CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số dạng vi phạm và kỹ năng phát hiện vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của cơ quan Cảnh sát điều tra

25/10/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một trong những nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. VKSND ngoài nhiệm vụ giải quyết các khiếu nại thuộc thẩm quyền của mình còn có chức năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp khác, để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đạt hiệu quả, đúng pháp luật; kịp thời phát hiện và hạn chế các vi phạm của các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, tố cáo.

Trên thực tế hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp nói chung và cơ quan Cảnh sát điều tra nói riêng vẫn tồn tại một số dạng vi phạm. Dưới đây, nhóm tác giả xin đưa ra một số dạng vi phạm và kỹ năng phát hiện vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của cơ quan Cảnh sát điều tra.

I. Một số dạng vi phạm của cơ quan Cảnh sát điều tra

1. Nội dung Quyết định giải quyết khiếu nại sơ sài, không ghi đầy đủ nội dung theo hướng dẫn sử dụng mẫu.

Theo hướng dẫn sử dụng mẫu Quyết định giải quyết khiếu nại (Mẫu số 09) ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-KSTC-TATC-BCA-BQP-BNN&PTNT, tại mục 5, khi ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại phải ghi đầy đủ các nội dung: “ghi kết quả nghiên cứu, nhận định, quan điểm, của cơ quan ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, (tố cáo) về nội dung khiếu nại, (tố cáo): khiếu nại (tố cáo) đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ”. Tuy nhiên, một số Quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan Cảnh sát điều tra ghi rất sơ sài, không đầy đủ nội dung theo hướng dẫn sử dụng mẫu: ví dụ: Tại phần tóm tắt nội dung vụ việc và phần nhận định rất chung chung, sơ sài, không phân tích lý do tại sao Quyết định bị khiếu nại là có căn cứ và lý do bác đơn khiếu nại của công dân, việc ghi nội dung sơ sài không đảm bảo theo Mẫu số 09 và hướng dẫn sử dụng mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 02/2018, khiến công dân không thấu hiểu và nảy sinh khiếu kiện vượt cấp.

2. Thụ lý và giải quyết đơn khiếu nại không đúng thẩm quyền

Theo quy định tại khoản 1 Điều 475 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự của Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra như sau:

 “1. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

….

Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.”

Tuy nhiên, một số trường hợp công dân khiếu nại Quyết định khởi tố bị can đã được Viện kiểm sát phê chuẩn, cơ quan Cảnh sát điều tra khi nhận được đơn khiếu nại đã tiến hành thụ lý, và ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại; hoặc tiến hành thụ lý sau đó mới chuyển sang Viện kiểm sát để giải quyết theo thẩm quyền là không đúng theo quy định tại Điều 475 BLTTHS, các khiếu nại dạng này thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát, do Viện kiểm sát thụ lý và giải quyết.

Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2018:

 “2. Khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết, tùy từng trường hợp cơ quan, người tiếp nhận khiếu nại xử lý như sau:

a. Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp thì chuyển đơn đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại.”

Trong trường hợp này cơ quan Cảnh sát điều tra phải chuyển ngay đơn sang VKSND cùng cấp để giải quyết theo thẩm quyền.

3. Vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 475 BLTTHS: “1. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại...”.

Theo đó khi nhận đơn đủ điều kiện thụ lý theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra phải tiến hành thụ lý và giải quyết, thời hạn giải quyết khiếu nại tính từ ngày nhận được đơn đủ điều kiện thụ lý.

Tuy nhiên, một số trường hợp cơ quan Cảnh sát điều tra khi nhận được đơn khiếu nại, sau đó mời người có đơn đến để làm việc về nội dung khiếu nại nhưng công dân không lên. Cơ quan Cảnh sát điều tra lấy lý do chưa làm việc được với người gửi đơn nên chưa thụ lý, đến khi làm việc được với người gửi đơn mới ban hành Thông báo thụ lý và tiến hành giải quyết, thời hạn giải quyết tính từ ngày thụ lý đơn. Việc cơ quan Cảnh sát điều tra tính thời hạn như vậy là chưa đúng, dẫn đến việc vi phạm thời hạn thụ lý và thời hạn giải quyết khiếu nại, việc mời người có đơn khiếu nại lên để làm việc không phải là căn cứ để thụ lý đơn theo Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2018.

