Nhiều năm nay, án ma túy luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số án hình sự, tuy nhiên vấn đề xử lý tội phạm về ma túy còn những hạn chế mà trong đó do nguyên nhân quy định của pháp luật chưa đầy đủ, đồng bộ. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vụ án hình sự nói chung, vụ án ma túy nói riêng, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và Luật tổ chức Cơ quan điều tra (CQĐT) hình sự năm 2015 đã có những quy định chặt chẽ giúp CQĐT và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc những quy định, đặc biệt là quy định mới về CQĐT, các chủ thể tiến hành các hoạt động điều tra, VKSND và các chủ thể thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra trong giai đoạn điều tra vụ án ma túy.
1. Cơ quan điều tra và các chủ thể có thẩm quyền điều tra vụ án ma túy
Hoạt động điều tra án ma tuý nhằm mục đích thu thập, nghiên cứu phân tích, đánh giá nhằm làm rõ sự thật vụ án ma tuý cơ bản thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra. Để phát hiện, khám phá điều tra, điều tra một vụ án ma túy, CQĐT thường phải sử dụng hai hình thức điều tra, đó là điều tra trinh sát và điều tra theo tố tụng (điều tra công khai), nội dung bài viết này chỉ đề cập đến điều tra theo tố tụng. Tuy nhiên, khi thực hiện các biện pháp điều tra theo tố tụng để giải quyết các vụ án ma tuý, Cơ quan có thẩm quyền điều tra cần có sự phối hợp của điều tra trinh sát, được thực hiện theo quy định tại Điều 42 Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015.
Theo Luật Công an nhân dân năm 2014, BLTTHS năm 2015 và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, trong điều tra vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền điều tra là Cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án ma túy là CQĐT và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra các vụ án được quy định tại Chương XX Các tội phạm về ma túy (từ Điều 247 đến Điều 259) BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) gồm: Cơ quan Cảnh sát điều tra, CQĐT thuộc lực lượng Cảnh sát được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo BLTTHS năm 2015 được quy định tại Điều 35 gồm: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng; Các cơ quan của Hải quan; Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển. Như vậy, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tội phạm về ma túy từ ngày 01/7/2016 không có gì mới.
Theo quy định của Luật tổ chức CQĐT hình sự, tại điểm a và d các khoản 1, 2 Điều 18, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý gồm có: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh); Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy hoặc Đội Điều tra tổng hợp (Công an huyện). Đây là lực lượng chủ công trong đấu tranh chống tội phạm về ma tuý. Lực lượng Cảnh sát nhân dân cũng đồng thời là chủ thể quan trọng trong hoạt động phòng ngừa tội phạm về ma túy.
Cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong điều tra vụ án ma túy theo BLTTHS năm 2015 được quy định tại Điều 35 và các Điều 32, 33, 35 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2015 gồm: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng (Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Biên phòng Cửa khẩu cảng, Đồn biên phòng); Các cơ quan của Hải quan (Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu); Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển (Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Hải đoàn, Hải đội và Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển); Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 không quy định trại tạm giam, Cảnh sát quản lý hành chính được tiến hành hoạt động điều tra như quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự trước đây, chỉ quy định trại giam đươc tiến hành một số hoạt động điều tra. Trong hoạt động kiểm soát ma túy, các cơ quan và người được giao nhiệm vụ thực hiện trong các lực lượng khác có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Cảnh sát nhân dân trong việc tổ chức phối hợp đối với công tác kiểm soát ma túy để hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục tố tụng hình sự (Điều 164 BLTTHS – quy định mới).
