CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm thực hiện Chuyên đề “Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố”

06/11/2024
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 06/11/2024, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 1) VKSND tối cao tổ chức Hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm thực hiện Chuyên đề “Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố”. Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đồng chí Mai Trung Thành, Vụ trưởng Vụ 1 chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Trụ sở VKSND tối cao đến các điểm cầu hệ thống trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Đồng chí Mai Trung Thành, Vụ trưởng Vụ 1
phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có tập thể Lãnh đạo và toàn thể công chức thuộc Vụ 1 VKSND tối cao, đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ giải quyết án hình sự và Kiểm sát viên làm công tác giải quyết án hình sự tại VKS quân sự Trung ương, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện…

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14
phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Mai Trung Thành, Vụ trưởng Vụ 1 đã trình bày Báo cáo đề dẫn "Thực trạng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố”. Theo đó, biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam là 03/08 biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong tố tụng hình sự, được các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng. Việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam hạn chế một số quyền con người, quyền của người bị buộc tội, do đó, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) qua các thời kỳ đều quy định chặt chẽ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn áp dụng đối với từng biện pháp.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố; không để xảy ra tình trạng bắt, tạm giữ, tạm giam, nhưng sau đó phải trả tự do không xử lý hình sự; thực hiện nghiêm Nghị quyết số 96 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho những người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự; Nghị quyết số 111 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo. Ngày 28/12/2016, Viện trưởng VKSND tối cao đã ra Chỉ thị số 106 về công tác kiểm sát của ngành Kiểm sát nhân dân; Kế hoạch số 03 về công tác trọng tâm của VKSND tối cao, đã giao Vụ 1 chủ trì, phối hợp với các đơn vị, VKS các cấp xây dựng báo cáo và tổ chức thực hiện Chuyên đề “Báo cáo đánh giá thực trạng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và Viện kiểm sát, đề ra giải pháp khắc phục các trường hợp lạm dụng bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam; định kỳ ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong công tác này”, phục vụ Báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp của Quốc hội.

Đồng chí Lê Thị Kiều Nga, Phó Vụ trưởng Vụ 1
phát biểu tại Hội nghị

Để thực hiện hiệu quả Chuyên đề này, Vụ 1 đã tham mưu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Hàng năm, Vụ 1 thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Trực tiếp kiểm tra thực tế việc thực hiện Chuyên đề tại một số đơn vị và VKS các địa phương, kết hợp với việc ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị, VKS các cấp tự tiến hành kiểm tra, xây dựng báo cáo. Qua công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, Vụ 1 đã tham mưu ban hành nhiều Thông báo rút kinh nghiệm toàn Ngành để các đơn vị, VKS các cấp nghiên cứu và rút kinh nghiệm.

Đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng 3 thuộc Vụ 1
phát biểu tại Hội nghị

Thực tiễn thực hiện Chuyên đề này qua các năm cho thấy, nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị, VKS các cấp, các Kiểm sát viên đối với công tác này ngày càng nâng cao và có những chuyển biến tích cực và việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra của Cơ quan có thẩm quyền điều tra và trong giai đoạn truy tố của VKSND luôn bảo đảm có căn cứ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo các quy định của BLTTHS, Thông tư liên tịch số 04/2018. Để phát huy những kết quả đạt được; đồng thời, để tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả yêu cầu của Viện trưởng VKSND tối cao tại Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023, Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 19/12/2023 và Kế hoạch số 12/KH-VKSTC ngày 26/01/2024 của VKSND tối cao, Vụ 1 tham mưu tổ chức “Hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm thực hiện Chuyên đề Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tiếp đó, đại biểu tham dự Hội nghị được nghe đại diện Lãnh đạo Phòng 3 thuộc Vụ 1 trình bày Báo cáo trung tâm "Thực trạng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố” và đại diện Lãnh đạo Vụ 1 trình bày Báo cáo chuyên đề “Rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố và giải pháp thực hiện”.

Dưới sự điều hành của đồng chí Mai Trung Thành, Vụ trưởng Vụ 1, đại biểu tại các điểm cầu đã trình bày một số tham luận liên quan đến thực trạng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố tại địa phương, đơn vị; đồng thời nêu lên một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị. Tiếp theo chương trình, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (Vụ 14) đã tiến hành giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định của BLTTHS về áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố được các đơn vị đặt ra tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao công tác tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, chuẩn bị tốt nội dung để tổ chức Hội nghị của Vụ 1; đồng thời nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, giúp Lãnh đạo VKSND tối cao có cơ sở đánh giá đúng thực trạng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố. Thông qua Hội nghị, tiến hành tổng hợp, phân tích, xây dựng nội dung báo cáo thống kê trên cơ sở các yêu cầu chống lạm dụng bắt, tạm giữ, tạm giam và phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm để Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng đã điểm lại những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác này thời gian qua. Để công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn Ngành thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của VKSND theo quy định của pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục việc lạm dụng bắt, tạm giữ, tạm giam...

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng VKS các cấp quán triệt và thực hiện một số nhiệm vụ như: Tiếp tục thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân, các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, các quy định của BLTTHS, Thông tư liên tịch giữa Cơ quan điều tra và VKS…

Các đơn vị, VKS các cấp phải tăng cường trách nhiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đặc biệt là trách nhiệm, bản lĩnh của Lãnh đạo đơn vị (người đứng đầu) và Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất phê chuẩn hay không phê chuẩn, hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn. Khi quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn phải đáp ứng đầy đủ 3 yêu cầu: “chính trị - nghiệp vụ - pháp luật” và bảo đảm nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”. Tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn nữa khâu công tác này trong thời gian tới; Vụ 14 phối hợp với Vụ 1 và các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu, giải đáp, hướng dẫn kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong khâu công tác này cho VKSND các địa phương. Vụ 1, Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin (Cục 2) phối hợp với Văn phòng VKSND tối cao và các đơn vị liên quan thuộc VKSND tối cao để tham mưu Lãnh đạo VKSND tối cao ban hành Hệ thống biểu mẫu chỉ tiêu, sổ theo dõi lệnh, quyết định cho phù hợp, khoa học, thuận lợi cho công tác theo dõi, quản lý Chuyên đề…

TH
Tìm kiếm