Bên cạnh đó, một số trường hợp thời gian ghi trên Thông báo thụ lý, Quyết định giải quyết khiếu nại đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 475 BLTTHS, nhưng đối chiếu với các tài liệu có trong hồ sơ giải quyết khiếu nại cho thấy: Về mặt thời gian ngày ghi trên Thông báo thụ lý, Quyết định giải quyết khiếu không phù hợp với các tài liệu khác có trong hồ sơ (biên bản làm việc với người khiếu nại, báo cáo đề xuất….). Ngày thực tế giải quyết khiếu nại không phải là ngày ghi trên Quyết định giải quyết khiếu nại, mà vi phạm thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 1, Điều 475 BLTTHS.

Do đó khi nghiên cứu hồ sơ của cơ quan Cảnh sát điều tra cần chú ý  ngày nhận đơn đủ điều kiện thụ lý và ngày ghi trên các văn bản khác, thì mới đánh giá đúng được thời hạn giải quyết khiếu nại của cơ quan Cảnh sát điều tra.

4. Ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu nhưng không chỉ dẫn quyền khiếu nại tiếp theo; ra quyết định giải quyết tố cáo nhưng lại xác định là Quyết định giải quyết lần đầu và chỉ dẫn quyền khiếu nại tiếp theo sang Viện kiểm sát cùng cấp.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 475  BLTTHS năm 2015 thì Quyết định giải quyết khiếu nại đối với Quyết định, hành vi của Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra là Quyết định giải quyết lần đầu và công dân có quyền khiếu nại tiếp đến Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Còn đối với tố cáo, BLTTHS năm 2015 chỉ quy định giải quyết tố cáo một lần duy nhất tại Điều 481, không có tố cáo lần hai.

Tuy nhiên, một số trường hợp cơ quan Cảnh sát điều tra lại xác định quyết định giải quyết lần đầu của mình là Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và không hướng dẫn quyền khiếu nại tiếp theo cho công dân, ảnh hưởng quyền khiếu nại của công dân; hoặc ban hành Quyết định giải quyết tố cáo nhưng lại xác định là Quyết định giải quyết lần đầu và chỉ dẫn quyền khiếu nại tiếp theo sang Viện kiểm sát cùng cấp, dẫn đến việc công dân tiếp tục gửi tố cáo sang Viện kiểm sát mà, Viện kiểm sát không có căn cứ giải quyết gây bức xúc cho công dân.

Ngoài ra còn một số vi phạm khác như, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo không đúng mẫu và hướng dẫn sử dụng mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/ 2018; không gửi hoặc chậm gửi thông báo thụ lý và Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp....

II. Một số kỹ năng cơ bản phát hiện vi phạm trong công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

1. Nguồn để phát hiện vi phạm

Vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được phát hiện chủ yếu thông qua các nguồn sau:

- Qua việc tiếp nhận đơn của công dân gửi theo đường bưu điện; qua công tác tiếp  công dân;

- Qua phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Qua việc thực hiện quy chế phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa VKSND với các cơ quan tư pháp khác;

- Qua kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo mà các cơ quan tư pháp gửi đến VKSND theo quy định;

- Qua việc thực hiện biện pháp yêu cầu cơ quan tư pháp tự kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thông báo kết quả cho VKSND;

- Qua việc thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ về thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của các đơn vị nghiệp vụ…