Người có thẩm quyền pháp lý để thực hiện các hoạt động điều tra vụ án hình sự nói chung, vụ án ma túy nói riêng thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 BLTTHS năm 2015 gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra. Như vậy, chủ thể mới theo Bộ luật này là Cán bộ điều tra.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể điều tra tội phạm về ma túy trong BLTTHS năm 2015 và Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 được quy định chi tiết, cụ thể, quyền gắn với trách nhiệm
Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra yêu cầu trách nhiệm cao hơn so với quy định trước đây, thể hiện rõ vai trò của người chỉ đạo, điều hành. Điều 36 BLTTHS năm 2015, Điều 43 Pháp lệnh tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT có các quy định mới đó là: Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra; quyết định phân công hoặc thay đổi Cán bộ điều tra; kiểm tra các hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Cán bộ điều tra; quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của Bộ luật này; quyết định đình nã bị can; quyết định trưng cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra, thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; trực tiếp kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; ra các lệnh và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra. Khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình.
Đối với nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên, Điều 37 có những quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Điều tra viên, tăng cường trách nhiệm và mở rộng quyền hạn để chủ động thực hiện các hoạt động điều tra như: Trực tiếp kiểm tra, xác minh và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật này.
Người có thẩm quyền thực hiện các hoạt động điều tra trong Bộ luật này hay nói cách khác chủ thể mới của điều tra vụ án hình sự nói chung, điều tra vụ án ma túy nói riêng là Cán bộ điều tra. Cán bộ điều tra như một người trợ giúp cho Điều tra viên thực hiện các hoạt động điều tra. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Cán bộ điều tra được quy định tại Điều 38 của Bộ luật này, Cán bộ điều tra thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây theo sự phân công của Điều tra viên: Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác khi Điều tra viên tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự; giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này; giúp Điều tra viên trong việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, hồ sơ vụ án và thực hiện hoạt động tố tụng khác. Cán bộ điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên về hành vi của mình.
Có 2 điều luật hoàn toàn mới trong BLTTHS năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể có thẩm quyền đại diện cho cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là Điều 39 và Điều 40. Điều 39[1] quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Kiểm lâm, Kiểm ngư không điều tra vụ án ma túy). Điều này có các nội dung chính sau: 5 nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này; 7 nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng, những người quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này; 4 nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp, những người được quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này; 4 nhiệm vụ, quyền hạn của Cán bộ điều tra.
Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp trưởng, cấp phó, Cán bộ điều tra của các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại Điều 40[2] Bộ luật này có các nội dung chính sau: 4 nhiệm vụ của cấp trưởng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại điểm e và điểm g khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này, lưu ý khi cấp trưởng vắng mặt, một cấp phó được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của cấp trưởng về nhiệm vụ, quyền hạn được ủy nhiệm; 5 nhiệm vụ, quyền hạn của những người được quy định tại điểm e và điểm g khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này và 5 nhiệm vụ, quyền hạn của Cán bộ điều tra và lưu ý cấp trưởng, cấp phó không được ủy quyền cho Cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn đối với các chủ thể có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra vụ án ma túy (Bộ đội biên phòng Điều 32, Hải quan Điều 33, Cảnh sát Biển Điều 35 và CQĐT thuộc lực lượng Cảnh sát được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra Điều 39) nhưng có các quy định mới chi tiết hơn là: Các cơ quan này được tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm thuộc lĩnh vực mình quản lý đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì kiểm tra, xác minh và điều tra theo quy định; Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan điều tra theo thẩm quyền đối với vụ án ma túy thuộc trường hợp phạm tội quả tang, ít nghiêm trọng, chứng cứ lý lịch rõ ràng trong thời hạn 01 tháng. Một điều luật mới (Điều 44) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là: Các đơn vị này có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết tin báo tội phạm về ma túy; phát hiện, bắt giữ người phạm tội quả tang, truy nã xảy ra trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan đến ma túy.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 224 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, tại Chương XVI về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, tội phạm về ma túy là một trong những tội phạm thuộc trường hợp có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Về phân công trong điều tra vụ án ma túy, thực hiện như phân công điều tra vụ án hình sự trên cơ sở lĩnh vực quản lý. Thủ trưởng CQĐT có thẩm quyền phân công điều tra vụ án ma túy hoặc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra (điểm c khoản 1 Điều 36 Luật Tổ chức CQĐT hình sự). Việc phân công được thể hiện bằng Quyết định phân công điều tra vụ án hình sự (theo mẫu quy định) do Thủ trưởng CQĐT có thẩm quyền ký. Điều tra viên, Cán bộ điều tra có tên trong Quyết định phân công điều tra vụ án hình sự có trách nhiệm tiến hành các hoạt động điều tra vụ án ma túy được phân công theo quy định tại Điều 37 (đối với Điều tra viên) và theo Điều 38 (đối với Cán bộ điều tra).
