CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hoàn thiện các quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

08/10/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 08/10/2022, tại Hà Nội, VKSND tối cao phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) VKSND tối cao và bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng VKSND tối cao; đồng chí Hoàng Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Vụ 8); Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hà, Phó Vụ trưởng Vụ 14; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hưởng, Phó Vụ trưởng Vụ 14. Các đại biểu là chuyên gia của TAND tối cao; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng C10 Bộ Công an; Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng C11 Bộ Công an; Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) VKSND tối cao; Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội; cùng đại diện VKSND các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên...

Các đồng chí chủ trì Hội thảo
Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14 phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14 đánh giá Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn được ban hành đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự phải đặt trong tổng thể và bảo đảm đồng bộ với quá trình cải cách bộ máy Nhà nước, cải cách tư pháp, cải cách hành chính ở nước ta; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, các quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và pháp luật khác có liên quan. Việc quy định cụ thể, bảo đảm tính minh bạch, tính khả thi của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Thi hành án hình sự góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân; đồng thời, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Toàn cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, thấy còn những vướng mắc cần có sự hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung; do đó, VKSND tối cao phối hợp với UNODC tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Đây là chủ đề mà pháp luật quốc tế và trong nước rất quan tâm.

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Thông qua Hội thảo giúp nhìn nhận, đánh giá toàn bộ khung pháp lý của Nhà nước ta về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; chỉ ra những điểm còn hạn chế, bất cập, đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật để việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền được thuận lợi và bảo vệ tốt nhất quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

Ông Dai Tanaka, cán bộ phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự của Cơ quan phòng,
chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương phát biểu

Theo nội dung bài phát biểu qua video của ông Dai Tanaka, cán bộ phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương, tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, giam giữ và phạt tù là những biện pháp chính được áp dụng với những người bị tình nghi vi phạm pháp luật hình sự hoặc đã bị kết án về một hành vi phạm tội. Tuy nhiên, nhiều trại giam trên thế giới hiện nay đang gặp phải nhiều thách thức có liên quan đến an toàn, an ninh và quyền con người.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ông Dai Tanaka nhấn mạnh, Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc có nhiệm vụ trực tiếp hỗ trợ các quốc gia xây dựng và cải thiện hệ thống các cơ sở giam giữ, thực hiện các chế tài và biện pháp cải tạo phi giam giữ phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về quyền con người và các chuẩn mực quốc tế của Liên hợp quốc.

Đồng chí Hoàng Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ 8 phát biểu tại Hội thảo
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hà, Phó Vụ trưởng Vụ 14 phát biểu tham luận tại Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Huy Thắng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Quang Huy, đại diện C11 Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Phó Viện trưởng VKSND Thị xã Sơn Tây, Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận về các vấn đề: Tổng quan pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự qua công tác kiểm sát việc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và kiểm sát thi hành án hình sự; thực trạng thi hành chế độ quản lý tạm giữ, tạm giam đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam và một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; thực trạng áp dụng và những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật trong việc tạm đình chỉ, hoãn, miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện; nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật và một số đề xuất, kiến nghị…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

TL
Tìm kiếm