2. Nhận dạng vi phạm

2.1. Vi phạm về thẩm quyền giải quyết

Dạng vi phạm về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo được chia thành 2 trường hợp: Một là, thụ lý giải quyết không đúng thẩm quyền; hai là, không thụ lý giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền. Để xem xét vi phạm về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần căn cứ vào một số nguyên tắc xác định thẩm quyền như sau:

- Thứ nhất, về nguyên tắc phải xác định chỉ người đứng đầu cơ quan hoặc đơn vị mới có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, trong BLTTHS 2015, theo tinh thần tại các khoản 1, 2, 3 Điều 36 thì trong trường hợp được phân công tiến hành tố tụng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhưng không được giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hành vi, quyết định của chính mình.

- Thứ hai, phải xác định đúng đối tượng bị khiếu nại, tố cáo, tức là xác định đúng quyết định hoặc hành vi bị khiếu nại, tố cáo, do chủ thể nào thực hiện, thì sẽ xác định chính xác chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2.2. Vi phạm về thời hạn giải quyết:

Dạng vi phạm này bao gồm 2 trường hợp: (1) Để quá thời hạn quy định mà không giải quyết; (2) giải quyết quá thời hạn quy định. Để phát hiện vi phạm về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần nắm chắc các quy định trong các văn bản pháp luật; cụ thể: Trong tố tụng hình sự: thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, Cơ quan điều tra, Tòa án được quy định tại khoản 3 Điều 474, Điều 475, Điều 477 và khoản 3 Điều 481 BLTTHS năm 2015. Cần lưu ý, riêng thời hạn giải quyết tố cáo liên quan đến việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giam của Tòa án không được quy định trong BLTTHS 2015.

Khi tiến hành kiểm sát, ngoài việc nắm chắc các quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, thì việc tính thời hạn giải quyết cũng rất quan trọng để kết luận chính xác vi phạm. Theo quy định của BLTTHS năm 2015: thời hạn giải quyết khiếu nại và tố cáo được tính bắt đầu từ thời điểm “nhận được” khiếu nại và tố cáo.

Việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo rất quan trọng, vì thời điểm “nhận được” khiếu nại, tố cáo khác với thời điểm “thụ lý” khiếu nại, tố cáo; thời điểm “thụ lý” có thể trùng hoặc sau thời điểm “nhận được” khiếu nại, tố cáo; trong khi đó có văn bản quy định thời hạn thụ lý có văn bản lại không quy định thời hạn thụ lý khiếu nại, tố cáo; do đó, điểm quan trọng trước tiên là phải xác định chính xác thời điểm “nhận được” khiếu nại, tố cáo; xác định thời điểm “nhận được” khiếu nại, tố cáo sẽ xác định được thời điểm phải “thụ lý” (nếu có quy định về thời hạn thụ lý), từ đó xác định chính xác được cơ quan tư pháp có vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo không; ngoài ra, thời điểm “nhận được” khiếu nại còn là căn cứ để xác định “thời hiệu” khiếu nại.

2.3. Vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết

Để xác định chính xác vi phạm của các cơ quan tư pháp về trình tự, thủ tục giải quyết thì thường phải qua nghiên cứu hồ sơ.

- Giai đoạn thụ lý: Thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo được xác định bắt đầu từ giai đoạn thụ lý khiếu nại, tố cáo. Trong giai đoạn này cần xác định cơ quan tư pháp phân loại khiếu nại, tố cáo để thụ lý đã chính xác chưa và việc thụ lý có đúng quy định không. Ví dụ: Khiếu nại, tố cáo có thực hiện đúng về hình thức không (có đơn hoặc biên bản ghi lời khiếu nại, tố cáo, có chữ ký trực tiếp, có họ tên địa chỉ người khiếu nại, tố cáo…); khiếu nại hợp lệ đủ điều kiện thụ lý là người khiếu nại phải chịu tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi tư pháp; việc khiếu nại phải còn thời hiệu, nếu hết thời hiệu mà người khiếu nại đưa ra lý do khách quan thì cơ quan có thẩm quyền thụ lý đã kiểm tra, xác minh xem lý do đó có chính đáng không, trước khi quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý; việc khiếu nại, tố cáo đã có văn bản giải quyết có hiệu lực pháp luật chưa; nếu việc tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì phải xử lý theo quy định của BLTTHS 2015; việc thụ lý khiếu nại, tố cáo có vào sổ thụ lý không, sau khi thụ lý có thông báo cho người khiếu nại không; việc khiếu nại, tố cáo đã đủ điều kiện và thuộc thẩm quyền có được  xem xét thụ lý không…

