàng X lập, lưu giữ, xuất trình ghi “Ngày 03/6/2014 lúc 14h26 Nguyễn Đình H trả lãi tất toán Khế ước số 27; lúc 22h08 thu nợ Kế ước 27 Nguyễn Đình H” trùng với số liệu ghi tại Sổ cái tài khoản do Công ty Y lập; làm rõ sự cố mạng nội bộ Ngân hàng X xảy ra (nếu có) khi nào, nhân viên Ngân hàng X có nhận biết được không khi mà Ngân hàng X trình bày đến ngày 17/6/2014 mới biết? Ai là người chịu trách nhiệm khi có sự cố lỗi mạng nội bộ của Ngân hàng X? Đã xin ý kiến xử lý của Ngân hàng Nhà nước khi xảy ra sự cố hay chưa? Đối với lời khai của bà Phùng Thi Minh N (nhân viên thu ngân) và bà Lê Thị Hồng Q (kiểm soát viên) cho rằng đã lập và ký vào bảng kê Chi tiết tài khoản khách hàng của Công ty Y là “ghi theo lời của ông H” nên cần thiết phải thu thập quy định của Ngân hàng X về quy trình cấp, xác nhận để đối chiếu, đánh giá; ông H khai sau khi nộp 196.500.000 đồng ông đã đưa Biên lai cho bà Mai Thị Kiều D (kế toán) và bà D nói “Chú để lại đây tuần sau chú thanh toán đủ các khế ước còn lại, cháu sẽ tổng hợp trình lãnh đạo Ngân hàng làm thủ tục thanh lý hợp đồng và hoàn trả chú hồ sơ thế chấp” và ngày 11/6/2014, bà D đã giao cho ông H Biên bản thanh lý hợp đồng và hoàn trả toàn bộ hồ sơ thế chấp, nhưng Toà án các cấp chưa xác minh, làm rõ nơi cư trú của bà D để lấy lời khai và tiến hành đối chất giữa các bên có liên quan, là đã bỏ qua một tình tiết quan trọng góp phần làm rõ sự việc khách quan của vụ án.
Thứ hai, Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 04/KDTM-PT ngày 09/4/2019 của TAND tỉnh B đã không xem xét toàn diện các chứng cứ của vụ án, dẫn đến nhận định các tình tiết của vụ án không khách quan, có sự thiên lệch, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của bị đơn.
Việc hai nhân viên Ngân hàng X thừa nhận chữ ký của mình tại Bảng kê là ghi theo lời ông H là không có cơ sở, vì việc ghi nội dung chuyển tiền thanh toán là nghiệp vụ đương nhiên của cán bộ Ngân hàng X được đào tạo phải biết, nhưng Toà án cấp phúc thẩm cho rằng, việc ông H không xuất trình được Biên lai của Ngân hàng X thu số tiền 196.500.000 đồng cho Khế ước 27 cho thấy, ông H chưa trả khoản tiền này. Tuy nhiên, đối chiếu với chứng cứ trong vụ án, cũng như lời khai của ông H thấy rằng: Ông H đã được cấp Biên lai cho Khế ước 27 nhưng ông đã đưa lại cho bà D (kế toán) và bà D nói “Chú để lại đây tuần sau chú thanh toán đủ các khế ước còn lại, cháu sẽ tổng hợp trình lãnh đạo Ngân hàng làm thủ tục thanh lý hợp đồng và hoàn trả chú hồ sơ thế chấp”, nhưng hiện nay bà D đã định cư ở Úc chưa xác định được địa chỉ, chưa thể đối chất cũng như lấy lời khai để làm rõ tình tiết này, nên nhận định nói trên của Toà án cấp phúc thẩm là không khách quan, thiên lệch, vì đã không xem xét toàn diện các chứng cứ khác như: Bảng kê Chi tiết tài khoản khách hàng của Công ty Y do Ngân hàng X lập, lưu giữ và xuất trình ghi “Ngày 03/6/2014 lúc 14h26’26” Nguyễn Đình H trả lãi tất toán Khế ước số 27; lúc 22h08’36” thu nợ Khế ước 27 Nguyễn Đình H”, điều này trùng với số liệu ghi tại Sổ cái tài khoản do Công ty X lập. Hơn nữa, Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 11/6/2014 do Giám đốc kinh doanh Ngân hàng X ký xác nhận Công ty Y đã thanh toán toàn bộ các Khế ước nhận nợ, đồng thời bàn giao trả tài sản thế chấp cho ông H.
Như vậy, đối với những sai sót như đã phân tích ở trên, có thể thấy rằng Bản án sơ thẩm lần thứ 02 không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng X là có cơ sở. Do đó, Quyết định giám đốc thẩm số 03/2020/KDTM-GĐT ngày 31/3/2020 của Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm số 88/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 24/9/2019 của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng theo hướng huỷ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 04/2019/KDTM-PT ngày 09/4/2019 của TAND tỉnh B, giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 46/2018/KDTM-ST ngày 01/11/2018 của TAND thành phố Q là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.