Phân cấp thẩm quyền điều tra vụ án ma túy được thực hiện theo khoản 1, khoản 5 Điều 163 BLTTHS năm 2015, cụ thể là thẩm quyền của CQĐT được thực hiện theo thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tương đương, theo quy định của pháp luật hiện hành; đối với các chủ thể được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra việc phân cấp theo vùng, khu vực và lĩnh vực quản lý quy định các điều luật về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan này trong Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015: Bộ đội biên phòng (khoản 1, Điều 32); Hải quan (khoản 1 Điều 33); Cảnh sát biển (khoản 1 Điều 35); lực lượng Cảnh sát trong Công an nhân dân (khoản 1 Điều 38).
Quan hệ phối hợp giữa các CQĐT với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vụ án ma túy là quy định mới trong Điều 40 Luật tổ chức CQĐT hình sự, có các nội dung cơ bản sau: CQĐT có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra đối với cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra; CQĐT có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ chuyển giao theo thẩm quyền và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã chuyển giao hồ sơ; các vụ án ma túy chưa rõ thẩm quyền điều tra thì CQĐT nào phát hiện trước phải áp dụng ngay các hoạt động điều tra theo BLTTHS và Luật này, khi xác định được thẩm quyền điều tra thì chuyển vụ án cho cơ quan có thẩm quyền điều tra theo quy định; các lệnh, quyết định tố tụng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi ngay cho VKS và thông báo cho CQĐT có thẩm quyền biết; các đơn vị Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân, Kiểm soát quân sự có trách nhiệm hỗ trợ và thực hiện yêu cầu của chủ thể có thẩm quyền pháp lý được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong hoạt động điều tra.
2. Viện kiểm sát nhân dân và các chủ thể thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án ma túy
Điều 20 BLTTHS năm 2015 quy định về trách nhiệm của VKSND trong thực hành quyền công tố và kiểm sát tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự là: Viện kiểm sát THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS, quyết định việc buộc tội, phát hiện vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội, pháp nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội, không làm oan người vô tội.
Theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, cơ quan có thẩm quyền THQCT và kiểm sát điều tra là VKSND. Hoạt động THQCT và kiểm sát điều tra của VKSND được thực hiện thông qua thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người tiến hành tố tụng có thẩm quyền pháp lý trong tố tụng hình sự gồm: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên (điểm b, khoản 2 Điều 34 BLTTHS năm 2015). Đây cũng chính là chủ thể của hoạt động THQCT và kiểm sát điều tra vụ án hình sự nói chung, vụ án ma túy nói riêng. So với BLTTHS năm 2003, chủ thể mới của VKSND trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra được bổ sung là Kiểm tra viên.
Các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên theo BLTTHS năm 2015 và Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 được bổ sung, sửa đổi so với quy định hiện hành nhằm nâng cao chất lượng của THQCT và kiểm sát điều tra cũng chính là để nâng cao chất lượng điều tra vụ án ma túy. Theo quy định tại Điều 41, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện trưởng thể hiện vai trò, trách nhiệm cao của người đứng đầu đơn vị nghiệp vụ, có những điểm mới là: Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo hoạt động THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự; quyết định thay đổi Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; kiểm tra hoạt động của Kiểm tra viên; quyết định phân công hoặc thay đổi Kiểm Kiểm tra viên; kiểm tra hoạt động THQCT và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của Kiểm tra viên; yêu cầu cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật này; quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; quyết định việc gia hạn kiểm tra và xác minh nguồn tin về tội phạm, gia hạn truy tố; quyết định khám xét, thu giữ, tạm giữ, xử lý vật chứng; quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản; yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thay đổi Cán bộ điều tra; phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định, lệnh của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; quyết định hủy bỏ các quyết định, lệnh không có căn cứ và trái pháp luật của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra; quyết định áp dụng, đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh; quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; yêu cầu phục hồi điều tra; quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra đối với bị can, phục hồi vụ án, phục hồi vụ án đối với bị can; thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật; ban hành các lệnh và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát. Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình.