- Giai đoạn tiến hành các hoạt động giải quyết: Đây là giai đoạn các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong giai đoạn này, cần xem xét các cơ quan có thực hiện đúng những thủ tục bắt buộc theo quy định, ví dụ: Ra văn bản phân công người xác minh khiếu nại, tố cáo; người được phân công xác minh phải lập kế hoạch xác minh, kết thúc xác minh phải có báo cáo xác minh và đề xuất hướng giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu người bị khiếu nại, tố cáo giải trình về quyết định, hành vi bị khiếu nại, tố cáo; tổ chức đối thoại với người khiếu nại, tố cáo, người bị khiếu nại, tố cáo trong những trường hợp bắt buộc phải tổ chức đối thoại trước ban hành văn bản giải quyết; việc thẩm tra, giám định, thu thập tài liệu, chứng cứ… trong trường hợp cần thiết; nếu người khiếu nại rút khiếu nại trong quá trình giải quyết thì phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết; việc giải quyết phải ra quyết định giải quyết; văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đúng thể thức, nội dung (theo mẫu) và được gửi theo quy định; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có hồ sơ theo quy định…

2.4. Vi phạm về nội dung giải quyết

Vi phạm về nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo là dạng vi phạm ít xảy ra, khó phát hiện. Vi phạm về nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo được thể hiện dưới nhiều hình thức, như:

- Giải quyết thiếu nội dung. Ví dụ: Nội dung khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự có hai phần: (1) quyết định không khởi tố vụ án hình sự ban hành quá thời hạn quy định; (2) căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là trái pháp luật; nhưng nội dung quyết định giải quyết khiếu nại chỉ kết luận về căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, mà không kết luận có hay không việc vi phạm thời hạn ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

- Giải quyết không phù hợp nội dung. Ví dụ: Khiếu nại có nội dung không nhất trí và đề nghị xem xét lại việc đánh giá các chứng cứ trong bản kết luận điều tra, nhưng văn bản giải quyết lại nêu Cơ quan điều tra đã chuyển bản kết luận điều tra cùng hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát, đề nghị theo dõi việc truy tố của Viện kiểm sát.

2.5. Hiệu lực của quyết định giải quyết và hướng dẫn quyền khiếu nại tiếp theo.

Đối với vấn đề này, cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết tại Điều 475 BLTTHS và tố cáo tại Điều 481.

Theo đó, đối với khiếu nại trong tố tụng hình sự thì Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra  là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, chưa phải là Quyết định có hiệu lực pháp luật và phải hướng dẫn quyền khiếu nại tiếp theo cho công dân đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; Đối với tố cáo trong tố tụng hình sự, BLTTHS 2015 chỉ quy định giải quyết tố cáo một lần duy nhất tại Điều 481, không có tố cáo lần hai, do đó mọi Quyết định giải quyết tố cáo trong tố tụng hình sự của cơ quan điều tra đều là Quyết định có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là một số kinh nghiệm phát hiện vi phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan Cảnh sát điều tra, nhóm tác giả đưa ra để bạn đọc cùng tham khảo và góp ý.

Nhóm tác giả: Trần Thị Hoa, Nguyễn Thị Hà Phương, Trần Bích Ngọc

(vkshanoi.gov.vn)
Tìm kiếm