Ngày 28/7/2022, VKSND tối cao phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh & xã hội tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH quy định về công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (Thông tư liên tịch số 01/2022).
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) VKSND tối cao chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, nối từ điểm cầu VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13); các đồng chí Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2), Vụ 13, Vụ 14 VKSND tối cao; đồng chí Thiếu tướng Đàm Thuận Công, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương; đồng chí Đại tá Hoàng Hữu Quý, Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương; bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh & xã hội cùng đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao; Lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội và Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức Viện Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự thuộc VKSND cấp cao tại Hà Nội.
Điểm cầu Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Tp. Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị có Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách lĩnh vực hình sự và Lãnh đạo các khoa, phòng, giảng viên có liên quan đến lĩnh vực xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Điểm cầu VKSND cấp cao tại Hà Nội có Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Điểm cầu Viện kiểm sát quân sự các cấp có Lãnh đạo, Kiểm sát viên thuộc Viện kiểm sát quân sự làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự; Lãnh đạo, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, công chức thuộc Cơ quan điều tra hình sự các cấp thuộc Bộ Quốc phòng và Lãnh đạo, Thẩm phán, Thư ký phiên tòa, công chức thuộc Tòa án quân sự Bộ Quốc phòng được phân công nhiệm vụ phối hợp trong quá trình giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Điểm cầu VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện có: Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; Lãnh đạo, Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công nhiệm vụ phối hợp trong quá trình điều tra vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; Lãnh đạo, Thẩm phán, Thư ký phiên tòa, công chức được phân công nhiệm vụ giải quyết trong quá trình xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi cùng Lãnh đạo, công chức thuộc Sở Lao động - Thương binh & xã hội được phân công nhiệm vụ phối hợp trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án xâm hại tình dục đối với người dưới 18 tuổi.
Báo cáo kết quả xây dựng Thông tư liên tịch số 01/2022 do đồng chí Phùng Đức Khiêm, Phó Vụ trưởng Vụ 2 VKSND tối cao trình bày tại Hội nghị đánh giá: Trong những năm gần đây, tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội. Hậu quả của loại tội phạm này gây ra đã ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với thế hệ tương lai của đất nước, đã xâm hại nghiêm trọng đến tâm lý, làm cho bị các bệnh xã hội lây lan qua đường tình dục. Thực tế cho thấy số vụ xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi đang có chiều hướng phức tạp về tính chất và nghiêm trọng về mức độ vi phạm, xảy ra trên phạm vi cả nước.
Trước tình hình trên, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã đề ra nhiều biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời phát hiện xác minh khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử theo pháp luật, các đối tượng phạm tội xâm hại tình dục trẻ em đã bị xử lý nghiêm minh, góp phần thực hiện tốt công tác đấu tranh, phòng ngừa đối với loại tội phạm này. Tuy nhiên, vẫn còn để xảy ra trường hợp người bị xâm hại dưới 18 tuổi gây hậu quả nghiệm trọng chưa được phát hiện, xác minh khởi tố, điều tra và xử lý kịp thời nên đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phòng, chống loại tội phạm này.
Để thực tốt công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, ngày 19/6/2020, Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó, giao VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Quá trình xây dựng Thông tư liên tịch, Tổ soạn thảo đã thực hiện các bước để hoàn thành đề cương, lấy ý kiến góp ý của các ngành có liên quan, đặt các chuyên gia viết chuyên đề về nội dung liên quan đến Thông tư; tổ chức nhiều cuộc họp cấp chuyên viên liên ngành có liên quan tham gia đóng góp ý kiến. Nội dung Thông tư liên tịch tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn về trình tự, thủ tục, cách thức phối hợp giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Theo đó, Thông tư liên tịch số 01/2022 được kết cấu gồm 06 Chương, 27 Điều, quy định quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Tại Hội nghị, đại diện VKSND tối cao; Bộ Công an; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Lao động - Thương binh & xã hội đã quán triệt các nội dung về trách nhiệm của Kiểm sát viên, Điều tra viên và trách nhiệm của cơ quan Lao động - Thương binh & xã hội trong quá trình tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi để Thông tư liên tịch số 01/2022 được triển khai, thực hiện hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt nội dung của Thông tư liên tịch số 01/2022 đến toàn thể đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Thư ký phiên tòa và công chức thuộc Cơ quan Lao động - Thương binh & xã hội các cấp được phân công tham gia hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Qua đó, trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn về phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Đồng chí Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao mong muốn, sau Hội nghị, đại biểu tham dự Hội nghị sẽ được quán triệt đầy đủ, nắm chắc các quy định của Thông tư liên tịch số 01/2022 và các quy định pháp luật khác có liên quan để áp dụng ngay, kịp thời vào trong hoạt động thực tiễn; các cơ quan tiếp tục xây dựng quy trình hướng dẫn nghiệp vụ của từng ngành, phù hợp với đơn vị, địa phương mình.