Trên cơ sở quy định của BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 thay đổi theo hướng tăng cường trách nhiệm của Kiểm sát viên, mở rộng thẩm quyền cho Kiểm sát viên và nâng cao chất lượng THQCT và kiểm sát điều tra vụ án hình sự, chống làm oan người vô tội và chống bỏ lọt tội phạm. Điều 42 BLTTHS năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên khi THQCT và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự có những điểm mới gồm: Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết thông tin về dấu hiệu tội phạm của cơ quan, người có thẩm quyền; trực tiếp giải quyết và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm sát việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; kiểm sát việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc lập hồ sơ vụ án của cơ quan, người có thẩm quyền điều tra; kiểm sát hoạt động khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; trực tiếp kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét; kiểm sát việc tạm đình chỉ điều tra, kết thúc điều tra; yêu cầu CQĐT truy nã, đình nã bị can; quyết định áp giải bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, bị hại; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong những trường hợp quy định của Bộ luật này; cấp, thu hồi giấy đăng ký bào chữa; quyết định giao người chưa thành niên để giám sát; thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm tra viên là quy định mới tại Điều 43 của Bộ luật này. Kiểm tra viên thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Kiểm sát viên bao gồm: Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác trong tố tụng hình sự; giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này; giúp Kiểm sát viên trong việc lập hồ sơ kiểm sát, hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm và tiến hành hoạt động tố tụng khác. Kiểm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên về hành vi của mình.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự được quy định tại Điều 165 BLTTHS năm 2015. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự được quy định tại Điều 166 BLTTHS năm 2015. Các chủ thể THQCT và kiểm sát điều tra đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.
Về phân công trong THQCT và kiểm sát điều tra vụ án ma túy thực hiện theo lĩnh vực quản lý, như phân công THQCT và kiểm sát điều tra án hình sự, quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 41, Viện trưởng có quyền phân công hoặc thay đổi Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên. Việc phân công THQCT và kiểm sát điều tra vụ án hình sự được thể hiện bằng Quyết định phân công THQCT và kiểm sát điều tra vụ án hình sự (theo mẫu quy định) do Viện trưởng kí phân công. Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có tên trong Quyết định có trách nhiệm THQCT và kiểm sát điều tra vụ án hình sự theo quy định tại Điều 42 (đối với Kiểm sát viên) và theo quy định tại Điều 43 (đối với Kiểm tra viên)
Phân cấp trong THQCT và kiểm sát điều tra vụ án ma túy ở VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Khoản 3 Điều 14 BLTTHS năm 2015 quy định Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, lực lượng Cảnh sát biển, cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Tội phạm về ma túy luôn luôn là vấn đề nóng bỏng, bức xúc trong xã hội, để công tác điều tra, THQCT và kiểm sát điều tra các vụ án ma túy bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội, ngoài nắm chắc các quy định mới của BLTTHS năm 2015, Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015, cập nhật các văn bản hướng dẫn thực hiện hai đạo luật này, các chủ thể điều tra, THQCT và kiểm sát điều tra vụ án ma túy còn phải thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 95-KL/TW ngày 02/4/2014 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, các nghị quyết của Quốc hội, văn bản hướng dẫn xử lý tội phạm về ma túy.
[1] Xem Điều 39 BLTTHS năm 2015.
[2] Xem Điều 40 BLTTHS năm 2015.
TS. Nguyễn Thị Mai Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát
TS. Đỗ Thành Trường, Trưởng phòng, Phòng Tham mưu tổng hợp, Văn phòng VKSND tối cao