Ngày 29/8/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có đại diện các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học gồm:..
HỘI THẢO KHOA HỌC
“ Hoàn thiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao phát biểu tại hội thảo
Ngày 29/8/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có đại diện các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học gồm: Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Học Viện Cảnh sát, Cơ quan cảnh sát Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng cục Hải quan, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Đại học Kiểm sát Hà Nội và các thành viên Tổ giúp việc Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) cùng tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, đại biểu tham gia thảo luận về các quy định đề xuất sửa đổi, bổ sung của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003 (sửa đổi). Nội dung đại biểu thảo luận tại hội thảo liên quan tới các vấn đề như: Bổ sung quy định về cơ quan tiến hành tố tụng; sửa các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự để phân định hợp lý thẩm quyền của Thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng với những người trực tiếp tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán); về mở rộng diện những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng, Trợ lý điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; về mở rộng diện người tham gia tố tụng và quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng; về vấn đề ghép chương và không chia chủ thể tố tụng thành người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng; về vấn đề tăng thẩm quyền, tăng trách nhiệm cho những người trực tiếp tiến hành tố tụng; về mở rộng người tiến hành tố tụng; về mô hình tổ chức các cơ quan tiến hành tố tụng; thu thập, cung cấp chứng cứ của những người tham gia tố tụng.
Đại biểu dự hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Nghĩa Mai ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học đối với việc xây dựng “Hoàn thiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập qua thực tiễn 10 năm thi hành Bộ luật TTHS năm 2003. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực nhấn mạnh, việc xây dựng, hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật TTHS cần tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm tố tụng hình sự (TTHS) các nước, phù hợp với đặc điểm cụ thể mô hình tố tụng hình sự ở nước ta. Bảo đảm việc giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được chính xác, khách quan, kịp thời, vận hành trôi chảy; bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân. Đồng thời đề nghị các thành viên Ban soạn thảo cần tiếp xây dựng Bộ luật TTHS dựa trên NQ49/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực tin tưởng trong thời gian tới với tinh thần trách nhiệm cao sẽ có nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học trong việc xây dựng, hoàn thiện Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành hiệu quả và hiệu lực cao.